Năn nỉ để con được là... học sinh giỏi

Cứ vào độ cuối năm học, lúc chuẩn bị tổng kết điểm, xét hạnh kiểm và học lực cho học sinh, giáo viên làm công tác chủ nhiệm như tôi thường gặp những trường hợp khó xử.

Cứ vào độ cuối năm học, lúc chuẩn bị tổng kết điểm, xét hạnh kiểm và học lực cho học sinh, giáo viên làm công tác chủ nhiệm như tôi thường gặp những trường hợp khó xử.

Các cuộc điện thoại tới tấp, hẹn gặp đột xuất của cả học sinh lẫn phụ huynh để “xin điểm”. Mặc dù, cả năm học, hiếm khi thấy những vị phụ huynh ấy hỏi han đến tình hình học tập của con mình.

Học sinh thì nước mắt lưng tròng, mong cô sửa điểm vì sợ bố mẹ mắng. Dù nhiều lần, tôi bảo với các em, điểm số chỉ có thể đánh giá được một phần năng lực và danh hiệu không có ý nghĩa gì nếu không có kiến thức thực sự.

Cách đây nhiều năm, một cậu học trò tìm đến nhà tôi xin thêm điểm để đạt học sinh giỏi. Tôi hỏi: “Sao em lại cần danh hiệu đó đến thế?”. Cậu trả lời thẳng thắn rằng: “Đối với em, được học sinh giỏi hay trung bình cũng như nhau, nhưng mẹ em thì khác, mẹ sẽ xấu hổ mà không sống nổi”.

Tôi nghĩ em nói thật, bởi chính phụ huynh đã đạt áp lực lên vai con mình, bắt buộc con phải giỏi giang như “con nhà người ta” để giữ thể diện cho bố mẹ.

Có trường hợp, phụ huynh gọi điện để xin cho con giấy khen học sinh giỏi, trong khi cháu học mức trung bình. Hỏi ra mới biết, cơ quan phụ huynh đó tổ chức phát thưởng cho con em cán bộ có thành tích học tập cao, yêu cầu nộp giấy khen là được. Như vậy, vô tình, cha mẹ đã tạo tiền đề cho con mắc “bệnh thành tích”.

Nhiều phụ huynh còn la mắng nặng lời, xỉ vả con cái vì không đạt được yêu cầu cao của cha mẹ, khiến các em luôn trong tâm trạng lo lắng. Cuộc họp phụ huynh cuối năm thường là nỗi ám ảnh của các em không đạt được những danh hiệu như mong muốn.

Có lần, kết thúc buổi họp phụ huynh, tôi chứng kiến cảnh một bà mẹ đay nghiến con mình ngay tại bãi giữ xe của trường vì không được học sinh giỏi, cô bé thút thít khóc, cúi gằm mặt trước ánh nhìn của những người xung quanh.

Có vị phụ huynh không giữ nổi bình tĩnh khi nghe kết quả học tập của con, vừa nghe thông báo đã vội chạy ra ngoài gọi điện la mắng con một hồi, không quên câu kết thúc: “Về nhà, mày chết với tao”.

Thiết nghĩ, mong muốn con cái học hành giỏi giang là nguyện vọng của tất cả các bậc làm cha làm mẹ. Nhưng cần phải xem khả năng, tư chất của con mình đạt đến đâu trước khi đề ra những yêu cầu thành tích đối với trẻ.

Đừng tự tạo áp lực quá lớn trên đôi vai bé nhỏ của các em. Càng không nên vì một chút sĩ diện với bạn bè đồng nghiệp, một chút phần thưởng của cơ quan mà vô tình khiến con mình mắc “bệnh thành tích” quá sớm, phải đạt được bằng mọi giá, kể cả… chạy chọt, xin điểm.

Trường hợp phụ huynh đích thân đi “xin điểm” sẽ tạo cho con mình tâm lý ỷ lại, không chịu cố gắng trong học tập. Bởi, các em sẽ mang suy nghĩ “việc gì phải học, cuối năm chỉ cần bố mẹ ra tay thì sẽ có thành tích”.

Và nếu các thầy cô nào “yếu lòng” trước những lời năn nỉ, sẽ tạo ra sự bất công với các học sinh khác.

Tôi biết, một giáo viên cho điểm số học sinh thường cân nhắc rất nhiều; nếu em nào chăm ngoan, nỗ lực học tập, nhưng do sơ ý mà bị điểm thấp thì thầy cô sẽ có điều chỉnh hợp lý.

HÀ LAM (Đông Hà, Quảng Trị)

Theo Phunuonline



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.