‘Thang máy’ - phim kinh dị Việt rập khuôn và phi lý

Tác phẩm của đạo diễn Peter Mourougaya lấy ý tưởng từ một truyền thuyết đô thị (urban legend). Song, kịch bản phi lý và lối hù dọa cũ kỹ khiến phim khó gây ấn tượng cho người xem.

‘Thang máy’ - phim kinh dị Việt rập khuôn và phi lý-1

Bộ phim Thang máy bắt đầu khi Jina (Tống Yến Nhi) mất tích trong thang máy tại một bệnh viện bỏ hoang. Sự kiện khiến bạn thân của cô là Trang (Yu Dương) bị sang chấn tâm lý. Một năm sau, đến lượt dượng của Trang - người vốn là nhân tình của Jina - cũng biến mất với lý do tương tự.

Với sự giúp đỡ của người bạn tên Ngọc (Mai Bích Trâm), Trang quyết tâm tìm ra chân tướng sự việc. Song, mọi chuyện không hề dễ dàng khi chính Ngọc cũng bị một thế lực tà ác bắt đi để Trang phải một mình đối mặt với nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất.

Ghi nhận về bối cảnh và âm thanh

Bệnh viện ma ám bị bỏ hoang vốn là một địa điểm yêu thích của các nhà làm phim kinh dị, như Insidious: Chapter 2 (2013) hay gần đây là Gonjiam: Haunted Asylum (2018) đều gây tiếng vang lớn. Ê-kíp Thang máy đã tận dụng tương đối tốt phần bối cảnh đầy tiềm năng nói trên.

Khu bệnh viện rộng lớn với những dãy hành lang chật hẹp, thiếu sáng đã đánh mạnh vào hai nỗi sợ của con người là không gian hẹp và bóng tối. Những ngả rẽ lắt léo, những căn phòng bệnh san sát như kéo dài vô tận tạo ra cảm giác ngột ngạt, không lối thoát cho các nhân vật.

‘Thang máy’ - phim kinh dị Việt rập khuôn và phi lý-2
Thang máy có phần bối cảnh và hình ảnh tương đối tốt. Nhưng các màn hù dọa của bộ phim lại cũ kỹ.

Bộ phim cũng sử dụng khá tốt những bóng đèn nhấp nháy liên tục, sắc đỏ từ đèn hiệu cấp cứu, để tăng sự rùng rợn hay báo hiệu ác quỷ sắp đến. Phần âm thanh, từ tiếng bước chân, tiếng cửa mở hay những giọng nói ma mị, được lồng ghép khéo léo khiến người xem phải nín thở trong nhiều phân đoạn.

Song, trên cái nền ấy, những chiêu trò jump scare của đạo diễn Peter Mourougaya lại tỏ ra cũ kỹ, thiếu sáng tạo. Các tình tiết của Thang máy như rập khuôn từ hàng chục tác phẩm kinh dị khác nên khán giả cũng dễ dàng đoán ra khi nào thì gương mặt ác ma sẽ bất ngờ dí sát vào màn hình.

Nhân vật người đàn bà áo đen trong phim tỏ ra quyền năng, nhưng rồi cũng chỉ biết hù dọa bằng lời chứ chẳng thể hiện được gì nhiều. Tạo hình ma nữ này còn đơn giản, giả tạo nên chẳng gây quá nhiều sợ hãi sau khi xuất hiện.

Kịch bản phi lý và ngô nghê

Thang máy có phần ý tưởng hứa hẹn khi xoay quanh một truyền thuyết đô thị (urban legend). Nhiều lời đồn cho rằng khi đi thang máy một mình, nếu bấm một tổ hợp tầng cụ thể, người ta có thể đi sang thế giới bên kia. Câu chuyện trở nên nổi tiếng sau vụ án của Elisa Lam năm 2013 và được chuyển thể thành một tập trong series Goedam ra mắt cách đây ít lâu.

Song, Thang máy lại mang đến một kịch bản phi lý khó tin. Tác phẩm khiên cưỡng ngay từ đầu khi Trang giải thích rằng Jina cố tình chơi trò thang máy do lỡ rơi vào mối tình sai trái với dượng Sơn (Nguyễn Xuân Hiệp). Nhưng mục đích cô gái trẻ mở cánh cổng sang thế giới bên kia thì không hề được hé lộ.

‘Thang máy’ - phim kinh dị Việt rập khuôn và phi lý-3
Nội dung Thang máy chứa đựng nhiều tình tiết không đầu không cuối.

Từ đây, Thang máy cứ thế ném vào mặt người xem hàng loạt tình tiết không đầu không cuối, chẳng có lời giải thích nào cụ thể. Phần dựng phim tệ hại gây ra tình trạng hai cảnh quay nối tiếp nhưng không hề có sự liên quan. Mạch truyện bị thay đổi liên tục, khiến khán giả chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra trên màn ảnh.

Ảo ảnh về tuổi thơ của Trang xuất hiện lặp đi lặp lại, nhưng chẳng đóng vai trò rõ ràng. Nữ nhân vật lâu lâu lại kể một câu chuyện quá khứ như kiểu… cho vui. Đến cuối cùng, chẳng ai hiểu được tại sao cô bị ám ảnh bởi hình ảnh người phụ nữ áo đen từ trước.

Xuyên suốt thời lượng bộ phim, Trang chỉ có một hành động duy nhất là ôm đầu ngồi sợ hãi trong thang máy. Cô là người có tinh thần bất ổn nhất, nhưng rốt cuộc lại có thể trốn thoát dễ dàng hết lần này đến lần khác. Tâm lý nhân vật cứ thế luẩn quẩn, mãi không “chịu” phát triển.

‘Thang máy’ - phim kinh dị Việt rập khuôn và phi lý-4
Các nhân vật dễ gây ức chế cho người xem. Đây chủ yếu là lỗi của kịch bản, chứ không phải các diễn viên.

Song, không chỉ Trang mà những cái tên còn lại trong phim cũng gây ức chế không kém. Họ hành xử theo kịch bản một cách ngô nghê khi cứ chỗ nào có ma là quyết tâm tìm đến cho bằng được. Thậm chí, ngay cả khi tận mắt chứng kiến người khác bị bắt mất, họ vẫn đòi… một mình đi giải cứu.

Phải chăng các nhân vật cứ mặc định rằng hỏi to danh tính một bóng đen bí ẩn trong bệnh viện bỏ hoang thì sẽ được đáp trả thân thiện? Bởi lẽ, ngoài đâm đầu vào chỗ chết hay hỏi hàng loạt câu “thiếu muối” cho đủ thoại, lần lượt Sơn, Ngọc hay Jina không còn giá trị nào khác trong tác phẩm.

Nhìn chung, Thang máy là bộ phim thiếu đầu tư vào khâu kịch bản. Lẽ ra, phim có thể tốt hơn khi lần lượt bối cảnh, âm thanh cho đến ý tưởng ban đầu vốn dĩ không tệ.


Theo Zing 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/thang-may-phim-kinh-di-viet-rap-khuon-va-phi-ly-post1148114.html?fbclid=IwAR1qFw9AbvNyfWo-cvnQxOw21FcC3PDpvx-C1kNJKkLaMRztcuAXYiYVsuI

phim kinh dị


Cảnh phim vô duyên của Thúy Diễm
Vào vai tiểu thư Mỹ Đình nhiệt tình vì bạn, Thúy Diễm gây tranh cãi với hình tượng ồn ào, xốc nổi trong "Trạm cứu hộ trái tim". Bên cạnh đó, cô còn bị đánh giá là kém duyên trong mối quan hệ giữa Nam và bạn gái.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.