Mệt vì con quá bám mẹ

Cu Tý (22 tháng tuổi) rất dễ thương nhưng cả bà ngoại cũng khó chơi được với bé quá 15 phút. Bé bám riết lấy mẹ, ai dỗ dành đưa đi chơi, bé cũng khóc, lắc đầu không theo.

Hương (mẹ cu Tý) do làm may tại nhà nên thường chăm sóc con 24/24. Những lúc mẹ quét nhà, bé loanh quanh theo chân mẹ, thò tay cả vào đống rác bẩn. Mẹ đi chợ, bé cũng khóc đòi theo nhưng đi bộ được một chút thì muốn được bế.

“Để cháu chơi với mấy bạn hàng xóm thì vừa chơi vừa ngó mẹ. Tôi chỉ đi ra cửa là bé đã khóc váng lên, đứng dậy, chạy theo” – Hương kể. Chính vì hai mẹ con quấn quýt nhau suốt ngày nên cu Tý khá bám mẹ. Bố hay bà ngoại chỉ chơi với bé được một lúc là bé lại khóc đòi mẹ.

Cùng cảnh ngộ với Hương, cu Bon (Hưng Yên) đã được 2 tuổi nhưng không theo ai, ngoài mẹ. Linh (mẹ cu Bon) là giáo viên tiểu học nên ngoài giờ lên lớp (buổi sáng hoặc buổi chiều) thì thời gian còn lại trong ngày, cô dành để chăm sóc con trai.

Linh kể: “Hễ tôi đi dạy về là bé quấn lấy mẹ. Bé có một người anh họ, 4 tuổi, ở chung nhưng bé ít thích chơi với anh. Bé cũng không vui đùa nhiều với bố hay bà nội mà chỉ loanh quanh với mẹ”.

Nếu đưa con đi ăn cỗ, Linh hầu như không thể yên tâm ăn uống vì vừa cho con ăn, vừa trông chừng con. Nhưng nếu để con ở nhà thì chỉ nửa giờ đồng hồ sau, cô đã nhận được điện thoại của bà nội, báo con khóc đòi mẹ, bà dỗ cách nào cũng không được.

Bám mẹ quá, bé khó tự lập

Nguyên nhân bám mẹ ở bé phần lớn do điều kiện gia đình (mẹ có nhiều thời gian ở nhà), cách chăm sóc của mẹ. Ngoài ra, nhóm bé được nuông chiều, bao bọc thái quá, ít có cơ hội vui chơi, tiếp xúc; bản tính trầm, chậm, rụt rè cũng có xu hướng bám mẹ.

Các chuyên gia tâm lý cho biết, thói quen bám mẹ ở các bé là quá trình phát triển tâm lý bình thường. Nhưng một số trường hợp (như hai bé trên), bám mẹ trở nên thái quá sẽ khiến bé thiếu tự tin, khả năng hòa nhập yếu nên cũng không tốt cho bé. Khi đó, bé sẽ thiếu tính tự lập, không biết tự sắp xếp cuộc sống nên dần dần sẽ nảy sinh tâm lý thụ động, ỷ lại.

Thay vì quấn quýt với bé, người mẹ cần tạo cho con khoảng trống để hòa nhập xã hội. Ban đầu, sẽ rất khó cho cả mẹ và bé khi phải “tách” nhau; vì thế, người mẹ cần sử dụng biện pháp “cai” bé từ từ. Tránh đột ngột quá khiến cho bé hụt hẫng, thất vọng hay hoảng loạn.

Từ hai tuổi trở đi, bé có thể tự tham gia vui chơi cùng một nhóm bạn, vừa là học nói, vừa là hình thành khả năng thích nghi xã hội. Không nên sợ con khóc, lo con bị bạn bắt nạt mà “cách ly” bé với bạn chơi. Hãy để cho bé hòa đồng bằng cách đưa bé đến nơi có nhiều bé cùng tuổi khác. Cũng có thể mời những bé hàng xóm đến nhà chơi, mỗi bé cầm một món đồ chơi. Thông qua đó, cha mẹ có thể dạy cho bé cách chia sẻ và hòa đồng.

Đơn giản hơn, có thể đưa cho bé một ít kẹo (bánh) và đề nghị: “Con mang kẹo mời bạn Bông đi”. Lúc đầu, bé tỏ ra rụt rè nhưng các bé sẽ hòa nhập khá nhanh. Khi các bé đã quen với nhau, mẹ sẽ có thời gian làm việc khác.

Nếu bé bị ngã, bị bạn chơi đánh (cấu, cắn), cha mẹ cũng không nên hoảng sợ. Khoảng 2 tuổi, bé bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh và biết cách thể hiện tình cảm. Khi bị ngã, bé có thể khóc thét lên, chạy đến mẹ hoặc cứ nằm im như thế, chờ mẹ đến nâng dậy; khi bị bạn chơi cắn, bé sợ hãi, không dám chơi tiếp hoặc kéo tóc lại người bạn “xấu” kia. Cha mẹ cần hướng nhận thức của bé về bản thân, về thế giới xung quanh, về cách ứng xử nào là phù hợp, cách nào không phù hợp. Tuy nhiên, dù có sự cố nào xảy đến, cũng không nên cấm đoán con vui chơi.

Cuối cùng, cha mẹ cũng cần kiểm tra xem bé có trục trặc về tâm lý không. Nếu bé bám mẹ quá mức, quấy khóc hoặc hoảng loạn khi vui chơi, có thể bé đang gặp rắc rối về thần kinh. Khi đó, bé cần được đưa đi khám để có biện pháp can thiệp thích hợp.

Theo Ngọc Bình



Cách nấu súp gà ngô bổ dưỡng, đơn giản tại nhà
Súp gà ngô là món ăn yêu thích của nhiều gia đình. Nguyên liệu và cách nấu súp gà ngô cũng không quá phức tạp. Cùng VietNamNet tìm hiểu cách nấu súp gà ngô bổ dưỡng, đơn giản tại nhà nhé.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.