Samsung tấn công tới tận 'sào huyệt' Apple

Ngày 14/3 tới đây, Samsung sẽ tổ chức sự kiện đặc biệt giới thiệu Galaxy S4 tại New York (Mỹ), quê hương của hãng sản xuất iPhone.

Ngày 14/3 tới đây, Samsung sẽ tổ chức sự kiện đặc biệt giới thiệu Galaxy S4 tại New York (Mỹ), quê hương của hãng sản xuất iPhone.

Rất nhiều kì vọng được đặt lên thiết bị Galaxy mới khi Samsung đang mong muốn duy trì vị trí dẫn đầu và nâng cao lợi nhuận trong thị trường smartphone khốc liệt. Các chuyên gia dự đoán smartphone mới từ Samsung sẽ dùng chip nhanh hơn, máy ảnh tốt hơn. Thiết bị cũng sẽ sở hữu màn hình AMOLED 5 inch độ phân giải cao hơn và pin tốt hơn Galaxy S3.

Hồi tháng 2, đơn xin cấp phép bằng sáng chế mang tên “Samsung Eye Scroll”, tính năng cho phép cuộn màn hình bằng ánh mắt xuất hiện, làm dấy lên suy đoán Galaxy S4 sẽ sử dụng tính năng chưa từng có trên smartphone này. Song, phát ngôn viên Samsung khẳng định công nghệ có thể dùng trên bất kì thiết bị nào như smartphone, tablet và từ chối bình luận thêm.

Động thái lựa chọn Mỹ làm nơi công bố sản phẩm mới nhất báo hiệu trận chiến tranh giành ngôi vị số 1 trên trường di động đã lan tới “sào huyệt” của Apple. Mối quan hệ giữa 2 bên luôn luôn phức tạp bởi thế lưỡng quyền trên thị trường trong khi Samsung vẫn là đối tác cung ứng linh kiện cho Apple. Không chỉ ganh đua ở nhiều thị trường, hai hãng còn tham chiến tại tòa án, cáo buộc lẫn nhau vi phạm bản quyền.

Neil Mawston – Giám đốc hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics – nhận định: “Samsung đang đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ Apple tại Mỹ và Samsung cần phải phản công bằng smartphone cạnh tranh hàng đầu”.

Samsung có thể dùng công nghệ cuộn màn hình bằng mắt cho Galaxy S4.
Trong vài năm qua, hãng điện tử Hàn Quốc không ngừng cải thiện năng lực phần mềm, điểm mà chính Chủ tịch mảng Di động – J.K.Shin – cũng phải thừa nhận yếu kém. Hồi tháng 1/2013, Samsung mua lại cổ phần của hãng sản xuất màn hình tương tác bút cảm ứng Wacom. Hãng cũng tuyển dụng kĩ sư phần mềm nước ngoài để phát triển tính năng mới nhằm theo kịp phần mềm của Apple. Samsung Galaxy S3 công bố hồi tháng 5/2012.

Phần mềm trở thành vấn đề cấp bách với Samsung sau khi Google – hãng sản xuất Android – mua lại Motorola Mobility. Nokia và Microsoft cũng bắt tay trong năm 2011 để phát triển smartphone dựa trên nền tảng Windows Phone. Dù Samsung nhiều năm tự phát triển Bada, nền tảng này vẫn không phổ biến. Phần lớn smartphone hiện nay của hãng đều cài Android, song sự phát triển lớn mạnh của Samsung có thể khiến chính Google lo ngại.

“Samsung Galaxy S4 mới cần có phần cứng, phần mềm hoặc dịch vụ nổi bật nếu muốn làm người dùng toàn cầu bất ngờ”, Mawston kết luận.

Samsung đã dành hàng tỉ USD cho tiếp thị và đưa ra nhiều quảng cáo thông minh nhằm vào đối thủ, trong đó có Apple. Đây là một nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh công ty tại các thị trường như Mỹ. Samsung còn “bắt chước” Apple khi ra mắt sản phẩm, gửi đi các đoạn teaser “mồi chài” ngay trước buổi giới thiệu chính thức. Với sự kiện sắp tới tại New York, Samsung đề nghị người tiêu dùng “sẵn sàng cho Galaxy kế tiếp” (be ready 4 the next Galaxy).

Mặt khác, cả Apple và Samsung đều phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh mới khi các hãng PC “lấn sân” sang smartphone, trong khi các hãng sản xuất giá rẻ như ZTE và Huawei (Trung Quốc) lại tập trung hơn vào thiết bị cao cấp, nhắm tới thị trường Mỹ.

Trong báo cáo mới nhất, hãng nghiên cứu IDC dự đoán năm 2013, đơn hàng smartphone toàn cầu sẽ lần đầu vượt điện thoại phổ thông, cho thấy smartphone đang dần trở thành xu thế chính. Điểm mấu chốt chính là Samsung phải thể hiện được mình có đủ năng lực khác biệt hóa và sáng tạo trong phần mềm như đã làm được với phần cứng.

Theo Ictnews


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.