Tính "tốt" của mẹ chồng khiến tôi không ít phen "ngượng chín mặt"

Mẹ chồng tôi là người biết ăn ở và rất chiều các con các cháu nên mọi việc trong gia đình cũng êm thấm. Duy chỉ có một tính cách của bà làm tôi lắm phen khó xử.

Tôi may mắn lấy được chồng hợp tuổi hợp tính nên gia đình hòa thuận. Mẹ chồng tôi cũng là người biết ăn ở và rất chiều các con các cháu nên dù sống chung, mọi việc trong gia đình cũng rất êm thấm. Duy chỉ có một tính cách của bà làm tôi lắm phen cực kỳ khó xử.

>>Chê con dâu vụng, mẹ chồng thấy ngại ngùng sau khi biết sự thật

Mẹ chồng tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động, nhiều anh em lại vào thời đất nước khó khăn. Vì thế, bà có tính chắt chiu tiết kiệm. Bà ít mua sắm cho bản thân cái quần, cái áo nhưng lại để dành tiền, dấm dúi cho con cho cháu lúc gặp vận khó khăn hoặc mua quà sinh nhật, hay đồng quà tấm bánh, đồ dùng học tập cho các cháu. Chuyện đức hy sinh của bà, phận làm con như chúng tôi chẳng dám bàn. Nhưng lạ nhất là dù đã lên thành phố ở với các con nhiều năm, bà vẫn giữ thói quen quá tiết kiệm mà không bỏ đồ cũ, đồ hỏng đi.

Sinh ra trong thời khó khăn, mẹ chồng tôi có tính chắt chiu tiết kiệm. Ảnh minh họa.

Bà có mấy đôi tất giấy thường đi mùa đông. Dù là loại tất giấy dày dặn hơn những kiểu thanh niên thường đi, nhưng đi cũng chẳng mấy mà bị rách. Tất giấy cũng không đắt, nhưng bà không bỏ đi, ngày nào cũng ra chợ với mấy đôi tất rách, thò cả ngón chân ra ngoài. Tôi hỏi: “mẹ còn nhiều tất mới sao lại không đi, đôi này rách rồi, mà tất giấy cũng chẳng khâu vào được, mẹ nên bỏ nó đi” thì bà bảo cứ mặc kệ bà người ta cười bà chứ có cười tôi đâu mà lo.

Có lần, thấy đôi dép của bà đi lâu bị đứt quai, tôi mua cho bà đôi dép mới. Thế nhưng bà nhất quyết không đi với lí do là dán vào rồi cũng đi tiếp được. Cố ý không giúp bà dán lại, tôi nghĩ bà sẽ buộc phải đi đôi dép mới. Thế mà không nhờ được tôi, bà tự mày mò chắp chắp nối nối rồi nó cũng dính lại. Hôm đó, bà đi chơi sang nhà họ hàng, đi được nửa đường thì dép đứt hẳn. Và cứ thế phải đi cà nhắc, cà nhắc về đến nhà.

Vẫn chuyện giày dép, mẹ chồng tôi có đôi giày mua cũng ưng ý (bà chỉ thích mua đồ ở chợ vì giá rẻ, mà mẫu mã cũng bắt mắt). Đi được một thời gian đôi giày đã sờn và bong tróc nhiều chỗ. Nhìn thấy thế, chồng tôi mua cho bà một đôi mới rất bền, đẹp nhưng bà cũng cất đấy không đi. Hôm về quê, bà lại đi đôi giầy cũ. Quần áo đầu tóc gọn gàng, nhưng đập vào mắt mọi người đôi giày sờn. Ai gặp cũng bảo: “sao ở thủ đô về mà đi đôi giày như thế? Con cái nó không cho tiền mua giày mới à?”. Tôi ngại quá, lại phải mất công giải thích với bà con.


Quần áo mua thì nhiều, nhưng mẹ chồng tôi chỉ cất đi, rất ít hoặc thậm chí không chịu mặc.

Rồi đến chuyện quần áo, các con cái cũng sắm cho bà nhiều đồ. Biết bà không chịu mua, nên cứ dịp lễ tết, hay có dịp rảnh rỗi chúng tôi đều đi may hoặc mua quần áo cho bà. Bà cũng không chịu mặc. Nhiều chuyến cả nhà đi chơi xa đâu đấy, chụp mấy cái ảnh cho họ hàng xem. Mọi người lại bảo “sao lần nào đi đâu cũng chỉ mặc mấy cái này, ngày thường mặc vậy, đi chơi cũng thế. Bà không có đồ gì khác à?” khiến tôi thấy rất khó xử.

Một lần khác, bà khiến con dâu như tôi phải đứng hình. Nhà tôi vốn hay có anh em bạn bè tới chơi rồi ở lại ăn cơm. Hôm ấy, đang ăn cơm chuyện trò vui vẻ, tự dưng có người hỏi: “nhà em có cái muôi cơm lạ nhỉ?”. Giật mình nhớ ra là cái muôi nhựa xới cơm mẹ chồng tôi trót lấy để rang cơm, bị nóng nên mòn vẹt mất một nửa. Tôi nhớ chắc chắn đã mua thêm 2 cái muôi mới hôm đi siêu thị. Thế nhưng, bà cất đi đâu hết, đến khi khách đến nhà chơi lại vẫn chưng ra cái muôi mòn vẹt khiến tôi bị hỏi bất ngờ đến đỏ cả mặt.

Tôi không dám tự ý vứt đồ gì của bà đi, vì có lần cô em họ của tôi trong lúc rửa bát trót vứt con dao chuôi đi đằng chuôi, lưỡi đi đằng lưỡi, mà lưỡi dao cũng nham nhở của bà, thế mà bà bị trách móc đến hơn năm trời. Biết vậy, mỗi khi nhìn thấy những đồ hư, hỏng của bà hoặc trong gia đình, tôi chỉ dám “nhấm nháy” với chồng để vứt đi. Đến lúc bà phát hiện thì chuyện đã rồi. Bởi bà vốn thương con trai, nên bà chỉ mắng mấy câu rồi thôi chứ không gay gắt như những người khác. Nhưng cũng có lần, bà biết tôi “chỉ điểm” mà làm mất đồ của bà, bà cũng mắng và vẫn nhắc lại chuyện cũ khiến bà không hài lòng.


Tôi không biết làm cách nào để vừa lòng mẹ, ma lại không gây khó xử cho mình. Ảnh minh họa.

Chúng tôi không phải gia đình dư dả để tiêu xài hoang phí. Tôi thay cái cần thay, mua cái cần mua, những thứ tối thiểu như mọi người bình thường. Bản thân tôi cũng dạy con là cần tiết kiệm, những gì không dùng thì không được lãng phí. Tôi luôn nghĩ, tiết kiệm cho con cháu là điều rất tốt nhưng đến mức như mẹ chồng tôi, thì thực tình tôi cũng không biết làm cách nào nữa.

Độc giả T.T /Theo Vietnamnet


mẹ chồng nàng dâu

mẹ chồng

tiết kiệm

ứng xử trong gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.