Bao giờ có được "cổ trang"?

Chừng nào mà phim cổ trang của chúng ta vẫn còn quá nhiều sạn kiểu tướng cưỡi ngựa như trưởng giả cưỡi lừa thì khán giả nước nhà vẫn còn phải xem phim dã sử, cổ trang của Hàn, của Trung Quốc, còn lớp trẻ thì vẫn cứ thuộc sử nước người hơn là nhớ sử Việt Nam.

Hiểu theo nghĩa thông thường, phim cổ trang là những bộ phim mà các nhân vật ăn vận trang phục thời xưa. Đó có thể là phim lịch sử, phim dã sử hay đơn thuần chỉ là phim mượn bối cảnh thời xưa. Và ai cũng biết một điều rằng để có một bộ phim cổ trang “xem được”, yếu tố tiên quyết là phải có một nhà biên kịch cực kỳ chuyên nghiệp, am hiểu lịch sử, thông làu cả dã sử lẫn chính sử…

Những nhà biên kịch tầm cỡ như thế ở ta hiện có được mấy người? Nền văn học của chúng ta từng có những tiểu thuyết lịch sử khá hấp dẫn, nhưng đâu phải cứ là nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử chắc tay là có thể trở thành một nhà biên kịch phim cổ trang được!

Yếu tố thứ hai quyết định thành công của phim là cần đến một nhà đạo diễn tài hoa, đủ “tầm”, hay nôm na là phải có một “phông” văn hóa thật vững chắc, để có thể chuyển tải được hết những nội dung ý tưởng mà nhà biên kịch đã viết ra. Và đương nhiên, vị đạo diễn ấy cũng phải là người hiểu biết về lịch sử một cách có hệ thống. Tiếc thay, thực sự phải nói trắng ra rằng cứ với cung cách đào tạo và cơ chế làm việc như ở ta hiện nay thì chúng ta sẽ còn phải chờ rất lâu nữa mới có được những “nhà” như thế…

Ngoài một kịch bản “sạch nước cản” và bàn tay đạo diễn đủ “tầm”, yếu tố thứ ba không kém phần quan trọng quyết định thành bại của một bộ phim nằm ở chính diễn viên. Và chẳng giống như những thể loại phim khác, phim cổ trang thuộc dạng “kén” diễn viên, bởi chưa kể đến tài năng, điều đầu tiên làm nên thành công của vai diễn cổ trang phải chính là dung mạo.

Nhìn sang nước láng giềng, chúng ta sẽ thấy không hiếm những diễn viên có vẻ bề ngoài dường như sinh ra là để dành cho thể loại phim này như Lưu Diệc Phi (vai Vương Nữ Yên trong Thiên Long Bát Bộ và Tiểu Long nữ trong Thần Điêu Đại Hiệp), là Tư Cầm Ca Oa (trong các vai Võ Tắc Thiên, Tư Hy Thái Hậu), là Lý Bảo Điền trong vai tể tướng Lưu gù. Đó còn là Bào Quốc An vai Tào Tháo và Đường Quốc Cường vai Khổng Minh trong phim truyền hình Tam Quốc Diễn Nghĩa. (Họ thành công đến nỗi mà Đại Chiến Xích Bích - siêu phẩm điện ảnh của Ngô Vũ Sâm - mới đây bị không ít khán giả chê ỏng chê eo vai Khổng Minh của Kim Thành Vũ và vai Tào Tháo của Trương Phong Nghị!)

Ngay cả với nền điện ảnh non trẻ về phim cổ trang như Hàn Quốc cũng chú ý đến vẻ đẹp cổ điển để chọn diễn viên phim cổ trang mà nàng Dae Jang Geum - Lee Young Ae là một ví dụ điển hình.

Vậy còn ở Việt Nam thì sao? Đúng ra thì trong quá khứ, chừng hai thập kỷ trước, Việt Nam từng có những phim cổ trang “xem được” như Đêm Hội Long Trì (1989), Lửa Cháy Thành Đại La (1989)… với một dàn diễn viên khá ấn tượng như Lý Hùng, Diễm Hương, Lê Tuấn Anh, Công Hậu, Việt Trinh… Nhưng đầu thập niên 1990, khi phim cổ trang Việt bị “đè bẹp” bởi võ thuật và kiếm hiệp Hồng Kông, lứa diễn viên ấy cũng mỗi người mỗi ngả và sau lưng họ thiếu vắng một lực lượng kế cận mà khi dòng phim này được phục hồi trở lại thì các đạo diễn lại loay hoay trong việc tìm kiếm những gương mặt phù hợp.

Khi bỏ tiền túi làm Tây Sơn Hào Kiệt, đạo diễn Lý Huỳnh vẫn chọn Lý Hùng vào vai vua Quang Trung, chẳng phải lý do “người nhà” mà chỉ bởi đó là giải pháp an toàn và đỡ tốn kém nhất. Ông tâm sự: “Không chọn Lý Hùng tôi không biết chọn ai”, và quả thật điểm qua các nam diễn viên hiện nay xem có được những ai có diện mạo, khả năng diễn xuất và tài võ lược vượt Lý Hùng?

Công bằng mà nói điện ảnh nước nhà đang khan hiếm những diễn viên có ngoại hình phù hợp với nhân vật cổ trang. Bộ phim lịch sử Trần Thủ Độ với kinh phí “khủng” nhất trong lịch sử phim ảnh Việt (51 tỉ đồng) cũng đang toát mồ hôi với sự cố “thay ngựa giữa đường”. Vai diễn linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung ban đầu được nhắm cho á hậu Thiên Lý - cô gái sở hữu vẻ đẹp thuần khiết - sau những lùm xùm không đáng có thì đến nay vẫn chưa ngã ngũ sẽ thuộc về ai giữa một ca sĩ với một diễn viên đều có vẻ đẹp quá hiện đại, khó tương đồng với ý tưởng thẩm mỹ ban đầu.

Khi diễn viên đã không có được thần thái và dung mạo phù hợp với tư chất nhân nhật và với không khí thời đại ấy thì cái sự “giả giả”, ngô nghê là không tránh khỏi. Khán giả truyền hình gần đây đã không khỏi bật cười khi xem những “nhân kiệt” trong một loạt video clip phục dựng vua quan, tướng lĩnh mà tướng mạo thì ngác ngơ, áo quần thì xộc xệch…

Nhìn cái cảnh một ông tướng cưỡi con ngựa nhỏ teo mà cứ ngỡ như là một tay trưởng giả đang cưỡi lừa đi chơi trong một câu truyện ngụ ngôn nào đó, thật buồn! Vẫn biết, đóng phim cổ trang chưa khi nào là dễ với những người trẻ sinh ra trong thời đại Internet, chuộng nhạc hiphop giờ phải nhọc công học cưỡi ngựa, bắn cung hay những nghi lễ triều chính… nhưng nếu không có sự đầu tư đến đầu đến đũa cho vai diễn thì những diễn viên ngày nay hoàn toàn có khả năng làm hỏng một bộ phim như thường.

Nếu như ba yếu tố kể trên góp phần quyết định thành bại của một bộ phim cổ trang thì yếu tố phục trang, hóa trang lại là khâu ghi điểm hay mất điểm đầu tiên trong con mắt khán giả. Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và bây giờ đến truyền hình, vậy mà Việt Nam vẫn chưa có những họa sĩ hóa trang chuyên nghiệp. Đến mãi tháng 4/2009, cả nước mới có được 12 sinh viên tốt nghiệp lớp Cao đẳng Hóa trang chuyên nghiệp do trường Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh TP. HCM đào tạo.

Thực ra trong quá trình học ở các trường sân khấu điện ảnh, các diễn viên tương lai cũng được học sơ qua về hóa trang, nhưng vài chục tiết học chỉ đủ dừng lại ở việc khám phá các khái niệm “trang trí cho nhân vật” mà thôi. Chuyện nghe cứ như đùa nhưng lâu nay khâu hóa trang ở ta, trong tất cả các thể loại phim, gần như đều phó thác cho diễn viên tự làm hoặc nếu có thì do các chuyên gia - đa số là những người chuyên làm trang điểm cho cô dâu - đảm nhiệm!

Thế nên với những vai diễn cần đến sự hóa trang đặc biệt hay thậm chí chỉ đơn giản là những khuyết tật của cơ thể như mặt sẹo, bị khối u… thì khán giả chẳng khó mà nhận ra sự thô kệch, giả tạo. Người viết bài này đã từng đi theo một đoàn làm phim và chứng kiến cái cảnh chuyên gia hóa trang trong lúc tác nghiệp đã phải phát mấy cây kẹo cao su nhờ mọi người trong đoàn nhai để lấy bã kẹo ấy mà làm sẹo cho một diễn viên bị một cái sẹo do bom Napan để lại trên người!

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người đang thực hiện dự án phim truyền hình Lều Chõng từng kêu gọi “…tôi mong khán giả xem phim cổ trang lịch sử với một thái độ ...thân thiện. Nếu cứ ngồi soi nhau từng cái cúc áo, từng cái khuyên tai xem có đúng thời kỳ lịch sử đó không thì mệt lắm, mệt cho cả người xem lẫn người làm”.

Vâng, khán giả chỉ có thể (cố mà) thân thiện trong chừng mực cho phép chứ cẩu thả đến độ xe tăng chiến đấu mượn của bảo tàng vẫn còn nguyên đường kẻ sơn trắng trên bánh xích, quân hàm của quân đội Sài Gòn đeo lộn ngược… như trong phim lịch sử vẫn còn nóng hổi Dòng Sông Phẳng Lặng thì chắc khó khán giả nào có thể “thương” được! Tương tự thế, bộ phim cổ trang hoành tráng đang thực hiện - Trần Thủ Độ - từ trang phục đến râu tóc hóa trang đều phải thuê chuyên gia Trung Quốc làm, chưa biết hay dở thế nào nhưng cũng khiến niềm vui của khán giả Việt trở nên không trọn vẹn.

Trong bối cảnh hiện tại, những vấn đề về lịch sử cách thời đại chúng ta chúng ta hàng trăm, hàng ngàn năm, ngay cả các nhà sử học cũng đang còn tranh cãi với nhau, thì những người làm phim cổ trang lại còn phải chịu thêm nhiều áp lực khác nữa ngoài phim.

Tôi nhớ không lầm thì cách đây khoảng hai chục năm, Hãng Phim truyện Việt Nam đã xin Nhà nước đầu tư cho một phim trường, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn phải đi thuê phim trường lẫn đạo cụ ở tận bên Trung Quốc để làm một phim về người Việt, cho người Việt xem! Có lẽ đầu tư cho một sân golf thì mau thu được lợi nhuận nhanh hơn làm một phim trường chăng!?

Thẳng thắn nhìn nhận, hẳn ai cũng thấy rằng chúng ta đang thiếu quá nhiều yếu tố để có thể làm ra những bộ phim cổ trang tử tế, đúng nghĩa. Và nếu không sớm khắc phục đồng bộ được những điểm yếu này thì tương lai của phim cổ trang Việt vẫn chỉ là những thước phim ngô nghê, đầy sạn (trong khi khán giả ngày càng kỹ tính, khắt khe hơn) và con em chúng ta có thể vẫn thuộc sử nước khác tốt hơn sử nước mình, vậy thôi.

Theo Ân Hựu



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.