Những bà vợ mắc "bệnh" nóng tính nan y

Để hạ bớt tính nóng như lửa của mình, Thoa đăng ký một lớp học Yoga. Thế nhưng, khi chồng nhậu về khuya, chẳng những không nuốt giận, cô còn chì chiết: "Đồ khốn, mày có giỏi thì đi nữa đi". Lúc bình tĩnh hơn, Thoa không khỏi ân hận về những lời mạt sát chồng.

Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội) tự nhận đã mắc bệnh nóng tính nan y. Đã thế, mỗi lần bị vợ mắng, chồng Thoa chỉ lặng im, chịu trận, không có bất kỳ sự phản kháng nào. Thoa càng được đà, càng chửi mắng chồng bằng những lời lẽ không ra gì, đi kèm với đó là bát rơi, đĩa vỡ. Tuy nhiên, khi đã qua cơn “bốc hỏa”, lại nhận được lời khuyên răn từ chồng: “Anh rất ức chế, cứ như anh là con em không bằng”, Thoa càng hối hận.

Cô đọc nhiều sách tâm lý, đăng ký khóa học Yoga để tĩnh tâm nhưng dường như không ăn thua. Khi đã “máu”, cô cứ “mày - tao” với chồng hoặc ném bát, ném cốc. “Nếu không động tay, động chân vào một cái gì đó thì phát điên lên. Cũng có lúc nghĩ, uống một cốc nước mát cho hạ hỏa nhưng nước chưa trôi xuống cổ thì chiếc cốc trên tay đã vỡ tan” – Thoa cho biết. Khi nóng giận, cô hoàn toàn mất tự chủ, không nhớ ra mình phải làm gì và làm thế nào cho đúng.

Chồng Minh (Quảng Ninh) nhiều lần choáng vì tính khí thất thường hơn thời tiết của vợ. Hôm ấy, thấy chồng tỉnh dậy, miệng còn tủm tỉm cười rất mãn nguyện, Minh hỏi: “Anh mơ gì mà vui thế?”. Chẳng ngờ, anh chồng thật thà khai “mơ được cưới với người yêu cũ”. Sau, anh còn thêm một câu: “Giá mà nó là sự thật thì hay phải biết”.

Cố nén cơn giận, Minh tỏ vẻ bình thường, xuống nhà chuẩn bị bữa sáng. Vừa làm việc nhà, Minh vừa càu nhàu cho qua cơn bực vì nhận thấy, nếu ghen như vậy thì quả thật vô lý. Lúc máu nóng đã vơi đi một nửa thì chồng Minh xuất hiện, còn vừa cười vừa hát vang. Cơn nóng bùng phát, cô lia luôn cái chảo đang rán trứng xuống đất, quát lớn: “Thích đi ngủ với cô ta lắm thì cứ việc”. Anh chồng ức quá, vặc lại, thế là thành cãi cọ.

“May lúc đó có chồng chạy lại ôm, chứ không chắc đã nhảy ra ngoài balcon, đòi tự tử” – Minh cho biết. Cơn nóng trôi qua, tự thấy mình hành động thái quá, Minh chủ động năn nỉ chồng. Anh chồng Minh nhiều lần đùa: “Sống chung được với em, chắc phải thuộc loại thần kinh thép”.

Một lần, bực tức vì tìm thấy tấm ảnh người yêu cũ của chồng, Minh cầm tờ báo, bỏ ra ngoài quán, nhâm nhi cốc nước chanh. Dù mắt vẫn dán vào tờ báo nhưng Minh chẳng còn đầu óc mà tập trung vào nội dung.

“Thoải mái hơn một chút thì tự đi về. Nhưng tới nhà thì thấy chồng hí hửng nghe điện thoại. Thế là cơn tức ngùn ngụt bốc lên” – Minh kể. Giận chồng – chửi bới chồng – làm lành – ân hận – tự hứa sẽ kiềm chế bản thân, với Minh như cái vòng luẩn quẩn, không có lối ra.

Minh kết luận: “Đã tự nhắc nhở là khi nóng, sẽ bỏ ra ngoài cho hạ hỏa. Sau đó, vợ chồng mới tranh luận tiếp. Thế nhưng, đến lúc cãi nhau thật, lại chỉ muốn đứng im một chỗ mà chửi bới chồng cho hả”.

Bản tính cần sửa đổi từ từ

Lời nói trong lúc cáu giận có thể làm tổn thương người bạn đời sâu sắc. Nhất là những người vợ, nếu lúc nào cũng hung dữ như sư tử Hà Đông thì người chồng (dù có mát tính đến mấy) cũng mệt, có khi lại tìm tới một em dịu dàng nào đó làm bến đỗ. Tính cách mỗi cá thể là khác nhau và việc thay đổi một người vợ nóng nảy thành một người vợ hiền lành là điều không tưởng.

Tuy nhiên, nếu thuộc mẫu phụ nữ Trương Phi, người vợ nên có học cách kiềm chế bản thân. Cách tốt nhất, khi nóng giận, người vợ nên tìm một chỗ nào đó để nguôi giận, tự phân tích tình hình và chỉ tìm chồng khi đã bình tĩnh hơn.

Có thể thỏa thuận với chồng từ đầu rằng: “Nếu em bắt đầu lên cơn bực thì anh có thể ra ngoài một chút”. Bởi vì, xu hướng nóng nảy ở nữ giới thường là nói ra cho bõ tức, chứ không đủ sáng suốt để chạy đi tìm chỗ lánh nạn như các anh.

Không thể thay đổi bản tính một con người nhưng có thể sửa tật xấu từ từ. Người vợ nên tự xác lập cho mình những giới hạn như dù bực tức đến mấy cũng không dùng cách xưng hô “mày - tao”, “thằng này – thằng kia”… với chồng. Cũng nên tránh dùng từ khó nghe, đụng chạm đến tự ái của chồng.

Người vợ không nên chủ quan, cho là mình nóng tính, không sửa được nên chồng cần cảm thông. Có thể anh ấy ngồi im nghe vợ chì chiết hoặc anh ấy bỏ ra ngoài để chạy trốn. Tuy nhiên, về lâu dài, người chồng sẽ mệt mỏi, bị ức chế, tình yêu và sự chịu đựng dành cho vợ cũng không còn. Khi ấy, nguy cơ rạn nứt hạnh phúc là rất lớn.

Theo Ngọc Bình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.