Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn "muốn có tên trên cõi đời này"...

"Chúng ta sống và tồn tại bên cạnh giấc mơ, hoài bão của tuổi trẻ, còn có một thứ nữa gọi là trách nhiệm và sự thực tế".

"Chúng ta sống và tồn tại bên cạnh giấc mơ, hoài bão của tuổi trẻ, còn có một thứ nữa gọi là trách nhiệm và sự thực tế".

Được đăng tải trên trang cá nhân của Trang Hà Trang, dòng suy ngẫm về cuộc sống, ước mơ và thực tế của cô nhanh chóng tiếp nhận rất nhiều sự đồng cảm và ủng hộ của cư dân mạng.

Không ngẫu nhiên mà những dòng tâm sự này lan truyền mạnh mẽ đến vậy, bởi đó cũng là trăn trở, là băn khoăn chung của những người trẻ - thế hệ đang đứng giữa ngã ba đường của sự chọn lựa.

Khi người trẻ mức tự huyễn hoặc bản thân bởi những slogan rất…cũ

Em tốt nghiệp loại giỏi của một trường đại học danh tiếng của Việt Nam. Em đi làm được một tháng. Em về nhà, ném cái cặp toẹt xuống đất, nằm ra ghế sofa, cau có với mẹ em:

- Con không đi làm nữa đâu. Chán lắm.

- Tại sao?

- Con học mấy năm đại học loại giỏi ra không phải để đứng photo và sai vặt.

Chị hỏi:

- Vậy em muốn làm cái gì?

- Một cái gì đó phù hợp năng lực và chất xám của em.

- Lên vũ trụ à? Hay chế bom hạt nhân?

- Em không biết.

Bạn cũng tốt nghiệp loại ưu, bạn bỏ việc sau một năm với lý do rất đơn giản: Muốn có Tên trên cõi đời này.

Bạn say sưa đọc tiểu sử của Howard Schultz rồi lại Kenny Troutt - những nhân vật điển hình của việc đi lên từ hai bàn tay trắng, rồi lại đọc sách dạy làm giàu…Cứ thế sau ba năm rời khỏi công sở, bạn vẫn loay hoay tạo dựng thương hiệu cho mình, loay hoay trong mớ ước mơ hoài bão của mình.

Sáng bạn vẫn dậy uống café. Trưa bạn vẫn đi lang thang vật vờ tìm kiếm ý tưởng. Tối bạn lại nhậu với mấy người cũng "đầy hoài bão" như bạn. Và gặp bạn luôn luôn trực câu cửa miệng: "Cuộc đời chẳng ra đâu vào đâu cả".

Chúng ta đọc hàng trăm câu chuyện mỗi ngày trên mạng đến mức tự huyễn hoặc bản thân, bởi những slogan rất…cũ: Xách ba lô lên và...đi, Hãy đi theo giấc mơ của bạn, Vất bỏ sự nhàm chán ngại gì mạo hiểm, Đừng hèn nhát trong 2 từ "ổn định" - tuổi trẻ mà, Chúng ta trẻ - chúng ta có quyền…

Nhiều người trẻ bị "nhồi" vào đầu thứ lý tưởng này và họ nghĩ họ giỏi, họ có tài, họ sinh nhầm thời, lẽ ra họ phải được đặt ở đây, ở đây ở đây... vị trí X, chức vụ Y, sự nghiệp Z…

Tại sao họ lại phải ngồi đây? Tại sao họ lại phải làm những công việc tầm thường này khi họ có vô số bằng cấp loại giỏi? Trình độ được đánh giá cao ở các trường đại học trong nước?

Tại sao mình vất vả thế? Tại sao công việc lại nhàm chán thế này?

Tôi nhớ cách đây nhiều năm về trước, khi những trận bóng nảy lửa ở sân Hàng Đẫy được nhuộm đỏ một góc khán đài bởi CĐV thành phố X với màu áo, màu mũ, còi và miếng phao đập.

Tôi đã rất ngạc nhiên khi tại sao với số lượng lớn đến hàng nghìn người mà đều có thể đồng phục được như thế? Khi tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn mới biết, mọi thứ để CĐV mặc, dùng, thậm chí là cả cái còi đều do chú Chủ tịch CLB cẩn thận chọn và duyệt.

Năm ấy, khi tôi còn cương vị là một người công tác trong lĩnh vực báo chí, tôi có cơ hội tiếp xúc và làm việc với chú. Tôi đã rất ngạc nhiên khi chú pha trà rót nước mời tôi, ngạc nhiên nữa là tự tay chú cầm bộ tách chén bẩn trên bàn ở phòng mình để rửa.

Khi hai chú cháu ngồi yên vị, tôi hỏi một câu cũ rích đầy công thức:

- Thưa chú, bí quyết thành công của chú là gì ạ?

Tay khum khum đổ vốc trà Thái Nguyên vào ấm để hãm. Chú cười tươi:

- Chú chẳng có bí quyết gì cả, chỉ đơn giản là đặt tâm huyết của mình vào công việc mình làm.

- Tâm huyết?

- Đúng rồi. Người mà tâm huyết thì sẽ thành công mà tâm huyết mà người để ý tiểu tiết. Không ngại việc nhỏ và không nề hà những thứ vụn vặt.

Mãi sau này tôi mới hiểu câu "người thành công là một người tâm huyết, mà người tâm huyết là người không ngại tiểu tiết".

Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn muốn có tên trên cõi đời này... - Ảnh 1.

Khi tôi già hơn, chuyển đổi một số công việc, đa số những công việc tôi không hề thích. Đã nhiều lần tôi muốn bỏ tất cả để đi xây dựng ước mơ hoài bão như bao bạn trẻ ngoài kia, nhưng vì gia đình, vì thầy u, bao lần tôi lại suy nghĩ lại.

Một hôm, vào ngày mưa bão, tôi "bị" điều đi làm một số việc (khi tôi đang cảm cúm). Lúc ấy tôi đã nghĩ:

- Tại sao mình vất vả thế?

- Tại sao công việc lại nhàm chán thế này?

- Mình có thể làm công việc khác cơ mà?

- Mình có trình độ cơ mà

- Mình có mối quan hệ cơ mà...

Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn muốn có tên trên cõi đời này... - Ảnh 2.

Tôi đặt ra hàng tỷ câu hỏi trong đầu. Hôm ấy "máu" lắm, quyết tâm viết đơn xin nghỉ việc. Tôi lấy hết can đảm lên phòng sếp đưa đơn. Sếp nhìn tôi cười:

- Cháu suy nghĩ kỹ chưa?

- Kỹ lắm rồi ạ. Cháu mất ngủ nhiều đêm để suy nghĩ và cháu thấy cháu không phù hợp với công việc hiện tại.

- Cháu định làm gì sau khi nghỉ việc?

- Cháu chưa biết, cứ nghỉ đã. Và cháu sẽ đi tìm một số công việc mới thích hợp với cháu hơn.

Chú cười tươi đưa lại lá đơn xin việc cho tôi và nhẹ nhàng:

- Nếu cháu trả lời câu đó, cứ cầm đơn về đi. Tháng sau chú duyệt chưa muộn

Chiều hôm sau chú gọi tôi lên phòng làm việc. Sếp giao cho tôi vài nhiệm vụ mới không trong thành phố và đi xa khoảng 7 ngày. Sếp nói với tôi:

- Khi còn trẻ, chú rất muốn trở thành một kỹ sư dầu khí đào tạo ở Nga. Chú chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ làm công việc hiện tại. Nhưng lúc ấy vì nhiều điều kiện bất khả kháng mà chú không thực hiện được giấc mơ đó.

Khi chú đi làm, chú đã rất buồn bực vì còn trẻ, lại muốn bay nhảy, chú đã bị căng thẳng một thời gian dài. Nhưng chú đã học ra được một điều đó là: Nếu không thể thay đổi được hiện tại hãy tập "yêu thích" nó, nếu không "yêu thích" được thì tập "sống chung" với nó.

Không có môi trường nào hoàn hảo, chỉ có con người tạo ra môi trường làm việc hoàn hảo.

Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn muốn có tên trên cõi đời này... - Ảnh 3.

Tôi im lặng, chú lại tiếp:

- Nếu cháu không thể thay đổi được mọi thứ, nếu cháu còn nặng lòng với cha mẹ thì hãy "tập yêu" hiện tại. Nếu cháu vẫn trả lời câu "cháu chưa biết sẽ làm gì, cứ nghỉ đã" thì chú nghĩ để thời gian sau cháu đưa đơn chưa muộn.

Sau câu chuyện đó, tôi đã biết tự cân bằng bản thân và tập yêu những công việc mình làm. Trải qua nhiều môi trường, nhiều nơi, nhiều vùng, tôi rút ra kết luận đúng như chú nói: Không có môi trường làm việc hoàn hảo, chỉ có con người tạo nên không gian làm việc hoàn hảo.

Trả lời 5 câu hỏi, để biết rằng chúng ta nên hay không nên theo đuổi ước mơ

Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn muốn có tên trên cõi đời này... - Ảnh 4.

Quay trở lại đề tài của nhiều bạn trẻ: "Tại sao bằng cấp tôi nhiều thế này mà bắt tôi phô tô cóp pi hay đổ rác?"

Thầy tôi, vị lãnh tụ vĩ đại sản sinh ra những thuyết dạy dỗ tôi, cũng thân sinh ra tôi lúc 25 tuổi đã ném cái chổi vào góc đơn vị và giận dỗi cả thế giới như sau:

- Sao tôi được đào tạo ở Trung Quốc về chỉ để quét lá cây ở sân thế này? Sau đó thầy tôi "trốn doanh trại" bỏ về nhà với bố mẹ.

Ông nội tôi (lúc ấy còn sống) là một nhà buôn có tiếng thành công ở một vùng quê đã đáp cái "chuyên" xuống đất vỡ tan tành và gào ầm ĩ lên:

- Mày có biết tại sao tao lại có đất, có ruộng, có trâu, có tiếng nói nhất cái xã này không? Vì khi còn trẻ, tao có thể tay không hốt cứt trâu còn lũ trai làng mải mê nghe hát đào, mải mê ra sông vè đối với gái làng đi giặt đồ đấy. Bây giờ chúng nó đều làm thuê cho tao đấy. Việc nhỏ không chịu làm đòi làm việc lớn.

Sau đó bố tôi lại cặm cụi cơm nắm muối vừng về doanh trại. Sau nhiều năm cố gắng phấn đấu, có chỗ đứng và có tiếng nói. Cho đến ngày ông mất, cháu chắt trong gia đình dù đi làm công việc gì cũng không nề hà. Vì chúng tôi đều biết, mọi việc lớn đều gây dựng từ những công việc nhỏ.

Có nhiều bạn trẻ ghét công việc hiện tại, thứ gọi là "ổn định", cái điều mà các cụ mơ ước.

Tấm "vé" quyền lực oai cùng cực ở quê, nó được gọi bằng 2 từ Sổ hưu. Và khi nói chuyện hỏi han nhau bằng cụm từ "nó biên chế chưa?"

Tôi biết nhiều bạn trẻ không hề thích những khái niệm mang tính chất "ổn định" đó. Họ bị vật lộn với suy nghĩ: Có nên chạy theo ước mơ của mình?

Không đơn thuần mà các cụ lại muốn con cái mình gói vào 2 chữ "ổn định" với tình hình kinh tế khó khăn như bây giờ, khi những người làm kinh doanh, doanh nghiệp thậm chí buôn thúng bán mẹt vô cùng khó khăn.

Nhiều bạn trẻ đã từ bỏ mọi thứ và chạy theo giấc mơ, số thành công thì tôi gặp rất rất rất ít, đa số là thất bại, bấp bênh, chán nản và ...lạc lối.

Đi theo hoài bão là điều đáng hoan nghênh nhất, nếu bạn (tự tin) mình thực sự có tài. Nhưng nếu bạn còn "chưa biết sẽ làm gì, cứ bỏ đã" thì tôi khuyên chân thành không nên.

Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn muốn có tên trên cõi đời này... - Ảnh 5.

Chúng ta sống và tồn tại bên cạnh giấc mơ, hoài bão của tuổi trẻ, còn có một thứ nữa gọi là trách nhiệm và sự thực tế. Nếu bạn còn đang lăn tăn về chuyện muốn bỏ việc hay không, hãy trả lời 5 câu hỏi sau đây?

Xác định giấc mơ bạn muốn trở thành gì?

Bạn có thể sống ổn định (không hề nhờ đến lương hay gia đình) trong vòng hai năm chứ?

Bạn đã có kế hoạch cụ thể cho những dự án cho riêng mình chưa?

Bạn chắc chắn mình không hề ân hận khi gửi đơn thôi việc chứ?

Bạn đã có một khoản vốn riêng để "xách ba lô lên và đi" chưa?

Nếu bạn có hết những câu trả lời này, xin chúc mừng. Tôi không ý kiến gì cả, hãy bỏ quần áo vào va li và đặt vé đi thôi.

Bạn tốt nghiệp loại ưu, bạn muốn có tên trên cõi đời này... - Ảnh 6.

Hoài bão và cuộc sống là hai phạm trù khác nhau. Bất cứ ai trong chúng ta đều đã từng một lần muốn ném hết mọi thứ và trốn đi. Nhưng khi bị "thực tế" ném cho cái dép vào mặt và lại cân bằng được, chúng ta sẽ học ra nhiều điều mà "ước mơ" không dạy ta.

Theo Thế giới trẻ




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.