9X đã lo đi khám hiếm muộn

Lấy chồng hơn một năm nhưng Hường, 18 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội), vẫn không có con. Vợ chồng cô lo lắng, cuống cuồng đến phòng khám Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để tìm ra nguyên nhân. Đến nơi cô mới biết không ít người cùng độ tuổi mình cũng đã lo chữa vô sinh.

Lấy chồng hơn một năm nhưng Hường, 18 tuổi (ở Mỹ Đức, Hà Nội), vẫn không có con. Vợ chồng cô lo lắng, cuống cuồng đến phòng khám Hiếm muộn - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để tìm ra nguyên nhân. Đến nơi cô mới biết không ít người cùng độ tuổi mình cũng đã lo chữa vô sinh.

Hơn 11 giờ trưa ở phòng khám Hiếm muộn – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vẫn còn vài chục người chờ đến lượt khám. Cô y tá có vẻ bực khi gọi “Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1994” đến 3 lần vẫn không thấy bệnh nhân đâu.

Lúc sau, một cô gái thấp bé, ngăm đen hổn hển chạy lại. Người chồng nãy giờ ngồi cạnh cửa phòng khám mới ra vẻ quát: “Bác sĩ gọi mấy lần rồi, em đi đâu nãy giờ làm bao người phải chờ đợi”.

Hường nghệt mặt ra, rối rít xin lỗi. Cô y tá sợ vợ chồng trẻ cãi vã, liền hướng dẫn sang phòng đối diện đóng tiền rồi đi làm xét nghiệm.

Hai vợ chồng tíu tít dắt nhau đi đóng tiền. Đứng cạnh nhau, Hường chỉ ngang vai chồng, nhỏ như học sinh cấp hai. Anh chồng mặt cũng non búng ra sữa, dù trên khuôn mặt vẫn còn vài vết khâu vẫn chưa lành sẹo.

Trong khi chờ đến lượt mình, Hường xoa xoa đôi bàn tay, trên mặt lộ rõ căng thẳng. Rồi cô chủ động bắt chuyện: “Sợ vào khám chị nhỉ?”.


Không ít phụ nữ thế hệ 9x đã đến các phòng khám hiếm muộn, tìm biện pháp hỗ trợ sinh sản

Đoán Hường đi lần đầu, một chị ngồi cạnh động viên: “Không phải lo lắng quá. Chữa cái bệnh này càng lo lắng, càng hỏng chuyện. Chị đây chữa hơn 7 năm nay, với 2 lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung vẫn chưa có kết quả. Giờ đi xét nghiệm lại, chờ được thụ tinh trong ống nghiệm”.

Nghe nói thế, Hường càng hoảng, cô sợ vấn đề thuộc về mình. Hường cho biết: “Vòng kinh của em thất thường, tháng 30, tháng lại tận 40 ngày mới có. Nghe nói nếu vấn đề nằm ở phụ nữ thì khó chữa hơn phải không? Em chỉ sợ không sinh con được, bị chồng bỏ thì em biết sống thế nào”.

Hường lấy chồng hơn một năm nay. Không như nhiều người khác kế hoạch để làm kinh tế, vợ chồng Hường cứ để tự nhiên. Một tháng, hai tháng rồi hơn một năm qua dù không dùng biện pháp tránh thai nào, Hường vẫn không có em bé. Cô lo lắng, thuyết phục chồng cùng đi làm xét nghiệm. “Biết sớm còn biết đường chữa trị, may ra có con sớm”, cô gái 18 tuổi tự an ủi.

Vợ chồng Hường đều quê ở Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), hiện thuê một căn phòng nhỏ ở khu vực Đê La Thành, gần Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tiện làm việc. Chồng Hường làm ở một xưởng sơn, còn cô là tạp vụ cho một ngân hàng.

Nhà nghèo nên em phải bỏ học từ lớp 9. Chồng cũng như em học hành chẳng tới đâu. Chúng em quen nhau từ nhỏ rồi yêu nhau và lấy nhau. Với điều kiện hiện tại, nếu không thuận đường con cái nữa, chúng em sao có tiền làm thụ tinh ống nghiệm được”, Hường lo lắng.

Hơn Hường một tuổi nhưng Phạm Thị Quỳnh (Đông Anh, Hà Nội) trông chững chạc hơn hẳn vì áp lực sinh con đang đè nặng lên vai cô gái 19 tuổi.

Đầu tiên là phải mua quyển sổ khám bệnh rồi đặt lên bàn, lấy số rồi chờ khám, sau đi đóng tiền và làm các xét nghiệm. Phải làm nhiều xét nghiệm như khám nội tiết, phụ khoa, chụp tử cung…mới tìm ra nguyên nhân. Có người dù đã làm hết các xét nghiệm mà vẫn không thấy vấn đề ở đâu ấy chứ”, Quỳnh hướng dẫn mấy người lần đầu đi khám hiếm muộn hơn cô cả chục tuổi.

Quỳnh đậm người, tóc vuốt cao để lộ ra trán bường bỉnh. Cô kể: “Em lấy chồng được 5 tháng rồi mà chẳng mang thai. Mẹ chồng thúc giục, nhiếc móc em không biết đẻ. Bà bảo năm nay không sinh được sẽ bắt chồng em đi kiếm con chỗ khác. Có lần bà còn mắng chồng em là 'Tao đã bảo mày có chửa trước mới cưới, mày lại không chịu. Giờ thì khốn chưa con'", Quỳnh kể.

Lo lắng, vợ chồng Quỳnh cùng đi xét nghiệm. Sau 3 lần, Quỳnh nhận được kết luận chỉ bị mắc bệnh phụ khoa nhẹ. Riêng chồng cô bị yếu tinh trùng. "Bác sĩ bảo chồng em chỉ cần uống thuốc, kết hợp ăn uống, sinh hoạt điều độ sẽ có con thôi. Giờ cứ phải đến viện thường xuyên để kiếm tra, lấy thuốc", Quỳnh nói.

Thời buổi này nhiều người muộn đường con cái lắm. Cho nên vợ chồng gần nhau vài tháng mà thấy chưa mang thai là phải đi khám ngay, chứ càng để lâu càng khổ. Nhiều chị em gặp đã ngoài 30, 40 tuổi mà vẫn chật vật tìm con. Chẳng hiểu có phải thức ăn nhiều chất hóa học không mà nhiều người khốn đốn có con vậy”, Quỳnh nói về chuyện hiếm muộn như một người từng trải.

Theo quan sát của phóng viên, chỉ trong một buổi sáng, Khoa Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có đến cả trăm người khám hiếm muộn, trong đó, hơn chục người ở độ tuổi 9x cũng đi chữa vô sinh.

Chị Nguyễn Thị Thảo (41 tuổi, Sông Lô, Vĩnh Phúc) - nhiều lần đi chữa hiếm muộn ở đây - cho biết: "Đừng tưởng chữa hiếm muộn là chỉ người cao tuổi nhé. Tôi đi chữa nhiều tôi biết, có rất nhiều cô sinh năm 90, 91 đã đi chữa kiếm con. Thực ra lấy chồng sớm thì đi chữa sớm chứ có ai phân biệt độ tuổi".

Từng đi bệnh viện khám, uống thuốc nhưng tình hình cũng chẳng khả quan, vợ chồng Ngọc Anh (Hợp Thịnh, Vĩnh Phúc) phải tìm đến các thầy đông y chữa căn bệnh vô sinh.

Hơn 5h sáng, chiếc xe máy Nouvo cáu cạnh đỗ xịch trước cửa phòng khám của một bác sĩ chữa hiếm muộn bằng đông tây y kết hợp nằm phía sau bến xe Mỹ Đình. Đôi vợ chồng còn không kịp tắt máy đã vội chạy ra tờ giấy ghi số khám bệnh. Xong xuôi họ mới ra cởi mũ, tắt xe.

Người vợ tên Ngọc Anh, ăn mặc trẻ trung, kể năm nay cô 21 tuổi, chồng 23 tuổi. Trước khi cưới, cô đã mang thai được 2 tháng nhưng sau đó bị sẩy. Từ đó đến nay đã hơn 2 năm nhưng Ngọc Anh vẫn chưa có thai lại. Cô đã đi nhiều bệnh viện, rồi lại chữa ở nhiều địa chỉ hiếm muộn khác nhưng vẫn không có kết quả.

"Có lẽ do di chứng từ lần sẩy thai đó mà giờ em mang thai rất khó khăn. Đi khám có nơi bảo tắc vòi trứng, nơi bảo tử cung có vấn đề. Rồi mỗi nơi lại chữa một cách khác nhau, vợ chồng em nản bỏ giữa chừng", Ngọc Anh nói.

Đợt vừa rồi đọc báo thấy địa chỉ này nên vợ chồng cô tìm đến. Nơi này khám sớm và hạn chế số người nên vợ chồng cô thường phải dậy trước 3h sáng để đi.

"Lần này chúng em hi vọng lắm, cố gắng kiên trì không bỏ lửng nữa. Giờ mình đang còn trẻ, còn có sức để sinh con, chứ già thêm một tuổi là mất đi một cơ hội. Nghĩ sao mà đau xót cho những người như chúng em. Mới trưởng thành đã lấy chồng, rồi lại lo chuyện con cái mà đâu có suôn sẻ", cô gái 21 tuổi rơm rớm nước mắt.

Hiện vợ chồng cô mở một cửa hàng buôn bán ở thị trấn Hợp Thịnh. Bố mẹ hai bên đều có điều kiện, cho đôi vợ chồng trẻ một số vốn làm ăn. "Giờ kinh tế chúng em đã ổn định, chỉ mong sao có một đứa con nữa", Ngọc Anh tha thiết.

Theo Phan Dương
VnExpress


Bình luận