Mẹ con khắc khẩu

Mẹ và con gái thường gần gũi nhau nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ. Đó thực sự là điều đáng tiếc cho cả hai.

Rất nhiều gia đình, mẹ và con gái chỉ ở gần nhau một lúc là đã bất hòa, chuyện bé xé ra to, chuyện bình thường cũng thành cãi vã. Sau đó là những chuỗi ngày giận dỗi, từ mặt nhau... Cũng có nhiều lúc cả hai đều thấy ân hận vì lời nói của mình, quyết tâm sửa đổi nhưng rồi đâu lại vào đấy. Đó là trường hợp của bạn Hoa Miên và mẹ.

Ngày... tháng... năm...

Con gái: Con tuổi Tuất, mẹ tuổi Mẹo. Mẹ con mình có rơi vào tứ hành xung Dần, Thân, Tỵ, Hợi đâu mà sao không bao giờ ngồi với nhau được đến 15 phút. Tại sao hễ con nói ra bất cứ chuyện gì đều bị mẹ mắng? Không biết có phải đúng như người ta nói, mèo và chó không thể sống chung một nhà?

Chiều nay, con thổ lộ ý định nghỉ làm để đi học thêm văn bằng hai. Công việc hiện tại của con chán ngắt. Mỗi ngày đi làm, con đều mang cảm giác nặng nề, mệt mỏi như đến nơi tra tấn. Tấm bằng cử nhân ngoại ngữ của con quanh đi quẩn lại cũng chỉ có thể tìm được việc dịch thuật, thư ký, toàn những loại công việc con không thích.

Vì vậy, con muốn nghỉ làm để tập trung học lấy một tấm bằng kinh tế. Vậy mà chẳng hiểu sao vừa mới mở miệng ra đã bị mẹ mắng là rỗi hơi, rảnh việc. Có việc để làm trong thời buổi suy thoái kinh tế thế này là may mắn lắm rồi, ở đó còn đòi hỏi này nọ. Sao mẹ không bao giờ tỏ ra ủng hộ con thế nhỉ?.

Mẹ: Mình còn lạ gì tính của con bé này, lúc nào cũng cả thèm chóng chán. Tính trung bình, mỗi năm nó thay đổi công việc khoảng ba, bốn lần, chẳng có chỗ nào chịu làm quá ba tháng. Lần trước, làm trợ lý cho ông giám đốc nước ngoài, công việc nhàn nhã, lương bổng khá vậy mà nó cũng chê, bảo ngồi rảnh quá nên cũng chán. Công việc mới này phải làm thêm ngoài giờ, nó lại bảo bị công ty bóc lột quá đáng, thu nhập không tương xứng với sức lao động. Tóm lại là mình cũng không biết nó muốn gì nữa.

Mà nào nó có còn nhỏ nữa đâu, cũng 26, 27 tuổi rồi còn gì? Tính nó lại thích gì làm đấy, chưa tìm được công việc mới đã nộp đơn xin nghỉ ở chỗ cũ. Bây giờ lúc các công ty sa thải người nhiều hơn nhận vào, nó mà xin nghỉ làm, chẳng biết đến bao giờ mới tìm được việc mới, nói gì đến việc đi học thêm một, hai năm. Lúc học xong cũng xấp xỉ ngưỡng 30 rồi, ai mà nhận nó chứ.

Ngày... tháng... năm

Con gái: Mẹ nghỉ hưu sớm nên chỉ quanh quẩn làm công việc nhà. Thời gian rảnh, mẹ hay gọi điện cho mấy người bạn cũng đã nghỉ hưu sang nhà, nói đủ thứ chuyện trên đời.

Hôm nay, chủ đề của các mẹ là lái xe có dễ không. Bác Liên xuýt xoa: "Chắc không bao giờ tôi ngồi trước vô-lăng nữa đâu. Mặc dù có bằng lái xe hẳn hoi, thế mà khi xe gần đâm vào đống gạch bên lề đường, thay vì phanh gấp, tôi lại tăng ga vọt lên. Chiếc xe thằng con trai tôi mới tậu trầy xước đủ chỗ, phần đầu xe bị nặng nhất. May mà tôi đi chậm nên người không sao".

Cả nhóm năm bà mẹ cười rũ rượi. Mẹ vừa cười vừa xua tay: "Trời ơi, chị có bằng lái nhưng lại thua xa người không bằng cấp như tôi rồi. Ông xã tôi chỉ dạy đúng 10 phút là tôi có thể đi vù vù trên đường rồi, không thua gì mấy chú lái xe taxi đâu nhé".

Mấy người bạn tròn mắt ngạc nhiên: "Thật hả, bà biết lái xe à?".

"Mẹ nổ quá", ý nghĩ thầm ấy nhanh chóng buột ra khỏi miệng con. "Mẹ cháu nói thế các cô cũng tin à? Đã bao giờ mẹ cháu cầm tay lái đâu. Mẹ cháu chỉ lái khi xe của bố cháu không nổ máy thôi".

Khi các cô ấy về, mẹ mắng cho con một trận vì tội vô phép, chỗ người lớn nói chuyện mà dám xen vào. Con chỉ nói sự thật thôi mà.

Mẹ: Sao con gái lại có thể bán đứng mẹ như thế? Mình chỉ đùa một chút cho vui, có hại gì đâu mà nó làm mình xấu hổ thế chứ?

Trông nó có vẻ hả hê lắm. Mình nhìn thấy rõ điều đó trong nụ cười của nó khi nói. Vì vậy, mình không kìm được tức giận, mắng cho nó một trận. Ở đâu ra cái kiểu con cái xen vào chuyện người lớn như vậy?

Giận nhất là nó không biết sai lại còn gân cổ lên cãi: "Chị cũng nói với mẹ như thế nhưng có bao giờ mẹ mắng chị đâu. Sao mẹ cứ lôi con ra mắng hoài vậy?". Đúng là con chị cũng hay nói kiểu như vậy nhưng có bao giờ nó nói trước mặt bạn bè của mình đâu?

Ngày... tháng... năm...

Con gái: Lũ bạn phổ thông của con kéo đến nhà chơi. Chúng kể chuyện bạn trai, chồng, con. Mắt mẹ sáng lên khi biết tin Nga đã có con. Mẹ vồn vã: "Con trai hả? Chồng cháu chắc là thích lắm nhỉ. Thằng cu bụ bẫm không? Sao cháu không ẵm nó sang đây chơi? Mẹ cháu chắc sung sướng phải biết. Đâu như con Phương nhà bác, đã xấu lại vô duyên, chẳng ma nào ngó tới".

Mình không bao giờ chịu được kiểu nói của mẹ. Sao trong mắt mẹ, lúc nào mình cũng là đứa vô duyên, vụng về, xấu xí thế? Mình đâu đến nỗi ma chê quỷ hờn đâu kia chứ? Mình cũng xinh xắn, dễ thương, cao ráo lại học hành tử tế, có công việc ổn định. Chỉ có điều, mình không chịu lấy chồng sớm như mẹ muốn mà thôi.

Dường như bao nhiêu tủi hờn, uất ức đều phun trào trong lời nói: "Mình là con mẹ mà. Tội nghiệp mình quá các bạn ơi!". Thế là mẹ giận, bỏ ra ngoài. Trước khi đi, mẹ còn bảo với lũ bạn của con: "Đấy, các cháu xem, cái Phương nhà bác lớn đầu rồi mà chẳng biết gì hết. Mẹ nói một là cãi mười ngay lập tức. Nó già đến nơi mà vẫn chưa nên nết các cháu ạ".

Các bạn về, con định vào phòng xin lỗi mẹ. Thế nhưng, đến trước cửa phòng con lại ngập ngừng. Con sợ chỉ câu trước câu sau, con và mẹ lại đấu khẩu mất thôi.

Mẹ: Thực lòng, mình rất tự hào về nó. Ngoại trừ chuyện không chịu ổn định công ăn việc làm, nó là đứa có nhiều ưu điểm. Ở nhà nó với mình không nói chuyện được với nhau vậy thôi, chứ ra đường nó là đứa khéo ăn, khéo nói lắm.

Cũng chính vì vậy mà mình không thể hiểu nổi tại sao, một đứa nổi bật nhất trong đám bạn phổ thông như nó lại muộn đường chồng con hơn cả. Ngay chuyện bạn trai nó cũng giữ kín với mình. Chẳng biết nó đã có đối tượng hay chưa nữa?

Ngày... tháng... năm

Con gái: Mẹ mắc bệnh nói nhiều, nói dai thì phải. Mình chỉ quên bật nút khi đặt nồi cơm điện mà mẹ cứ kể mãi. Lúc phát hiện, mẹ gọi con đến mắng: "Đoảng hết chỗ nói". Khi ăn cơm, trước mặt cả nhà, mẹ lại khoe: "Hôm nay không có tôi phát hiện thì cô con gái đảm đang của anh cho bố ăn cơm sống".

Đến chiều, mấy người đồng nghiệp trong công ty đến chơi. Thấy con nhanh nhảu đi lấy nước, mẹ cười, dặn với theo: "Chỉ nhanh nhảu đoảng. Cẩn thận không lại quên bật nút như nồi cơm sáng nay đấy". Mẹ làm con ngượng chín cả mặt.

Lúc con ở trong bếp gọt trái cây, mẹ cũng vào theo và nhắc lại điệp khúc ấy. Con bực quá nên gắt lên: "Mẹ thôi đi sao mẹ cứ nhai mãi chuyện đó thế? Mẹ không nói con cũng biết lỗi rồi mà".

"A, cái con này, mẹ mày là bò hay sao mà mày bảo nhai tới, nhai lui?", mẹ cao giọng. Đừng nói ở nhà trên, ngay cả ngoài ngõ người ta cũng có thể nghe thấy tiếng của mẹ.

Mẹ: Đúng là mình có thói quen nhắc đi nhắc lại lỗi của con. Thế nhưng nếu không làm vậy, nó đâu có nhớ.

Con cái gì ngày càng khó dạy. Mình chỉ nhắc nhở để nó làm ăn cho cẩn thận mà nó dám nói hỗn với mình. Đã vậy lại còn bù lu bù loa lên là mình làm mất mặt nó trước khách khứa, bạn bè nữa chứ. Không biết nó học đâu ra cái thói ấy.

Ngày... tháng... năm

Con gái: Chị chưa sinh mà mẹ đã sắm sửa bao nhiêu là đồ đạc cho cháu. Mẹ còn lên kế hoạch cho cháu học nhạc, họa, múa, học trường quốc tế và đi du học nữa chứ. Thấy mẹ như vậy, con không khỏi ghen tỵ. Từ trước đến giờ, có bao giờ mẹ lo lắng, chăm sóc con như vậy đâu?

Thế nhưng, đó không phải là lý do con nói mẹ cẩn thận đấy, bà tuổi Mẹo, cháu tuổi Tý, biết đâu lại không hợp nhau như con với mẹ. Thật sự, con chỉ nói cho vui thôi.

Mẹ: Dù có nói cho vui thì nó cũng không được phép nói như vậy. Đây là đứa cháu đầu, mình vui và hào hứng là điều đương nhiên thôi.

Lời bàn của chúng tôi

Mẹ con khắc khẩu thường khó có thể nói chuyện với nhau lâu. Có những trường hợp mẹ còn từ mặt con chỉ vì không thể có cùng quan điểm.

Người ngoài chúng kiến những cuộc tranh luận giữa hai mẹ con sẽ đánh giá gia đình đó không nề nếp, mẹ không dạy được con, con cái không biết phép tắc, lễ nghĩa...

Sự khắc khẩu thường chỉ xuất phát từ cách nói năng nhưng lại có thể gây ra nhiều hiểm nhầm đáng tiếc. Nguyên nhân có thể xuất phát từ một hoặc cả hai phía, chẳng hạn như:

Mâu thuẫn về quan điểm: Hai thế hệ thường có quan điểm khác nhau. Khi mỗi người không tự đặt mình vào vị trí của người khác, mâu thuẫn là điều tất yếu có khuynh hướng ngày càng gay gắt.

Một trong hai hoặc cả hai quá cứng nhắc, không khéo léo trong giao tiếp. Cũng có thể, cái tôi của họ quá lớn, không thể dung hòa với nhau.

Để thay đổi tình trạng này, cả hai cần lưu ý những điểm sau:

Trước khi nói chuyện, bạn nên cân nhắc từng câu, từng từ.

Con cái cần biết học chữ "nhịn": Khi thấy câu chuyện bắt đầu có chiều hướng xấu đi, bạn nên khéo léo chuyển đề tài hoặc kết thúc câu chuyện đang nói.

Đặt mình vào tâm trạng của đối phương. Như vậy bạn dễ thông cảm và bỏ qua một câu nói nhất thời phát ra khi nóng giận.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.