Mua quà nhờ cô trao cho con để chụp ảnh khoe trên... mạng xã hội?

Có những bậc cha mẹ, vì muốn oai mà mua cả quà, cả phần thưởng để năn nỉ xin thầy cô...trao giúp cho con em mình.

Đánh giá xếp loại theo TT30, việc khen thưởng cũng có nhiều thay đổi, những học sinh được khen phải đạt thành tích nổi bật, có tiến bộ trong nội dung đánh giá.

LTS: Nếu không phải là lời của người trong cuộc, chúng ta khó có thể tin được rằng có những bậc cha mẹ, vì muốn oai mà mua cả quà, cả phần thưởng để năn nỉ xin thầy cô...trao giúp cho con em mình.

Bài viết này của cô giáo Phan Tuyết đã chỉ rõ việc ấy. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Vài năm về trước, để xét học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến cấp tiểu học, giáo viên chỉ cần căn cứ vào con điểm kiểm tra định kì của các em học sinh.

Vì vậy, số lượng học sinh được khen trong một lớp thường ở con số cao ngất ngưởng, một số trường ở nhiều nơi, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến gần chạm mốc 100%.

Năm học này, đánh giá xếp loại theo Thông tư 30, việc khen thưởng cũng có nhiều thay đổi. Điểm kiểm tra định kì cuối năm không còn là căn cứ để xét chọn.

Những học sinh được khen phải “Đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá…” (Học tập, năng lực và phẩm chất).

Vì thế, số lượng học sinh được khen ở các trường cũng có nhiều biến động. Có trường chỉ xét 5-6 em, trường nhiều cũng chỉ hơn chục em là cùng.

Nhiều phụ huynh xưa nay vẫn thường hay khoe con: cháu năm nào cũng đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của lớp…Nay bỗng dưng các bé không còn được nhận danh hiệu đó nữa, cũng có nhiều người thấy buồn, thấy sốc và cảm thấy chông chênh.

Nhiều phụ huynh tâm tư: “Muốn con có được tấm giấy khen để nở mày nở mặt với mọi người”.

Hay có người “để về cơ quan, khu phố, hội khuyến học nhận thưởng” nên sau khi con mình không được xét khen thưởng đã giở bài “năn nỉ”, “mua chuộc” hay nhờ các mối quan hệ khác tác động thầy cô để xin cho con được tờ giấy khen nhưng không được.

Một số khác lại có nhã ý mua phần thưởng mang đến nhờ thầy cô trao dùm cho các con: “Để khuyến khích động viên các em tiếp tục cố gắng”.

Có giáo viên cương quyết không chịu nhưng cũng có người vì cả nể nên cũng đồng ý.

Thế là, ngoài một số học sinh được nhận giấy khen, quà của nhà trường thì một số học sinh còn lại cũng được thầy cô trao phần thưởng trong lớp đó là những phần thưởng do chính tay ba mẹ các em chuẩn bị.

Rồi phần thưởng được cô thầy trao, các mẹ tranh nhau chụp hình đưa lên mạng xã hội để tung hô con yêu đang nhận phần thưởng…

Việc ba mẹ nhờ thầy cô trao phần thưởng cho các em không được xét khen thưởng ở trường, có điều gì đó làm cho việc nhận thưởng của những học sinh xuất sắc khác bỗng trở nên bình thường và mất dần đi ý nghĩa.

Chính phụ huynh đang mắc căn bệnh hình thức, hội chứng khoe con, tung hô quá đáng những giá trị thật. Vô tình người lớn tạo cho con trẻ những suy nghĩ tự mãn, tự bằng lòng với kết quả hiện tại của mình mà không cần phấn đấu, vươn lên gì cả.

Theo Phan Tuyết/GDVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.