Khắc khẩu với mẹ chồng

"Không hiểu sao, cứ nghe mẹ chồng nói là mình thấy đau đầu. Bà cụ sống ở thời đại cũ mà cứ thích lên lớp với mình", Thùy Dương (Hà Nội) chia sẻ.

"Không hiểu sao, cứ nghe mẹ chồng nói là mình thấy đau đầu. Bà cụ sống ở thời đại cũ mà cứ thích lên lớp với mình", Thùy Dương (Hà Nội) chia sẻ.

Thùy Dương là trưởng phòng của một công ty liên doanh với nước ngoài, từng học thạc sĩ tại Anh, 30 tuổi, kinh tế ổn định, mới lập gia đình với anh bạn cùng đi du học.

Nhà chồng Dương ở nông thôn. Tan tiệc cưới, mẹ chồng dắt tay dặn dò việc nhà cửa: “Sáng con phải dậy sớm, cầm cái chổi quét sân, quét nhà. Gặp mọi người thì nhớ chào hỏi cẩn thận. Phụ nữ nên nhu mì, hiền lành…”. Dương kêu: “Mẹ không phải dạy con nữa đâu. Con 30 tuổi, đã tự lập từ hồi học đại học, biết kiếm tiền và biết làm việc nhà rồi, chứ có phải như thời xưa, cô dâu về nhà chồng lúc 13, 14 tuổi chưa biết cái gì đâu”. Mẹ chồng Dương im lặng không nói gì.
 
Ngày giỗ bố chồng, Thùy Dương và cô em dâu đảm nhận hết việc cỗ bàn. Mẹ chồng đi ra đi vào kêu ca: “Sao các con làm chậm thế, ngày trước chỉ mình mẹ đã làm xong từ lâu rồi”. Dương phản pháo luôn: “Mẹ xem ngày trước, mâm cỗ của mẹ lèo tèo vài món, bây giờ chị em con làm cả chục món, chậm hơn mẹ là đúng rồi”. Bà cụ ừ ừ rồi đi ra.
 
Dương kể chuyện mình cho bạn bè nghe, cánh con trai tỏ ra bất bình. Thanh (một kỹ sư điện) kêu lên: “Chồng bà lúc đó đứng ở đâu? Tôi mà biết vợ mình cãi mẹ chồng nhem nhẻm như thế, tôi bỏ luôn”. “Tính mình vốn thẳng thắn, ở công ty, sếp nói không hợp lý là phản ứng ngay nên quen rồi, về nhà mẹ chồng cứ giảng giải những cái mình biết rồi, khó chịu lắm” - Dương phân bua. Còn các cô bạn gái của Dương thì rất hả hê: “Ở nhà mình toàn bị mẹ chồng bắt nạt, ước gì cũng nói được như Dương”.
 
Khắc khẩu với mẹ chồng 1

Nếu lời nói của người mẹ chồng không quá khắc nghiệt, người con dâu nên cho qua. Ảnh: Hanhphucgiadinh

Minh (một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội), mỗi lần bị mẹ chồng lên lớp cô rất bực mình nhưng chẳng nói gì, bức xúc quá thì đem xả với các cô bạn thân. Mẹ chồng Minh đặc biệt thích kể công, hôm nào đón cháu nội từ trường mẫu giáo về thì bà khen ngợi công sức của mình suốt cả bữa cơm tối. Rồi bà phàn nàn, ngày trước bà vừa đi làm vừa nuôi 3 đứa con mà nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, giờ giấc lúc nào cũng chính xác, thế mà vợ chồng Minh thì sáng nào cũng rối tung rối xòe.

Trong khi Minh sắp bị muộn giờ làm, cuống cuồng tìm chìa khóa xe và xếp đồ đạc đi học cho con trai, thì bà cụ đứng cạnh lẩm bẩm: “Như người ta thì tối hôm trước đã xếp sẵn mọi thứ ra chứ”. “Mình biết bà nói cũng không sai nhưng chuyện chọn thời điểm không hợp lý làm mình nhiều lúc ức chế, muốn cãi lại lắm” - cô con dâu trẻ chia sẻ. Suốt ngày bà cụ phàn nàn vợ chồng Minh tiêu hoang: “Tao mà có lương cao như vợ chồng mày thì đã mua được mấy cái nhà rồi”, “Ăn tiêu dè xẻn thôi, cho con ăn cũng vừa thôi, nó ăn nhiều cơm là được rồi, cần gì phải uống thêm sữa nữa cho tốn tiền. Ngày trước tao nuôi thằng Tùng (chồng Minh) có tí sữa bò sữa dê nào đâu mà giờ vẫn cao to đẹp trai thế này”.

Hồi mới về làm dâu, nghe những lời giáo huấn của mẹ chồng, Minh cũng thường cãi lại: “Mẹ cứ nói cái gì nghe buồn cười thế. Thời của chúng con khác thời của bố mẹ, bây giờ có bao nhiêu thứ cần tiêu, làm sao tiết kiệm được như mẹ…”. Sau đó, Minh thấy chồng có vẻ buồn nên cô tìm cách nín nhịn. “Bây giờ, mình tìm được cách miễn dịch rồi. Mẹ chồng nói gì thì nói, mình chẳng quan tâm, cứ giả vờ gật gù nghe nhưng thực ra đầu óc lúc ấy đang nghĩ đến việc khác”. Từ khi thấy Minh không tranh luận tay đôi với mẹ, Tùng có vẻ thông cảm với vợ hơn. Khi chỉ có hai vợ chồng, anh thường dặn: “Mẹ hay nói linh tinh nhưng không có ý xấu đâu, em đừng để bụng làm gì”.

Theo một chuyên viên tư vấn tâm lý của Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt, muốn gia đình êm ấm, các cô con dâu không nên cãi lại mẹ chồng ngay lập tức. Nếu con dâu cãi lại, mẹ chồng sẽ không có thiện cảm với cô ấy. Bà có thể nói lại với con trai của mình, gây rắc rồi cho con dâu. Vả lại dù thế nào, một người đàn ông cũng không thích cái cảnh vợ và mẹ cãi mình. “Một điều nhịn, chín điều lành. Nếu cảm thấy khó khăn quá thì ta cứ nghĩ là kính lão đắc thọ”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Theo bà, khi tranh luận, ai cũng có lý của mình, ai cũng muốn mình là người chiến thắng. Nếu ta hăng hái quá, giọng nói của ta sẽ hơi to. Một, hai câu rồi ba, bốn câu… gây tổn thương cho nhau, đến lúc muốn sửa lại thì không kịp, muốn xin lỗi thì cũng đã gây ác cảm cho mọi người rồi. Nếu biết chắc mẹ chồng sai thì tùy tình hình, người con dâu có thể phản ứng lại nhưng cần phải chú ý đến tình huống khi nói. Không ai thích bị bắt bẻ, làm mất mặt trước chỗ đông người. Người con dâu có thể chọn thời điểm lúc mẹ chồng vui vẻ sau đó để nói lại sự việc.

"Cách tốt nhất là con dâu hãy chứng minh sự đúng đắn của mình bằng hành động. Hãy cứ im lặng, lẳng lặng mà làm, khi ta thành công mọi người sẽ nhận ra sự đúng đắn của chúng ta. Còn khi bạn cứ mải tranh cãi với mẹ chồng, biết đâu bà sẽ nghĩ rằng bạn cậy mình học nhiều, ỷ lại bằng cấp mà lên lớp lại bà" - bà Nga nói.

Chuyên gia này kết luận, nếu lời nói của mẹ chồng không có gì sai quá nghiêm trọng, không “ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới” thì tốt nhất là các cô con dâu nên cho qua.
 
Theo VnExpress


Cách làm bò xốt tiêu đen đơn giản, hấp dẫn
Bò xốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Hôm nay, VietNamNet sẽ giới thiệu cách làm món thịt bò xốt tiêu đen đơn giản, hấp dẫn.
Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?
Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.