Đơn thân nuôi con - Điều không đơn giản

Một mình xoay sở hàng trăm chi phí, các bà mẹ đơn thân phải vất vả cân đối ngân sách gia đình.

Trước đây, việc phụ nữ nuôi con một mình là điều hiếm thấy trong xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, trường hợp phụ nữ đơn thân sinh con và nuôi dạy con ngày càng phổ biến hơn.

Quyết định một mình sinh và nuôi con

Nguyên nhân của hiện tượng này một phần do xu hướng cuộc sống ngày nay đã thoáng hơn trước. Eva không nhất thiết phải kết hôn mới có thể sinh con. Đồng thời, tỉ lệ ly hôn tăng cao cũng góp phần làm gia tăng số lượng các bà mẹ đơn thân nuôi con.

Tuy nhiên, liệu họ có thể một mình kiếm tiền nuôi bản thân và con mà không cần đến sự chia sẻ tài chình của người đàn ông? "Câu trả lời là rất khó", chị Diễm Lệ, 30 tuổi, đúc kết. Chị là trưởng phòng maketing của một công ty in ấn quảng cáo, đang sống tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Chị Lệ là một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ và đầy bản lĩnh. Trót yêu một người đàn ông đã có gia đình nhưng không muốn làm người thứ ba, chị chủ động chia tay sau khi biết mình có thai.

Muốn con ra đời trong một căn nhà thật đẹp và ấm cúng, chị dùng hết số tiền dành dụm để sửa lại căn nhà đang ở. Đi đâu, thấy gì đẹp, chị đều mua về cho con, từ chiếc nôi, ngựa gỗ đến gấu bông, quần áo trẻ sơ sinh...

Khi đứa bé chào đời, không thể một mình xoay sở trong 4 tháng thai sản, chị phải thuê thêm người giúp việc. Mỗi tháng, chị phải chi ra từ 7-8 triệu đồng cho các chi phí như: tiền điện, nước, tiền chợ, tiền lương cho người giúp việc, mua sắm cho con...

Thu nhập của trưởng phòng trước đây mình chị sống dư dả nhưng giờ chỉ vừa đủ cho hai mẹ con. Cũng từ lúc có đứa bé chị không còn tập trung và hết lòng với công việc như trước nữa.

"Thời gian ấy tôi nghe phong thanh chuyện sếp dự định tìm người có năng lực hơn để thay thế vị trí của mình. Nếu mất việc, tôi thật sự không biết làm sao để nuôi con. Tôi rối trí đến mất ngủ", chị Diễm Lệ nhớ lại.

Khi bà nội trợ xông pha kiếm tiền

Cũng là một bà mẹ đơn thân nuôi con nhưng trường hợp của chị Cúc Phương, 27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM, có phần khác hơn.

Cách đây 6 năm, chị có một gia đình êm ấm với anh Hoàng Mạnh, 31 tuổi, phó phòng kinh doanh của một công ty chuyên phân phối các thiết bị điện ở Q.6, TP.HCM. Do thu nhập của chồng khá cao, chị Phương yên tâm ở nhà làm nội trợ và sinh cho chồng đứa con trai.

Thời gian sau, anh Mạnh cặp kè với một cô gái trẻ đẹp và thường xuyên về nhà đánh đập vợ. Không chịu nổi, chị Phương ly hôn. Vì con chung của hai người chưa đầy 3 tuổi, tòa giao cho chị Phương nuôi. Anh Mạnh phải trợ cấp nuôi dưỡng cho con đến năm 18 tuổi. Số tiền trợ cấp là 600.000 đồng/tháng.

"Thế nhưng, vừa ra khỏi tòa, anh ta đã tráo trở bảo mẹ con tôi đừng hòng nhận được một đồng bố thí. Giận quá, tôi tuyên bố không cần đến tiền trợ cấp mà sẽ một mình nuôi con", chị Phương kể lại.

Sau đó, chị dọn về nhà bố mẹ ruột. Do chỉ mới tốt nghiệp phổ thông và chưa có kinh nghiệm làm việc nên chật vật lắm, chị Phương chỉ kiếm được một chân phụ bếp tại một nhà hàng nhỏ.

Mỗi ngày chị làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thỉnh thoảng phải làm thêm giờ nếu khách đông. Tiền lương mỗi tháng của chi khoảng 1.500.000 đồng nên mẹ con chị sống khá khó khăn.

"Con càng lớn, chi phí trường lớp và sinh hoạt càng nhiều. Cầm cự được hơn năm, tôi bấm bụng gặp chồng cũ để đòi tiền trợ cấp".

"Anh ta liền nhắc lại câu nói ngày xưa của tôi và miệt thị không tiếc lời. Tôi thật sự hối hận vì đã không yêu cầu chồng cũ thực hiện trách nhiệm với con ngay từ đầu", chị Phương tâm sự.

Theo lời khuyên của người quen, chị Phương làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền để mong đòi lại sự công bằng cho con. "Tôi biết không dễ để buộc chồng cũ có trách nhiệm, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo cuộc sống của hai mẹ con, không chỉ bây giờ mà cả sau này", chị Phương cho biết.

Tìm việc làm tốt trước khi quyết định

Có thể thấy ngoài áp lực tinh thần, các bà mẹ đơn thân nuôi con còn phải chịu nhiều áp lực tài chính. Việc làm với họ lúc này rất quan trọng vì đó gần như là nguồn thu duy nhất cho mọi chi tiêu.

Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ phải một mình đối mặt từng ngày với nguy cơ lạm phát, giá cả tăng cao, chi phí phát sinh theo quá trình trưởng thành của con...Tất cả những điều này thật không đơn giản và dễ dàng.

Vì vậy, nếu quyết định nuôi con một mình, bạn cần chuẩn bị kỹ về điều kiện kinh tế. Trước tiên, bạn cần tìm một công việc ổn định với mức thu nhập đủ cho sinh hoạt của mẹ con bạn.

Nếu là người chỉ quen việc nội trợ, bạn nên sắp xếp thời gian theo học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn để tìm một công việc tốt trước khi đệ đơn ra tòa xin ly hôn.

Bạn cần lưu ý chồng cũ có thể dùng lý do bạn không đủ khả năng nuôi con để giành quyền nuôi con của bạn, vì vậy, một công việc với mức lương ổn định rất cần thiết.

Bạn cũng không nên quá trông chờ vào khoản trợ cấp của chồng cũ. Luật quy định việc cấp dưỡng của người cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con là nghĩa vụ bắt buộc, nhưng không phải ai cũng đủ trách nhiệm để thi hành.

"Khi bắt đầu vác đơn kiện chồng cũ, trường hợp sau ly hôn, người cha không trợ cấp đầy đủ cho con theo phán xử của tòa không phải là hiếm. Phần lớn các ông bố đều rũ bỏ trách nhiệm với con. Những người thực hiện nghiêm túc chỉ chiếm con số nhỏ", chị Phương ngao ngán nói.

Do đó, các bà mẹ đơn thân cần phải tự chủ tài chính. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa bạn nên bỏ lơ việc trợ cấp của chồng cũ. Ngay cả khi kiếm được thu nhập cao, bạn cũng phải truy đòi trợ cấp cho con.

Số tiền này, cũng như tài sản thừa kế từ người cha, là quyền lợi chính đáng của con bạn và được pháp luật công nhận. Mặt khác, đó cũng là một cách để con bạn bớt tủi thân khi bố không trực tiếp nuôi dưỡng mình.

Cẩn thận hơn, trong thời kỳ hôn nhân, bạn nên soạn hợp đồng hôn nhân để liệt kê những tài sản chung của hai vợ chồng. Bản hợp đồng sẽ đảm bảo tài chính của bạn trong trường hợp ly hôn. Đây là phương án an toàn cho cả bạn và con.

Luôn có kế hoạch tài chính hợp lý

Ngoài ra, bạn không nên bằng lòng với mức thu nhập vừa đủ cho mọi khoản chi tiêu hoặc chỉ dư chút ít. Hãy nhớ bạn là chỗ dựa duy nhất của con! Vì vậy, mức độ rủi ro trong quá trình nuôi dưỡng cũng tăng lên.

Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên dành một phần thu nhập để mua bảo hiểm cho con đến năm 18 tuổi. Đừng tiếc khoản tiền này vì bạn được trả một khoản lãi hàng tháng!

Trong trường hợp không có rủi ro nào xảy ra, khi thanh lý hợp đồng, con bạn sẽ được nhận lại đầy đủ cả vốn lẫn lãi. Khoản tiền này rất hữu dụng khi cháu muốn đi du học hoặc kinh doanh riêng.

Quá trình một mình nuôi con đối diện với nhiều rủi ro nên bạn đừng quên lập một kế hoạch tài chính ngay từ ban đầu. Kế hoạch bao gồm ngân sách chi tiêu, học tập của con, chăm sóc sức khỏe, tiền tiết kiệm...Bạn không nên vì thu nhập cao mà chủ quan bỏ qua việc lập kế hoạch tài chính.

Như trường hợp của chị Diễm Lệ, nếu chủ động lập kế hoạch tài chính ngay từ khi mang thai, chị sẽ không lâm vào tình trạng thâm hụt ngân sách.

"Vừa stress vì lo tính toáng chi tiêu vừa lo lắng vì sợ mất việc, tôi mất ngủ triền miên. Cuối cùng, tôi quyết định xin nghỉ phép để đến gặp chuyên viên tâm lý và điều trị trong hai tuần", chị Lệ cho biết.

Sau khi giải tỏa được căng thẳng, chị bắt đầu sắp xếp lại kế hoạch tài chính của mình. Chị quyết định bán bớt những vật dụng còn mới nhưng không dùng đến cho những bà mẹ có con nhỏ.

Chị ngăn tầng một của ngôi nhà thành hai phòng và cho sinh viên nữ thuê. Hai mẹ con chị sống ở tầng trệt và tầng lửng.

Thay vì thuê người giúp việc, chị gửi bé ở nhà trẻ và tự chăm sóc con, quán xuyến việc nhà sau khi tan sở. Chị cũng giảm hẳn thói quen đi siêu thị mà thường đi chợ để tiết kiệm chi phí.

Với khoản thu nhập hàng tháng, chị dành 15% để mua bảo hiểm cho con đến năm 18 tuổi. Chị dành 50% cho các sinh hoạt hàng tháng, 10% cho việc chăm sóc sức khỏe và 25% còn lại cho nhu cầu giải trí, gửi biếu bố mẹ, phòng thân...

"Khi áp lực kinh tế đã được giải tỏa, các ý tưởng cho công việc maketing lại trở về. Tôi hăng say lao vào công việc và dần củng cố lại vị trí của mình. Sếp tôi rất hài lòng và đã tăng lương cho tôi khi tái ký hợp đồng vào tháng trước", chị Diễm Lệ hào hứng nói.

Không có điều kiện tốt như chị Diễm Lệ nhưng chị Cúc Phương cũng cố gắng xoay xở hết sức mình trong thời gian chờ truy đòi tiền trợ cấp. "Tôi biết việc kiện tụng sẽ kéo dài nên không thể ngồi chở may rủi được", chị Cúc Phương chia sẻ.

Chị vay của bố mẹ một ít tiền để theo học một lớp nấu ăn. Vừa học vừa tích lũy kinh nghiệm, tay nghề chị ngày một tiến bộ. Một năm sau, chị trở thành bếp chính và được tăng lương gấp đôi.

Cũng thời gian đó, chồng cũ của chị, sau nhiều lần hầu tòa, đã đồng ý trợ cấp đầy đủ. "Thu nhập 3.000.000 đồng/tháng đủ để chi tiêu sinh hoạt. Vì vậy, tôi gửi hết tiền trợ cấp của con vào ngân hàng, để dành cho việc học của cháu".

"Hiện tại, tôi vẫn vừa làm vừa học. Khi thành thạo, tôi sẽ xin vào những nhà hàng lớn để nâng cao thu nhập. Con càng lớn, chi phí sinh hoạt càng nhiều nên tôi phải chuẩn bị từ bây giờ. Dù đơn thân nhưng tôi tin có thể mang lại cuộc sống đầy đủ cho con", chị kết luận một cách đầy tự tin.

Theo Vicky Nguyễn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.