Ly hôn: Nợ chung và nợ riêng

Cưới nhau được 3 năm và đã có hai mặt con nhưng cuộc sống vợ chồng của chị Nguyễn Thu Mai không có lấy một ngày bình yên.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân là do anh chồng siêng ăn biếng làm, suốt ngày rượu chè bê tha. Một mình không nghề nghiệp ổn định, bươn chải nuôi hai đứa con cùng ông chồng nghiệp rượu đã khiến cho cuộc sống của chị Mai lắm phen điêu đứng.

Đã thế chồng chị lại còn nợ nần, không biết bao nhiêu phen chị phải gạt nước mắt móc những đồng tiền khó nhọc kiếm được để trả nợ cho chồng. Trả được một hai lần chứ không thể trả được cả đời, số người đòi nợ lại ngày càng nhiều. Cuối cùng không chịu nổi, chị Mai quyết định ly hôn với hy vọng khi ly hôn rồi thì nợ ai người nấy trả, chị không phải còng lưng gánh những món nợ không tên ấy nữa.

Ly hôn: nợ ai người ấy trả?

Thế nhưng cái sự ly hôn của chị lại trở nên rắc rối hơn chị tưởng. Từ khi gửi đơn lên xã, tiếng đồn lan ra. Bỗng nhiên ở đâu ùn ùn kéo đến mấy người đòi nợ. Họ nói chồng chị Mai trước đây vay nợ họ về làm nhà, lấy vốn hàng bún ốc... nay trước khi đường ai nấy đi thì thanh toán hết nợ nần cho họ. Chị Mai ngỡ ngàng, số nợ này quả là từ trên trời rơi xuống với chị.

Từ trước đến nay, chị có "bảo" chồng đi vay nợ về làm nhà hay để mở hàng bún ốc bao giờ đâu. Đúng là, chị có sửa lại nhà, thay mái lợp brôximăng bằng mái tôn lạnh cho đỡ nóng. Chị cũng đã vay mượn để mở hàng bún ốc kiếm sống. Thế nhưng tất cả số tiền dùng vào việc ấy là của chị tích cóp và vay mượn riêng. Anh chồng vô tích sự của chị chưa bao giờ đưa cho chị được đồng nào.

Với lý do không vay không trả, chị Mai kiên quyết từ chối nói chuyện nợ nần với những món nợ lớn. Thế nhưng khi Tòa xử ly hôn, chị vẫn bị Tòa xử phải có trách nhiệm trả số nợ đó. Đơn giản, trước Tòa chị công nhận có việc vay mượn sửa nhà, mở hàng bún ốc, nhưng chị lại không thể chứng minh việc mình không nhận tiền từ chồng.

Trong khi đó, anh chồng oan nghiệt kia cứ một hai khai rằng mình đi vay tiền về đưa cho vợ. Bỗng nhiên, món nợ riêng "trời ơi đất hỡi" của anh chồng vô tích sự biến thành món nợ chung. Mà theo như Tòa nói, nợ chung trong thời kỳ hôn nhân thì khi ly hôn rồi cả hai đều phải có trách nhiệm "cùng trả". Chị Mai điếng người cứ ngỡ ly hôn thì đường ai nấy đi, nợ ai nấy trả. Ai ngờ chỉ có người đi còn nợ thì vẫn ở lại.

Vay nợ nuôi con: nợ riêng hay nợ chung?

Anh Lê Đình Tú ở Đại Mỗ băn khoăn về khoản nợ mà anh đã vay mượn để nuôi con ăn học trong thời gian vợ đi lao động xuất khẩu. Anh cho biết, khi đứa con gái lớn lên lớp 12, đứa nhỏ lớp 6 thì vợ anh đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Cứ nghĩ cho vợ đi để có tiền thoát nghèo như bao người khác, ai ngờ sau ba năm vợ đi xuất khẩu, anh trở thành con nợ lớn.

Anh Tú cho biết vì sức khỏe không được tốt nên anh đành để vợ sang xứ người lao động kiếm tiền. Trong thời gian vợ đi, con cái học hành tốn kém, anh lại bị bệnh nên phải vay mượn một số tiền kha khá. Cứ nghĩ vợ anh ở nước ngoài sẽ gửi tiền về nên khi hỏi vay ai cũng đồng ý. Nhờ số tiền vay mượn đó mà con gái lớn anh khi thi đỗ đại học có tiền nhập học. Vợ anh trong thời gian ở nước ngoài cũng gửi tiền về cho chồng con. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không đủ dư dật để trả món nợ kia.

Sau ba năm hết hạn lao động trở về, vợ anh đã thay lòng đổi dạ. "Cô ấy đã có người đàn ông khác trong thời gian ở nước ngoài. Nay về nước muốn ly hôn ngay để về sống với người đàn ông kia. Cô ấy bảo con cái mỗi người nuôi một đứa, tài sản chia đôi. Khi tôi nhắc đến món nợ mình đã mượn để trang trải việc học hành cho con trong thời gian cô ấy đi vắng thì cô ấy bảo không liên quan đến. Tôi cũng có trách nhiệm phải nuôi con cái nên chuyện nợ nần đó tôi phải trả tất cả".

Anh Tú cho biết anh không có khả năng để trả món nợ kia. Vì bản thân luôn đau ốm, tài sản giá trị cũng không có. Do vậy, anh rất cần vợ mình chung tay trả nợ vì suy cho cùng anh không vay mượn để tiêu xài riêng mà nó được dùng để nuôi con ăn học. Anh Tú cũng không khỏi lo lắng, sợ sau khi ly hôn sẽ phải trả nợ một mình.

Nợ chung, nợ riêng: Lý thắng tình?

Một trong những vấn đề gây không ít điều phiền lòng thậm chí là nhức nhối khi ly hôn là chia tài sản. Có không ít cặp vợ chồng khi đứng trước Tòa ly hôn vẫn còn nói chuyện tình cảm được với nhau trong việc thỏa thuận nuôi con cái. Thế nhưng đến vấn đề chia tài sản, họ bỗng trở thành hai phe đối địch, quyết không để lọt "một cắc" cho đối phương. Và cũng vì tài sản mà nhiều phiên tòa ly hôn trở thành cuộc chiến tranh giành của cải giữa những con người đã từng gối ấp tay kề với nhau một thuở.

Họ không ngần ngại theo nhau từ sơ thẩm đến phúc thẩm để chiếm giữ hoặc đòi cho bằng được phần mà đáng lẽ ra mình đáng được hưởng. Theo đó, những khoản nợ nần của đối phương cũng được minh bạch rạch ròi. Trước pháp luật, lý bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Điều đáng nói là vì cái lý ấy mà nhiều khổ chủ phải ngậm đắng trong lòng với những khoản nợ "riêng mà chung" ấy.

Một thẩm phán cho biết nhiều vụ ly hôn, khi xét đến các khoản nợ nần. Về tình biết chắc chắn rằng đó là khoản nợ riêng nhưng họ vẫn buộc phải xử nợ chung của hai người. Đơn giản vì người kia không thể đưa ra được một bằng chứng gì để chứng minh đó là nợ riêng của đối phương.

Chuyện bị trả nợ oan không phải là không có. Do đó, để thoát khỏi cảnh "tình ngay lý gian" trong vấn đề nợ chung, nợ riêng khi ly hôn thì các khổ chủ phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh khoản nợ riêng của đối phương trong kỳ hôn nhân là có thật. Còn khi ra Tòa tay trắng, không chứng, không cứ, khả năng nợ riêng biến thành nợ chung rất dễ xảy ra. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, họ phải cùng với đối phương trả những khoản nợ mà đáng lẽ ra mình không hề phải chịu trách nhiệm.

Theo Hạ Thi



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.