Tản mạn "văn hóa xế"

Cách đây một năm, trong một chuyến dã ngoại bằng ô tô ra ngoại thành Hà Nội, anh Liên Phương - một thương nhân từng nhiều năm sống và làm việc tại Australia cứ yêu cầu tôi phải thắt dây an toàn ngay trước khi xe chạy.

Tôi cự nự: "Lái xe ở Việt Nam còn chẳng phải thắt nữa là người ngồi cạnh". Anh cương quyết không nghe và tôi đành phải tuân thủ tuy trong lòng không... phục!

Đến nay, theo qui định mới của cơ quan chức năng, khi đi trên đường, người điều khiển ô tô và người ngồi hàng ghế trên cùng buộc phải thắt dây an toàn thì tôi mới "giật mình" vì lời cảnh báo sớm ấy. Mà không chỉ riêng chuyện chiếc dây an toàn. Ngẫm lại, thấy đúng là phong cách lái xe ở Việt Nam đang có nhiều điều không ổn...

Văn hóa còi, gương...

Hồi mới đi học lái xe, tôi được phân công học bằng loại xe Bắc Kinh - loại xe còn tệ hơn cả... "U oát" - thô, nặng, không trợ lực, trợ lái gì sất và đặc biệt là không có còi! Vì vậy, đã thành thói quen mỗi khi thực hành đi đường trường là tôi (hoặc thầy giáo ngồi kèm) phải dùng tay đập uỳnh uỳnh vào cửa xe và thò cổ ra ngoài hò hét người đi xe máy, vì chiếc xe Bắc Kinh có từ "thời Napoleon" này cái gì cũng kêu, trừ cái còi!

Mà khổ nỗi, trung tâm tôi học có 4 - 5 chiếc xe kiểu ấy nên tôi đâu phải là trường hợp duy nhất được học "còi miệng"(?!)

Học cái gì thì thành cái ấy, lâu dần những người học lái ở những loại xe nói trên đâm sinh ra cái bệnh "loạn còi", vi khi được học trong xe không có còi nên phải hét, phải la nên khi ngồi vào xe có còi hẳn hoi thì tự dưng sinh ra hai dạng: một là im tịt (Vì không quen sử dụng!), hai là bấm còi loạn xị bất kể có vật cản hay không. Thậm chí, ngay giữa đêm khuya (Luật cấm bấm còi) cũng nhấn còi nhặng xị cho... vui tay.

Trong các trường lái xe có qui chuẩn hẳn hoi ở xứ ta, khi đã ngồi lên "xế hộp" thì được dạy rằng: thao tác đầu tiên và quan trọng nhất phải là chỉnh gương.

Tuy nhiên những người có kinh nghiệm trong nghề lái đều hiểu một điều rằng: trong thực tiễn lưu hành, hệ thống gương trên xe ô tô không phải là hoàn hảo, thậm chí có khi không đáng tin cậy. Bởi thực tế, trên thân xe bao giờ cũng có những điểm "mù" (blind spot) mà hệ thống gương cũng không thể quan sát hết được. Nhất là khi lùi xe hoặc chuyển hướng nhanh... thì người lái cần quan sát an toàn xung quanh không chỉ bằng gương, mà phải trực tiếp bằng cả mắt.

Tại Việt Nam, khi đi học lái ô tô, các thầy thường dạy nếu muốn sang làn trái hoặc phải, trước tiên phải kiểm tra gương chiếu hậu, sau đó kiểm tra gương trái hoặc phải (tùy thuộc sang lần nào thì nhìn gương đó). Còn ở nước ngoài có hơi khác chút ít vì bạn thường lái xe trên đường cao tốc với tốc độ cao.

Khi sang làn đường, cần phải kiểm tra gương trái hoặc phải trước, nhìn gương chiếu hậu sau, kiểm tra "điểm mù" (blind spot), bật tín hiệu đèn muốn sang lần, kiểm tra lần 2 gương trái hoặc phải, lúc đó mới được sang làn.

Đặc biệt, khi bắt đầu sang làn, thao tác cần tiến hành là quay đầu kiểm tra "điểm mù" (quay 45 độ, nhìn về phía sau). Đáng tiếc, hầu như rất ít trường dạy lại ở Việt Nam dạy thao tác này, hoặc nếu có dạy các lái xe Việt Nam cũng thường bỏ qua khi họ đã lái quen (?!). Và trên thực tế, rất nhiều trường hợp tai nạn đã xảy ra ngay tại "điểm mù"!

Để thượng lộ được bình an

Cùng trong cái chuyến "dã ngoại có thắt dây an toàn", anh Liên Phương kể: khi về Việt Nam lập công ty, anh đã tiến hành chọn ngay một lái xe lành nghề, có thâm niên 10 năm trong nghề lái để... đào tạo lại! Đào tạo lại tất nhiên là có rất nhiều "chuyên mục", nhưng anh đặc biệt lưu ý về cách ứng xử, hành xử của một lái xe chuyên nghiệp.

Ở xứ ta, trong một số trường hợp, những người lái xe công vụ đã vô tình biến thành một con người "đa chức năng": họ vừa là lái xe, là thư ký, tạp vụ và thậm chí là bạn nhậu... của ông chủ. Tôi đã rất nhiều lần chứng kiến bạn tôi giục người lái xe của anh ăn sớm và nghỉ sớm. Anh lý giải: mình giao cả tính mạng vào tay họ, tuyệt đối không nên để họ phân tâm tinh thần, sức lực vì những chuyện ngoài... chuyên môn!

Thật ra, chương trình đào tạo lái xe ô tô ở Việt Nam kể cả trước đây và chương trình mới được sửa đổi gần đây cũng bao gồm đầy đủ cả 2 phần: thực hành và lý thuyết. Phần thực hành trên xe bao gồm những kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống khi điều khiển phương tiện giao thông lưu thông trên đường.

Phần lý thuyết ngoài việc bổ sung một cách cụ thể và chi tiết hơn các cách thức xử lý thực tế ấy, còn dành một phần khá lớn để nâng cao nhận thức, ý thức của người điều khiển phương tiện. Đây thực chất là phần dạy về "văn hóa" điều khiển phương tiện cho lái xe. Nhưng không hiểu sao, trên thực tế, phần "lý thuyết" quan trọng này bị hầu hết các trung tâm đào tạo lái xe và cả bản thân những người học xem nhẹ.

Ai đã từng đi học lái xe ở Hà Nội đều biết rằng: các chương trình dạy lái xe của ta đang "đi ngược": đáng lý phần dạy lý thuyết thường phải được dạy đầu tiên, nhưng thực tế thì nó thường được dồn xuống sau cùng trong các chương trình khóa học, sau khi học viên đã lái xe "cưng cứng"(?!).

Mà nếu có học, cũng chỉ mang tính đối phó: trước khi đi thi thầy và trò dành vài buổi dạy cách học "mẹo", kiểu "Cuối câu hỏi có từ "tất cả" thì chọn ý 3...; Câu có từ "ngã 2" thì chọn ý...". Dĩ nhiên, kiểu học này sẽ sinh ra những học viên "người máy" khi đi thi điểm rất cao, nhưng thực tế thì chẳng thêm được một chút kiến thức nào trong đầu.

Theo Thành Tâm



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.