Bà ‘bện’ cháu, mẹ ‘ra rìa’

Mẹ chồng Diễm về quê 3 ngày, đòi bế theo cu Tý mới 10 tháng nên Diễm không đồng ý. Diễm gọi điện bảo chồng ngăn mẹ lại thì bị gạt đi: ‘Kệ bà. Bà trông cháu cho, vợ chồng mình đỡ mệt còn kêu ca gì’.

Mẹ chồng Diễm về quê 3 ngày, đòi bế theo cu Tý mới 10 tháng nên Diễm không đồng ý. Diễm gọi điện bảo chồng ngăn mẹ lại thì bị gạt đi: ‘Kệ bà. Bà trông cháu cho, vợ chồng mình đỡ mệt còn kêu ca gì’.

Diễm (26 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) sống cùng bố mẹ chồng. Dưới chồng Diễm còn một em trai nhưng đang sinh sống ở Đà Nẵng. Mẹ chồng Diễm rất đảm đang, thường quán xuyến hết việc nhà cửa, bếp núc. Khi bầu bí, Diễm được mẹ chồng tẩm bổ đủ món. Diễm bị ngứa, mẹ chồng tìm đủ loại lá về nấu nước cho tắm. Sau đó, bà còn bắt taxi đưa con dâu đi khám thai dù rất say xe. Váy áo rồi thậm chí cả đồ lót trong thời kỳ mang bầu, Diễm cũng được mẹ chồng sắm sửa cho đầy đủ.

Tuy nhiên, sau khi “mẹ tròn con vuông”, Diễm luôn phải chịu ấm ức vì có cảm giác bị mẹ chồng “cướp” mất con.



“Tôi ít sữa, bé không đủ bú nên ngay khi chào đời, bé nhà tôi đã bú bình. Bà nội rất cưng cháu, thường dành hết mọi phần việc như cho cháu ti bình, thay bỉm, bế ru… bất kể ngày đêm. Thậm chí ngay cả lúc ốm, bà nội chỉ nghỉ đôi chút rồi lại sà tới cháu cưng nựng, dỗ dành” – Diễm kể.

Mẹ chồng Diễm còn trang trí riêng một phòng cho cháu, sắm mới đầy đủ giường, tủ, chăn màn, ga gối… Sau sinh trở về nhà, chồng Diễm ngủ một mình trong phòng mà vợ chồng Diễm vẫn ngủ, hai mẹ con Diễm cùng bà nội ngủ phòng riêng. Ban đêm, thấy cháu “ọ ẹ” là bà vùng ngay dậy, hối hả pha sữa rồi cho cháu ăn chứ nhất định không để Diễm cho con ti mẹ vì bà sợ sữa của mẹ loãng, làm con đói.

Khi khỏe mạnh hơn, Diễm đảm nhận mọi việc trong nhà như đi chợ, nấu cơm, lau dọn… vì bà nội không chịu rời cháu nửa bước. Nhà có khách, mẹ chồng Diễm còn không ngớt lời than: “Bao nhiêu năm rảnh rỗi, giờ lại ‘tái con mọn’ đây”. Sau đó, bà còn kêu ca mệt mỏi, không được ngủ ngon vì phải chăm cháu, chứ “mẹ nó” yếu, chẳng làm được gì, lại không biết cách chăm con, toàn để con kêu gào đói sữa… khiến Diễm ấm ức.

Lúc cháu cứng cáp hơn thì đi đâu bà nội cũng đòi bế theo. Mẹ chồng Diễm đi ăn cỗ, ăn giỗ cũng bế theo cháu. Có khi hai bà cháu đi chơi từ sáng tới chiều hoặc ngủ qua đêm ở nhà họ hàng. Bé nhà Diễm bện hơi bà từ lúc còn đỏ hỏn, ít bú mẹ, rồi mẹ phải đi làm nên càng ít khóc nhớ mẹ. Nếu không có bà, cu cậu nhất định không chịu ngủ.
“Tôi sợ cứ thế này, con tôi không nghe lời mẹ nữa. Bây giờ tôi có muốn mua sách về đọc cho con hay cho bé xem hình thì toàn bị mẹ chồng mắng là: ‘Làm hỏng mắt nó. Nó bé tí, hiểu thế nào được mà đọc’. Dạy con gọi tên đồ vật thì cũng bị mẹ chồng ‘chen’ vào: ‘Ôi vẽ chuyện, nó lớn nó khôn hết’” – Diễm than thở.

Nhiều lúc Diễm chán nản tới muốn khóc. Thấy mấy cô bạn được ra ở riêng, Diễm thèm dù biết hoàn cảnh của mình là không thể. Trong khi đó, chồng Diễm rất vô tư, không biết tới nỗi ấm ức trong lòng vợ, còn bảo vợ sướng, có bà trông cháu đỡ, chứ không thì phải “cong mông” tìm người trông con mà phát mệt.

Khi bà quá yêu cháu

Chuyện bà yêu cháu, muốn chăm cháu theo ý mình mà ít để ý tới cảm xúc của con dâu không phải hiếm gặp. Khi đó, nàng dâu dễ rơi vào tâm lý ức chế vì không được chăm con theo ý mình, lại ít có cơ hội gần gũi con vì hay bị mẹ chồng “chiếm”. Tâm lý này cũng là điều dễ hiểu vì người mẹ nào cũng muốn được tự tay chăm con, gần gũi tình cảm với con mình, nhất là những người mới làm mẹ lần đầu.

Mối lo khác của con dâu trong hoàn cảnh này là bà sẽ chiều cháu quá làm cháu sinh hư khiến bé không nghe lời mẹ và mẹ cũng khó khăn khi dạy bé. Nhiều người mẹ muốn dạy bé nhận biết sự vật, dạy con tự lập… thì bị mẹ chồng ngăn cản vì quan điểm và suy nghĩ của ông bà khác với bố mẹ bây giờ nên cách dạy cháu cũng khác.
Do đó, để mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu về chuyện chăm con, cháu bớt xung khắc, đòi hỏi đôi bên phải thông cảm cho nhau. Nàng dâu không nên chỉ biết trách mẹ chồng vì mẹ chồng suy cho cùng, có công chăm cháu. Mẹ chồng làm nhiều việc không như ý muốn của nàng dâu nhưng rút cuộc cũng là vì yêu cháu, muốn điều tốt nhất cho con, cháu mình. Ngược lại, mẹ chồng cũng nên hiểu tâm lý con dâu, tránh bảo thủ hay độc đoán quá thì không khí gia đình sẽ vui vẻ hơn.

Theo Mevabe




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.