Khi chồng bênh mẹ

Sau vài lần bênh vợ khiến mẹ giận dỗi, Trung cố ý hành động ngược lại. Có khi, Trung không buồn phân định đúng sai, nói nhiều câu cốt làm buồn lòng vợ mà khiến mẹ được hả giận.

Cách đây 6 tháng, Trung (Ba Đình, Hà Nội) hạnh phúc vì cưới được cô vợ xinh, trẻ, giỏi giang nhưng tính tình hơi đỏng đảnh. Biết nhà chỉ có mẹ chồng, Ngân – vợ Trung ghé tai anh làm nũng: “Anh không bao giờ được phép bênh mẹ mà bỏ rơi em đâu đấy”. Trung cười gật đầu, trấn an vợ nhưng trong lòng đang rối bời, Trung chưa thể quên lời bà dì ruột dặn mới đây, đại ý là không được yêu vợ mà quên mẹ, dù mẹ có nói oan cho vợ, cũng không được bênh.

Đừng bao giờ để người đàn ông "kẹt" giữa hai người đàn bà là mẹ và vợ

Những lần thấy con trai bảo vệ vợ, mẹ Trung giận, lại gọi điện cho dì trút tâm sự. Dì Trung, nhà ở ngay phố trên, tức tốc hẹn gặp riêng Trung, giáo huấn về tội “bất hiếu”, dại vợ.

Mệt mỏi vì bị “kẹt” giữa ba người đàn bà, Trung quyết định mặc kệ vợ. Ban đầu, vợ khóc, Trung còn tìm cách an ủi: “Thôi, em chịu khó nhường nhịn mẹ. Em vẫn biết, anh luôn yêu thương em còn gì”. Nhưng sau, chán ngán vì cô vợ kém ứng xử, chỉ muốn hơn – thua với mẹ chồng, vợ có khóc đến mấy, Trung cũng coi như không. Lúc nóng nảy, Trung săn sàng to tiếng, át tiếng khóc của vợ.

Vợ Dũng (Thanh Hóa) do bất đồng ý kiến với mẹ chồng nên ôm con, bỏ về bên ngoại được hai ngày nay. Dũng buồn và muốn xin mẹ sang đón vợ nhưng bà cương quyết: “Đi được thì sẽ tự về được. Làm sao anh phải đón với cả đưa?”.

Những buổi chiều tan giờ làm, nhớ vợ con, Dũng phóng xe sang bên ngoại nhưng không dám vào nhà. Nếu để vợ biết, Dũng sẽ phải nghe vợ than vãn về chuyện muốn ở riêng hoặc nếu mọi chuyện đến tai mẹ đẻ, anh sẽ bị mẹ từ mặt.

Nhiều lần vợ gọi điện về nhà nhưng vì sợ mẹ buồn, đáng lý phải hỏi: “Em và con có khỏe không?” thì Dũng cao giọng gắt gỏng: “Gọi làm gì? Cô có muốn ở cái nhà này nữa đâu mà gọi?”. Mắng xong, Dũng lại thấy có lỗi với vợ nhưng không dám bày tỏ thái độ vì anh không thể đối diện với ánh mắt thất vọng từ mẹ mình.

Với chồng: thông cảm, với mẹ chồng: lùi một bước

Nếu “sở hữu” được người chồng tâm lý, biết điều tiết bên tình – bên hiếu (không a dua theo vợ, khiến mẹ buồn lòng và ngược lại, chăm chăm tìm cách làm mẹ vui mà bỏ qua tâm tư của vợ) thì người vợ sẽ hạnh phúc. Chẳng may, có được anh chồng thiếu tế nhị, nghe lời mẹ quá đáng đến mức bỏ bê vợ, người vợ cũng không nên quá cố chấp hoặc làm căng chuyện.

Có thể người chồng cũng không muốn làm vợ buồn nhưng trước mặt mẹ đẻ, anh ấy phải thể hiện uy lực của người chủ gia đình. Các bà mẹ đều lo sợ con trai nhu nhược, yếu đuối, bị vợ đàn áp và người chồng cũng cảm thấy mất mặt khi bị mẹ đẻ phê phán: “chỉ biết núp váy vợ”. Hơn nữa, cũng do tính bảo thủ của người già, mẹ chồng bao giờ cũng muốn con trai nghe theo ý kiến mình, cho dù chuyện đó là đúng hay sai.

Không nói ra nhưng giữa mẹ chồng – con dâu luôn có một cuộc cạnh tranh ngấm ngầm để dành lấy tình cảm của người đàn ông mà họ thương yêu. Sự xuất hiện của con dâu trong nhà có thể khiến mẹ chồng trở nên cô đơn vì con dâu đã “cướp” đi thời gian và cả tình cảm của con trai bà, thứ mà trước đây vẫn dành cho riêng bà. Do đó, không ít mẹ chồng muốn “hạ bệ” con dâu để chứng tỏ bản thân là quan trọng nhất trong mắt con trai. Nếu không nắm bắt hoặc cảm thông được tâm lý này, người vợ dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng, cho rằng, chồng mình “bám váy mẹ” (đã trưởng thành còn nghe lời mẹ) hoặc chồng không biết phải trái, trách tội oan cho vợ.

Sau những căng thẳng với mẹ chồng, chọn lúc vui vẻ, người vợ nên trao đổi với chồng. Điều này giống như một biện pháp giải tỏa căng thẳng tối ưu. Không nên chất chứa ấm ức trong lòng, cho rằng mình bị nhà chồng cô lập hoặc tỏ ra oán ghét chồng và mẹ chồng. Tâm lý muốn trả đũa, hậm hực với nhà chồng không giải quyết được gốc rễ vấn đề mà chỉ khiến quan hệ vợ chồng càng tệ hại hơn, dễ khiến hạnh phúc bị rạn nứt.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.