"Bệnh" chỉ đạo

Lan đang lui cui chiên trứng, Khánh khoanh tay đứng nhìn, bất ngờ la lên: “Em trở đi, cháy bây giờ, bỏ thêm tí dầu ăn vô, nhanh lên không là bị khô quá đó, nhỏ lửa lại đi”.

Lan đang lui cui chiên trứng, Khánh khoanh tay đứng nhìn, bất ngờ la lên: “Em trở đi, cháy bây giờ, bỏ thêm tí dầu ăn vô, nhanh lên không là bị khô quá đó, nhỏ lửa lại đi”.

Lan bực dọc: “Anh có giỏi thì làm luôn đi, anh biết gì chuyện nấu nướng mà chỉ đạo lung tung”. Khánh cười ruồi: “Anh thử một lần như vậy, để em biết mỗi lần đi ngoài đường, em ngồi sau mà cứ chỉ đạo đường đi nhặng cả lên, thì anh khó chịu thế nào”. Khánh rất khổ với cái tật “tài lanh” của Lan từ khi mới cưới nhau. Tổ chức đám cưới, Lan giành hết phần quyết về mình. Đám cưới ở Đăk Lăk, TP.HCM và Đồng Nai, cả ba nơi Lan đều thể hiện “một tay lo hết”. Cô còn hí hửng với Khánh: “Anh thấy em tháo vát chưa. Chờ anh xớ rớ đến bao giờ mới xong việc?”. Khánh đắng miệng, chẳng biết nói thế nào.

Tiệc cưới ở Đồng Nai (quê Khánh), Lan chỉ đạo phải làm mấy bàn, gồm những món gì, mời bao nhiêu khách. Bố mẹ Khánh không bằng lòng, đã có lời qua tiếng lại với dâu mới. Xong đám cưới, vợ chồng giận nhau. Khánh nói thẳng: “Nếu còn muốn làm vợ anh, đừng có mà cái gì cũng tham gia “chỉ đạo nghệ thuật” nữa”.

"Bệnh" chỉ đạo 1

Thực tế, Lan khó bỏ được một thói quen đã trở thành "thâm căn cố đế". Khánh làm việc bên ngành nông nghiệp, chuyên phụ trách triển khai các dự án nông nghiệp ở ngoại thành. Lan là phiên dịch viên tiếng Anh cho một công ty nước ngoài. Chẳng biết gì nhiều về công việc của chồng, vậy mà có lần, có đồng nghiệp đến bàn chuyện dự án, Lan cũng vô tư… chỉ đạo: “Hai anh triển khai hoa hướng dương cho nông dân miền Đông Nam bộ thì làm sao họ làm được? Hoa cúc hợp hơn, vì em thấy ở đó toàn là đất bazan…”. Khánh nhịn hết nổi, quát: “Em ra sau nghỉ đi cho anh nhờ”. Lan giận Khánh vì cho là chồng đã “hạ nhục” vợ trước mặt bạn bè. Khánh lại bảo: “Đáng đời cái tội thài lai, gặp cái gì cũng chỉ với bảo…”.

Đó là những chuyện lớn, còn với những chuyện lặt vặt, Lan càng thể hiện "bệnh" chỉ đạo “trên từng cây số”. Chồng chở vợ đi dự tiệc cưới vào tối cuối tuần, Lan bắt đầu chỉ đạo khi vừa ngồi lên xe: “Anh phải vòng ra đường Hồng Hà, theo hướng sân bay, xa một chút nhưng đỡ kẹt xe. Mình đi xe hơi chứ đâu phải xe máy mà kẹt xe còn tìm được đường thoát”. Khánh chép miệng, làm lơ, lái theo con đường mình đã định. Không ngờ kẹt xe thật. Lan lỡ miệng: “Cá không ăn muối cá ươn, người ta đã bảo đi đường kia”. Khánh nổi nóng: “Cô bảo ai là cá? Thôi, dẹp, không đi nữa”.

Khánh từng khẩn thiết: “Khi chồng làm việc, yêu cầu vợ không hướng dẫn, không chỉ đạo”, nhưng hơn mười năm qua, yêu cầu đó chẳng những không được thực hiện, mà mức độ “bệnh” của Lan càng nặng hơn.

Khánh đóng cái đinh lên tường trầy trật mãi không được, Lan tỏ ra hiểu biết: “Anh phải lựa chỗ xi măng mà đóng, chứ cứ nhằm vô sống viên gạch thì xuyên thế nào được”, “Em giỏi thì làm đi! Sao cứ phải xía vào chuyện của người khác vậy?”. Lan vặt lại: “Anh đúng là đồ gàn, đã không làm được, lại còn không muốn tiếp thu góp ý của người khác”. Mỗi sáng, có hai việc đơn giản mà Khánh phải làm là dắt xe ra ngoài và đi đổ rác, Lan cũng không “nhịn” được thói quen chỉ đạo: “Anh xách bịch rác kheo khéo, chảy cả nước ra sàn nhà kìa”, “Anh dắt xe ra, coi chừng cái chân chống, không gạt chân chống lên lại bị quẹt vô chân như lần trước bây giờ”. Chẳng riêng Khánh, bất kỳ người chồng nào nghe “dạy dỗ” như vậy chắc cũng nóng mặt.

Khánh chia sẻ: “Người ta thường bảo, chồng hơn vợ một cái đầu, tôi chẳng dám mơ như vậy, chỉ mong vợ dành cho mình sự tôn trọng cần thiết. Chồng không có trí khôn hay sao mà cứ phải chỉ bảo mãi như thế?”. Mấu chốt vấn đề ở chỗ, đàn ông thường thích làm theo ý mình, bị vợ chỉ đạo một cách xúc phạm (theo cách nghĩ của đàn ông) là họ nổi cơn thịnh nộ ngay. Chị em cứ nghĩ mình đang góp ý cho chồng, nhưng kiểu góp ý “chỉ đạo” ấy thường phản tác dụng. Các ông chồng rất khó chấp nhận việc của mình đang làm phải cần đến vợ chỉ bảo mới xong được.

Về mặt tâm lý, đàn ông đang làm một việc gì đó mà cứ nghe người khác ý kiến ý cò thì rất dễ bực mình. Khác với phái nữ, phái nam thường lên kế hoạch cụ thể cho việc mình sắp làm rồi mới bắt tay vào việc. Lúc làm, họ cũng rất tập trung và khó mà thay đổi phương án mình đã định. Thế nên, có những chuyện đơn giản như lái xe mà cứ bị vợ chỉ đạo liên tục thì bực cũng phải. Khách quan mà nói, khả năng chọn lộ trình, kỹ năng lái xe của đàn ông thường tốt hơn phụ nữ, vậy tại sao chị em không để yên cho chồng lái xe theo cách của mình? Thực ra, khi chỉ đạo chồng lái xe, các bà vợ chẳng nghĩ nhiều đến hiệu quả, chẳng qua chỉ là thói quen gặp thứ gì cũng muốn nói, muốn làm theo cách mình nghĩ.

Trong gia đình, người vợ thường lãnh nhiệm vụ kèm con học, dạy con mọi thứ, nên dễ có “quán tính chỉ bảo” và vô tình áp dụng với cả chồng. Vốn nói nhiều, người phụ nữ khó tránh khỏi việc “nói dài, nói dai, nhiều khi thành nói dại”. Trong thâm tâm, họ cũng nghĩ mình chỉ nói những vấn đề đúng, mà đúng thì… phải nói chứ? Thế mới sinh chuyện...

Theo PNO


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.