EVN "khoe" trồng bù rừng mất do thủy điện

EVN trồng bù 9.660 héc ta rừng và đã nộp khoảng 1.150 tỉ đồng phí dịch vụ môi trường rừng trong năm 2013.

EVN trồng bù 9.660 héc ta rừng và đã nộp khoảng 1.150 tỉ đồng phí dịch vụ môi trường rừng trong năm 2013.

Trước đó, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp từng khẳng định, chưa có một đồng tiền nào của chủ dự án làm thủy điện được gửi về Quỹ, đại diện Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) lại khẳng định hầu hết các địa phương có các dự án thủy điện lớn, đều thu được hàng trăm tỉ đồng từ các dự án thủy điện nhưng cũng cho biết rằng, quỹ vẫn chưa nhận được một đồng tiền nào từ các chủ đầu tư để trồng hoàn rừng cũng như con số 300 tỉ từ EVN và các doanh nghiệp thủy điện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

EVN trồng bù 9.660/51.000 héc ta

Thông tin TBKSTG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho biết, hiện EVN đang phải trồng rừng bù tại các dự án thủy điện Sông Hinh, Quảng Trị, A Vương, Sông Ba Hạ, Sông Bung 4, Bản Vẽ, Sông Tranh 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 ...

Tổng diện tích rừng mà EVN phải trồng bù cho các dự án thủy điện do EVN làm chủ đầu tư là khoảng 9.660 héc ta.

Trong khi, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến nay cả nước có gần 51.000 héc ta đất rừng được chuyển đổi sang làm thủy điện.

EVN cho biết, riêng tại thủy điện Sơn La tổng diện tích rừng cần trồng bù là 300 héc ta, hiện EVN đang trồng những cây như phượng hoàng lửa hoặc keo tai tượng.

Nhiều diện tích rừng ở khu vực hồ thủy điện Buôn Tua Srah (tỉnh Đắk Lắk) đã bị phá tan nát Ảnh: NLĐ
Nhiều diện tích rừng ở khu vực hồ thủy điện Buôn Tua Srah (tỉnh Đắk Lắk) đã bị phá tan nát Ảnh: NLĐ

Ngoài việc trồng bù diện tích rừng đã mất, EVN cho biết căn cứ vào sản lượng điện mà đơn vị này khai thác, trong năm 2013 EVN đã nộp khoảng 1.150 tỉ đồng phí dịch vụ môi trường rừng và năm 2014 dự kiến sẽ nộp 1.192 tỉ đồng phí dịch vụ môi trường rừng.

Bên lề một diễn đàn về “Doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất nhập khẩu gỗ năm 2013” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tháng 3-2013 tại TPHCM, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các chủ đầu tư công trình thủy điện chỉ mới trồng trả lại hơn 700 héc ta rừng trong tổng số hơn 20.000 héc ta rừng bị "xóa sổ" vì thủy điện.

EVN, Công thương, Nông nghiệp trái quan điểm

Liên quan đến việc trồng bù diện tích rừng bị phá làm thủy điện và số tiền đền bù gửi vào Quỹ phát triển rừng, trước đó nhiều khẳng định vênh nhau giữa EVN, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cụ thể, ông Phạm Hồng Lượng, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định: "Cho tới nay chưa có một đồng tiền nào của chủ dự án làm thủy điện được gửi về Quỹ”. Nguyên nhân là vì chưa có một cơ chế, chế tài nào quy định việc xử  lý, ép buộc doanh nghiệp, chủ đầu tư phải nộp tiền, số tiền cụ thể là bao nhiêu nên mới có hiện tượng có quỹ phát triển rừng mà rừng vẫn mất.

Lý giải việc không chủ đầu tư nào muốn bỏ tiền ra nộp để trồng rừng, ông Lượng cho rằng: Một là việc phê duyệt dự án thủy điện tại địa phương có nhiều bất cập; hai là các chủ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện không thực sự quan tâm tới việc trồng hoàn rừng.

Trái ngược hoàn toàn với Bộ NN&PTNT, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng khẳng định: "Trong năm 2012, hầu hết các địa phương có các dự án thủy điện lớn, đều thu được hàng trăm tỉ đồng từ các dự án thủy điện. Những địa phương có thủy điện vừa và nhỏ như Sơn La, các tỉnh miền núi phía Bắc cũng thu được hàng chục tỉ đồng. Số tiền này đều nộp về quỹ phát triển rừng".

Ông Phong còn nhấn mạnh, toàn bộ số tiền đó đều đã được chi trả cho người dân để trồng lại rừng. Chỉ một số ít chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính xin nợ đọng. 

"Việc tại sao 20.000 héc ta rừng chuyển đổi lại chỉ trồng được 1.000 hec ta rừng là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Làm thế nào để tiền về quỹ là trách nhiệm của Bộ NN. Tại sao lại đẩy sang Bộ Công thương?", ông Phong đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, khẳng định lại lần nữa, ông Lượng cho biết, tới nay quỹ vẫn chưa nhận được một đồng tiền nào từ các chủ đầu tư để trồng hoàn rừng cũng như con số 300 tỉ từ EVN và các doanh nghiệp thủy điện chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, mặc dù trách nhiệm trồng rừng thay thế là bắt buộc đối với các dự án thủy điện, nhưng trong nhiều năm qua, hầu hết các chủ đầu tư đều trốn tránh trách nhiệm, thậm chí không nộp phí dịch vụ môi trường rừng mà không ai bị truy cứu trách nhiệm. Nguyên nhân là bởi Nghị định 23 về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng được ban hành từ tháng 3/2006 nhưng hơn 7 năm mới có Thông tư hướng dẫn.

Viện Quản lý rừng bền vững còn đặt ra một vấn đề lớn hơn, đó là một phần đáng kể rừng bị phá phục vụ thủy điện là rừng tự nhiên có giá trị lớn về lâm sản và sinh thái. Tuy nhiên, pháp luật chỉ quy định thủy điện lấy mất bao nhiêu diện tích rừng thì phải trồng lại bấy nhiêu. Còn giá trị những diện tích rừng bị thu hồi này thì chưa có văn bản pháp luật nào quy định. Ngay cả Thông tư số 24 vừa được ban hành tháng 5 vừa qua cũng không quy định vấn đề này.

Theo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.