Hạnh phúc sẽ lại mỉm cười với những ai biết nỗ lực và cố gắng

Người con gái nào khi yêu cũng đều mong ước về một tình yêu trọn vẹn và một cuộc sống lứa đôi tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc. Nhưng nhiều khi hoàn cảnh thực tế lại không giống như những gì mà chúng ta mong đợi.

Người con gái nào khi yêu cũng đều mong ước về một tình yêu trọn vẹn và một cuộc sống lứa đôi tràn ngập tiếng cười và hạnh phúc. Nhưng nhiều khi hoàn cảnh thực tế lại không giống như những gì mà chúng ta mong đợi.

Câu chuyện của tôi chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện về cuộc sống lứa đôi, qua đó tôi muốn chia sẻ với các bạn về những sự thay đổi trong suy nghĩ và hành động của bản thân mình. Có thể đó chỉ là những sự thay đổi dù rất nhỏ, nhưng chúng khiến tôi cảm thấy hạnh phúc hơn, tự tin hơn về bản thân, từ đó cảm thấy cuộc sống bớt căng thẳng, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

>> Thể lệ cuộc thi viết: "Tôi thay đổi - tôi hạnh phúc"

Chồng tôi là người Đài Loan, hồi đó được công ty tổng cử sang Việt Nam quản lý công ty con vừa xây dựng, còn tôi hồi đó là phiên dịch của công ty Đài tại Việt Nam. Tình cảm của chúng tôi ban đầu chỉ đơn thuần là sự quý mến giữa những người đồng nghiệp. Thế nhưng quãng thời gian ba năm cùng làm việc chung ấy đã kéo gần khoảng cách giữa chúng tôi lại lúc nào không hay. Tình yêu của chúng tôi cứ lớn dần theo thời gian sau những buổi gặp gỡ, hẹn hò. Sau lời cầu hôn ngọt ngào của chàng, tôi đã thông báo với bố mẹ về kế hoạch tổ chức hôn lễ. Bố mẹ tôi dù ban đầu phản đối nhưng thấy sự quyết tâm và kiên trì của chúng tôi nên cuối cùng cũng bằng lòng. Lí do bố mẹ tôi phản đối là bởi tính tôi còn trẻ con, từ nhỏ đã quen sống trong sự bao bọc, yêu thương của bố mẹ, chàng lại là con trai trưởng trong nhà. Bố mẹ tôi lo nếu sau này sang Đài sống, tôi sẽ vất vả và khó xoay sở mọi chuyện, gánh nặng của một nàng dâu trưởng không hề đơn giản chút nào.

Khó khăn ban đầu rồi cũng trôi qua, hạnh phúc cuối cùng đã mỉm cười với chúng tôi. Đám cưới của chúng tôi diễn ra tại hai nơi Việt Nam, Đài Loan khá vui vẻ và ấm cúng với sự chúc phúc của đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Một năm sau ngày cưới, gia đình nhỏ của chúng tôi đón thêm một thành viên mới trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Khi con cứng cáp hơn chút, vợ chồng tôi nhờ bố mẹ tôi trông cháu giúp để tôi trở lại với công việc như xưa.


Ảnh minh họa

Cuộc sống yên bình cứ lặng lẽ trôi đi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì gia đình nhỏ của mình luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười của con trẻ.

Thế rồi có một vài sự thay đổi, điều chuyển trong công việc nên chồng tôi quyết định đem vợ con về Đài sinh sống. Thế là từ đây, cuộc đời tôi bước sang một trang hoàn toàn mới.

Dù rằng tôi cũng biết tiếng trung ở một trình độ nhất định, nhưng còn có nhiều sự bất đồng về văn hóa, lối sống, suy nghĩ, phong tục tập quán tại xứ người... mà nàng dâu mới về nhà chồng sống như tôi không phải một sớm một chiều là có thể thích nghi ngay được. Cuộc sống chung cùng gia đình chồng với nhiều thế hệ cũng không hề đơn giản, rồi những va chạm mẹ chồng - nàng dâu là điều không thể tránh khỏi do sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống...của hai người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau của hai đất nước hoàn toàn khác nhau. Dù ban đầu cũng gặp nhiều bỡ ngỡ nhưng tôi cũng đã cố gắng hết sức để dần thích nghi và hòa nhập vào cuộc sống mới.

Điều tôi cảm thấy bất ngờ nhất là chồng tôi từ ngày về Đài sống đã bộc lộ là con người hết sức gia trưởng, luôn tự mình quyết định mọi việc mà nhiều khi chả cần hỏi ý kiến vợ và quan tâm đến suy nghĩ của vợ.

Không như hồi còn ở Việt, hai vợ chồng cùng công ty nên hay tâm sự, trao đổi với nhau về mọi thứ. Khi về Đài sống, chồng tôi không thích tâm sự với vợ về công việc hiện tại. Nhiều khi tôi có hỏi thăm về công việc của chồng, chồng tôi đều chỉ nói: "Em toàn tâm toàn ý chăm sóc con và quán xuyến tốt công việc nhà là đủ, công việc của anh nói em cũng không hiểu..."

Chồng tôi muốn tôi ở nhà chăm con, chỉ chồng tôi đi làm là đủ. Vì thấy con vẫn nhỏ, mới được tròn năm, phần vì bố mẹ chồng còn bận trông cháu ngoại nên tôi đồng ý ở nhà tự mình chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ của con. Hàng tháng chồng tôi cũng không đưa cho tôi một khoản tiền tiêu vặt nào cả. Chồng tôi bảo: "Em ở nhà thì dùng gì đến tiền. Tiền đi chợ hay mua sắm đồ dùng cá nhân, vật dụng trong nhà đều do mẹ lo hết rồi. Nếu e cần mua thêm cái gì thì bảo mẹ mua hộ hoặc lấy tiền từ mẹ". Vì chồng tôi mới tự mở công ty riêng nên vẫn còn nhiều vất vả, chưa ổn định, thế nên chồng tôi đã nói như vậy thì tôi cũng không đòi hỏi về chuyện tiền tiêu vặt kia dù chỉ là một khoản ít ỏi. Bản thân tôi cũng không phải là người ưa chưng diện hay thích tiêu hoang, sắm phí, nhưng cái gì cũng hỏi tiền nơi mẹ chồng thì cũng không tiện. Phận con dâu càng phải giữ gìn ý tứ khi động chạm đến vấn đề nhạy cảm này, nhất là đối với mẹ chồng.

Tôi có bàn với chồng muốn kiếm công việc gì đó nhẹ nhàng làm ở nhà lúc rảnh để có đồng ra, đồng vào, muốn mua gì cho bản thân và cho con cũng thoải mái. Chồng tôi khi nghe ý muốn của tôi thì nổi giận đùng đùng không đồng ý, bảo tôi phải toàn tâm toàn ý với việc chăm sóc con và việc nhà cửa, không cho tôi làm thêm ở nhà.

Phải nói rằng con người của chồng tôi thời yêu nhau, cưới nhau và sống ở Việt Nam so với người chồng hiện tại sống ở Đài nó khác xa nhau quá!

Lí do chồng tôi muốn tôi ở nhà chăm con một phần là bởi ảnh hưởng từ gia đình và xã hội truyền thống ở Đài: phụ nữ ở nhà làm nội trợ để chồng đi làm kiếm tiền ngoài xã hội, một phần khác là bởi chồng tôi là một người con rất hiếu thảo với bố mẹ. Vì không muốn ông bà vất vả trông nhiều cháu cùng một thời điểm nên chồng tôi không muốn nhờ ông bà trông con giúp vợ chồng tôi. Đó cũng là điều dễ hiểu, và tôi cũng dễ thông cảm. Thế nhưng khi đứa cháu ngoại nhỏ nhất cũng đã đến tuổi đi nhà trẻ, ông bà vẫn còn rất khỏe, con tôi cũng được gần ba tuổi rồi, vì cháu vẫn chưa đủ tuổi đi trẻ nên tôi ngỏ ý với chồng muốn nhờ ông bà trông cháu giúp để mình đi làm phụ giúp chồng về kinh tế. Chồng tôi biết ý định của tôi lại nổi giận, nói: "Con mình sinh ra thì tự chăm, đừng ỷ lại vào bố mẹ, giả sử không ở cùng bố mẹ thì làm thế nào? Em đừng nghĩ sang đây việc gì cũng đùn đẩy cho bố mẹ anh". Câu nói đó như lưỡi dao cứa vào trái tim tôi, từ hồi về nhà chồng ở, tôi chưa bao giờ ỷ lại vào chồng hay bố mẹ chồng, việc chăm con hay việc nhà cửa, tôi cũng đều chủ động quán xuyến trong phạm vi có thể.

Nghe chồng nói câu ấy, tôi rất buồn và hụt hẫng, cảm giác việc chăm con và ở nhà làm nội trợ là nghĩa vụ của chỉ riêng mình tôi mà thôi.

Tôi đã sống ở Đài hơn hai năm rồi, bản thân tôi đã chấp nhận hi sinh sự nghiệp nơi nước mẹ đẻ để trở thành bà nội trợ trong gia đình chồng, toàn tâm toàn ý với việc chăm sóc con và các công việc khác trong gia đình, vì mái ấm gia đình, vì con thơ dại nên đã chấp nhận làm theo nhiều sự sắp xếp của chồng, từ bỏ nhiều sở thích của cá nhân để vun vén cho tổ ấm gia đình. Thế nhưng đổi lại, tôi nhận thấy dù mình có cố gắng thế nào, một khi mình không có sự độc lập, tự chủ về tài chính, mình mãi mãi vẫn chỉ là một người vợ với tiếng nói không có trọng lượng trong gia đình chồng, áp lực "cơm, áo, gạo, tiền" còn khiến khoảng cách vợ chồng ngày càng xa hơn.

Dù khi quyết định kết hôn, tôi biết nếu phải sống ở xứ người, mình sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ tôi có ý định sẽ sống dựa dẫm vào chồng suốt đời. Vì tôi hiểu chỉ khi mình sống nhờ vào sức lao động chân chính của bản thân và tiêu những đồng tiền mình tự kiếm ra mới cảm thấy tự do, thoải mái nhất.

Sống ở xứ người, dù nhiều khi trong lòng không tránh khỏi có những phút giây cảm thấy chán chường, hụt hẫng nhưng tôi vẫn luôn tự an ủi bản thân dù nhiều cái không như mình mong muốn, nhưng bản thân mình không đơn độc, vẫn còn rất nhiều người thân và bạn bè tốt ở xung quanh luôn động viên và là chỗ dựa tinh thần cho mình.

Sau một ngày bình tâm lại, tôi quyết định sẽ thay đổi suy nghĩ và cách sống của chính mình, tôi nghĩ đã đến lúc tôi phải quan tâm và sống vì bản thân mình nhiều hơn. Tôi bàn bạc, trao đổi thẳng thắn với chồng năm nay sẽ đăng kí cho con đi trẻ, tới lúc con nhập học, tôi sẽ đi kiếm một công việc phù hợp để làm. Việc nhà tôi vẫn quán xuyến như trước trong thời gian cho phép. Còn ý định của chồng tôi và bố mẹ chồng là muốn tôi sinh thêm em bé thứ hai luôn, tôi cũng bày tỏ luôn quan điểm là tôi chưa sẵn sàng, tôi muốn đi làm kiếm tiền một vài năm đã, sau mới tính tiếp. Tôi hiện tại vẫn còn trẻ, chuyện sinh con thứ hai với tôi không quá vội. Tôi cần một chút tự do, một chút nghỉ ngơi để nạp năng lượng cho bản thân và để bước tiếp cuộc hành trình dài này.

Tôi muốn được đi tìm một công việc mình yêu thích, phù hợp để làm, muốn được độc lập tự chủ về kinh tế với chồng như thời còn ở quê nhà, muốn được ra ngoài xã hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều người để mở mang kiến thức, tầm nhìn, thế giới quan...

Chồng tôi thời gian đầu khi nghe ý định của tôi cũng không vui vẻ, phản đối gay gắt. Chồng tôi muốn con gần 5 tuổi mới cho đi trẻ. Nhưng tôi kiên quyết gần 4 tuổi cho con đi trẻ, tôi nói "Ban đầu kết hôn, chúng ta đã thỏa thuận em về Đài sống vẫn có thể đi làm. Giờ con đã lớn, em đã ở nhà chăm con hơn hai năm rồi, nếu anh không đồng ý để em đi làm, chúng ta li hôn", thấy tôi găng nên cuối cùng chồng tôi cũng phải đồng ý.

Hành động thay đổi đầu tiên của tôi là thay vì để chồng tự giải quyết mọi chuyện như trước đây, tôi chủ động chọn cách tự mình giải quyết lấy. Tôi chú ý đến thời gian nhà trường nhận hồ sơ đăng ký học mầm non. Khi nhà trường bắt đầu đăng tin tuyển, tôi báo với chồng một câu. Mặt khác tôi tự nhờ người quen cũng là giáo viên xin hộ tờ phiếu đăng ký. Vài ngày sau, khi thấy chồng tôi không có động tĩnh gì về việc đi đăng kí, tôi chủ động nói chuyện với mẹ chồng hỏi mượn quyển sổ hộ khẩu bà đang giữ để đi đăng kí học cho con. Mẹ chồng tôi rất vui vẻ lấy sổ hộ khẩu và tự nguyện đi đăng ký hộ cháu nội.

Lo xong việc của con, tôi bắt đầu chú ý tới việc chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Tôi chăm chỉ tập thể dục hàng ngày cho người thon gọn hơn. Tôi còn vào mạng tìm kiếm các thông tin về việc chăm sóc làn da, chăm sóc cơ thể...Hàng ngày lúc rảnh rỗi, tôi tự làm mặt nạ dưỡng da từ những thực phẩm sẵn có trong gia đình để chăm sóc da mặt.

Ngoài ra tôi cũng không quên tìm kiếm các thông tin tuyển dụng đăng trên mạng, chú ý những công việc phù hợp với mình và có vị trí địa lý gần nhà.

Việc chăm sóc con và việc nhà cửa, tôi vẫn quán xuyến chu đáo như trước.

Nhờ những sự thay đổi dù là nhỏ bé ấy, tôi đã lấy lại dần sự tự tin cho bản thân mình. Tôi cảm thấy bản thân vui vẻ hơn, ít lo âu buồn phiền hơn. Dù rằng còn mấy tháng nữa con tôi mới chính thức nhập học, tôi lúc đó mới chính thức đi làm được, nhưng cái quan trọng hơn là hiện tại tôi hiểu chỉ có bản thân mình mới biết mình cần gì, bản thân mình mới có thể là người chăm sóc bản thân mình tốt nhất. Tôi đang học cách sống mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, biết đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu và dám đấu tranh để bảo vệ chính kiến cho bản thân mình.

Tôi nhận ra, mình không thể thay đổi được suy nghĩ, thói quen, sở thích, tính cách... của người bạn đời thì mình cứ thay đổi bản thân mình trước đã.

Hãy biết trân trọng cuộc sống của chính bản thân mình, chừng nào bản thân mình vẫn còn có thể cố gắng thì không từ bỏ nó. Tôi tin hạnh phúc sẽ lại mỉm cười với những ai biết nỗ lực và cố gắng không ngừng.hé.

Độc giả gửi bài dự thi tới Tintuconline qua địa chỉ mail:tintuconline@vietnamnet.vn.
Tiêu đề:Tên tác giả + Dự thi “Tôi thay đổi – Tôi hạnh phúc”

Dương Thu Hương

*Bài viết tham dự cuộc thi "Tôi thay đổi, tôi hạnh phúc"


Cách làm bò xốt tiêu đen đơn giản, hấp dẫn
Bò xốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Hôm nay, VietNamNet sẽ giới thiệu cách làm món thịt bò xốt tiêu đen đơn giản, hấp dẫn.
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.