Chồng lười tại vợ

Nhiều người vợ quay cuồng làm việc nhà, chăm sóc con cái dẫn đến mệt mỏi, u sầu, trong khi chồng nằm khểnh ôm cái ti vi.

Nhưng đôi khi không phải ông chồng thích mà do người vợ chẳng bao giờ hài lòng về việc chồng làm.

 “Nối giáo”

Hai vợ chồng chị Trịnh Xuân Hòa (Lò Đúc, Hai Bà Trưng) lấy nhau được một thời gian thì ra ở riêng. Bố mẹ hai bên góp tiền mua cho hai vợ chồng một căn nhà nhỏ, ấm cúng, đầy đủ tiện nghi. Chị Hòa rất yêu chiều anh Minh – chồng chị. Với chị, việc nấu cơm cho chồng thưởng thức, là quần áo, dọn dẹp, cắm hoa trang hoàng cho gia đình đều là việc khiến chị thấy hạnh phúc, thoải mái. Còn anh Minh vốn là con một nên được mẹ chiều chuộng, giờ cũng không biết làm gì. Khi yêu, anh dặn chị Hòa nếu sau này cần làm việc nhà thì phải hướng dẫn anh, anh sẽ cố gắng. Nhưng giờ chị ôm làm cả nên anh cũng rất “nhường nhịn”, chuyên tâm chơi game, lướt web.

Cũng trong cảnh “nhàn vi”, Trần Văn Hùng (Khâm Thiên, Đống Đa) muốn giúp vợ cũng không xong. Anh vốn không được mẹ dạy làm việc nhà nên đụng đâu hỏng đó, lại hay đổ vỡ. Còn tính Huyền - vợ anh lại cầu toàn, ưa sạch sẽ. Thế là cô nhất định không cho chồng làm gì. Thấy mình sức dài vai rộng có mỗi việc nằm ườn trên ghế đợi cơm chiều, trong khi vợ vừa làm, vừa quát mắng con cái, ca cẩm số khổ, anh cũng mon men lại gần để “xin việc”. Nhưng thấy anh lượn lờ gần cửa bếp là vợ lại đuổi quầy quậy. “Ông để đấy cho tôi nhờ. Người gì mà vụng về, vô tích sự, đóng đinh thì dập tay, rửa bát thì vỡ chậu. Ông mà mó tay vào việc gì thì lợn lành hoá lợn què, tôi lại phải tốn thêm tiền để thuê người sửa chữa” - Huyền cáu kỉnh.

Được vợ “giải phóng”, Hùng cứ vô tư lượn lờ quán xá, bia bọt, tụ tập với bạn. Huyền cứ một thân một mình đánh vật với việc nhà ngày một nhiều. Cô vẫn tin chắc chồng sẽ hiểu được tấm lòng và công sức mình bỏ ra cho gia đình.

Ngập đầu trong công việc, sức lực và thời gian có hạn, các bà vợ luôn “phát rồ” vì các đức ông chồng lười biếng, rồi trách móc họ vô trách nhiệm, vô tình. Nhưng thực tế, đa số sự lười biếng này là do phụ nữ “đúc” thành. Hồi nhỏ, chị em cưng chiều con, ôm đồm mọi việc, chỉ cho con học mà không hướng dẫn con làm việc nhà, không giảng giải cho con về trách nhiệm làm chồng làm cha trong gia đình. Khi kết hôn, người vợ lại vì yêu thương mà muốn chiều chuộng, chăm sóc chồng, khiến chồng càng lười biếng, càng ỉ lại. Có người muốn giúp nhưng tay chân vụng về, làm hỏng, người vợ lại thấy ngứa mắt vì “thà mình làm còn nhanh hơn, đỡ mệt hơn là đi đằng sau thu dọn “chiến trường” cho chồng, khiến người chồng nản chí, thoái lui.

Sướng quá hóa rồ

Đến một ngày, Huyền phát hiện chồng nhắn tin tình tứ với một cô gái. Theo dõi, cô đau đớn phát hiện chồng cặp bồ với cô bán bia - nơi anh vẫn thường nhậu nhẹt khi rảnh rỗi. Thấy vợ khóc lóc, nguyền rủa, Hùng mệt mỏi bảo: “Tôi giống như người thừa trong nhà, về nhà không có việc gì làm. Cô lại suốt ngày cáu gắt, mắng mèo, quẹo chó, gia đình lúc nào cũng căng thẳng nên tôi phải tìm vui nơi khác”.

Còn chị Hòa cũng ngày một mệt mỏi khi 2 đứa con liên tiếp ra đời. Trông chị lúc nào cũng lôi thôi, đầu bù tóc rối, quần áo nhăn nhúm. Trong khi anh Minh chồng chị phởn phơ, vẫn nguyên nếp cũ, chỉ đi làm 8 giờ vàng ngọc rồi tha thẩn ở quán bia đến tối mới lê tấm thần sặc mùi cồn về nhà. Sáng đi làm, thấy áo của mình chưa được là lượt, anh chỉ nhướn mắt lên nhìn vợ: “Cả ngày làm gì mà đến cái áo cũng không là được thế”. Mệt mỏi, bực bội, cơn cáu giận của chị Hòa bùng nổ, chị không tiếc lời mắng chửi chồng vô tích sự, ích kỷ, mắt mù không thấy vợ ngập đầu trong công việc. Anh Minh sững sờ rồi buông một câu: “Cô không là được thì để tôi đi nhờ đứa khác, cô không phải rồ dại lên thế”. Anh không hề hiểu vấn đề mà chị Hòa đang muốn diễn đạt.

Lấy chồng con một, Lê Thanh Trúc (Ba Đình) đã sớm chứng kiến sự vụng về của chồng khi làm việc nhà. Chỉ nhờ anh treo bức ảnh mà 30 phút loay hoay vẫn chưa xong. Trèo lên thang thì quên búa, lấy được búa lên thì quên đinh, đóng xong đinh thì không tìm thấy ảnh. Đã vậy còn liên tục cáu kỉnh, bực dọc. Ngay từ trước khi cưới, Trúc đã lập kế hoạch đào tạo chồng “giúp việc” cho mình, sớm chữa bệnh lười biếng, vụng về của chồng. Cô giao hẹn, khi cô nấu ăn chồng cũng phải ở bên cạnh nhặt rau, thái hành, làm “đầu sai”. Hai vợ chồng vừa nấu ăn, vừa nói chuyện phiếm, rất vui vẻ. Có lúc, cô nhường “chức” đầu bếp cho chồng, dù món ăn có mặn nhạt thế nào vẫn vui vẻ khen ngợi sự tiến bộ. Việc dọn nhà, giặt giũ cũng “song song” cùng nhau. Chỉ đến khi anh thạo việc thì cô mới làm việc khác. Lâu dần, chồng Trúc đã thấy thoải mái, tự nhiên hơn khi làm việc nhà. Đến cả mẹ chồng cô cũng bất ngờ về con trai. Ai cũng khen Trúc khéo “dạy chồng”, cô chỉ cười: “Em phải tranh thủ lúc mới cưới, anh ấy đang nhiệt tình giúp vợ, chứ nếu đã tạo thói quen rồi thì khó lắm. Nhà nhỏ, việc cũng không có nhiều nhưng chia sẻ với nhau là cách để nâng cao trách nhiệm làm chồng, làm cha, gắn bó các thành viên với nhau nữa”.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, muốn chữa bệnh lười của chồng, trước tiên người vợ cần chữa 3 bệnh khác: Một là bệnh ngứa mắt; không ngăn cản, làm thay khi thấy chồng lóng ngóng, vụng về. Hai là bệnh chê chồng: Thấy chồng làm hỏng, làm sai thì không nên chê bai, giễu cợt. Như vậy sẽ làm thui chột lòng nhiệt tình của anh em. Cuối cùng là bệnh yêu chồng: muốn chăm sóc, chiều chuộng, o bế chồng khiến chồng như thượng đế trong nhà, chưa nói đã được phục vụ tận tình, chu đáo. Khi đó chồng có chăm đến đâu cũng đánh mất thói quen làm việc nhà.

Theo ANTĐ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.