Đẳng cấp "hai tay hai súng"

Tính ra hai chiếc điện thoại bình dân có giá khoảng 1 triệu đồng, trong khi đó, giá một chiếc điện thoại đời cao ít nhất cũng hơn triệu. Vì thế nhiều teen thay vì sắm cho mình một “dế” xịn đã đổi sang hai chú “dế” bình dân nhỏ gọn, vừa hợp túi tiền vừa nhiều tiện ích.

Đẳng cấp "hai tay hai súng"

Vốn có tiếng là sành điệu, Trường (Hải Phòng) quan niệm: “Không có tiền mà vẫn chơi được thì mới đúng là dân chơi thứ thiệt”. Quả thực hầu bao của Trường không hề dư dả nhưng Trường luôn tạo cho mình một bản sắc nổi bật. Gần đây, nhận thấy chiếc di động của mình khá lỗi thời so với mấy chiếc di động đời mới của đám bạn, Trường đã dành tiền thêm mua chiếc Nokia 1200 của một người bạn khác trong trường.

Sau đó, Trường đầu tư tân trang hai cái máy. Sau khi được dán và trang trí lại, hai chiếc máy đã mang một dáng vẻ trẻ trung, khác lạ, đặc biệt. Dù cả hai chiếc đều thuộc loại bình dân nhưng Trường vẫn nổi bật giữa đám bạn vì “hai tay hai súng” không giống ai.

Ảnh minh họa

“Tiện ích lớn nhất của một chiếc điện thoại đời cao là lướt web. Mình không hứng thú lắm với chuyện lướt web nên để tiền mua hai chiếc điện thoại bình dân này, tha hồ nghe gọi” – Hùng (Hà Nội) cũng cùng quan điểm, tâm sự.

Trông bề ngoài Hùng khá bình thường nhưng lâu nay vẫn nổi tiếng là “đại gia” trong đám bạn bè. Không phải vì Hùng ăn mặc sành điệu, xài đồ đắt tiền mà vì gần như Hùng không bao giờ nhắn tin cho bạn bè. Hùng tuyên bố: “Nếu cần hỏi tớ gì, các bạn chỉ cần nháy máy, tớ sẽ gọi lại”. Tuyên bố của Hùng khiến nhiều người phải nhìn Hùng kính nể.

Vốn đầu tháng, Hùng lại được hai anh trai đã đi làm ngầm viện trợ bằng cách nạp thẻ điện thoại. Tất cả các thẻ đó, Hùng nạp hết vào sim khuyến mại, trong khi sim cố định của Hùng luôn trong trạng thái sẵn sàng về 0. Theo Hùng cho biết: “Sim cố định mình chỉ dùng để nghe và nhận tin nhắn thôi, sau đó nếu cần thì lấy sim khuyến mại gọi lại, vừa không bao giờ bị đứt liên lạc vừa được gọi thoải mái”.

Cũng dùng hai máy như Hùng, nhưng theo Kiên (Bắc Giang) dùng hai máy “sang” hơn dùng một máy rất nhiều. Hùng thành thật nói: “Mình không có nhiều tiền để sắm một con “dế” xịn. Chứ những loại tầm tầm tiền từ triệu rưỡi đến hơn hai triệu mọi người dùng nhan nhản, không có gì đặc biệt nữa. Dùng hai máy thế này xem ra nổi bật hơn. Hôm qua đi uống nước với đám bạn, mình móc hai túi hai cái máy ra để lên bàn ngồi cho đỡ vướng. Đám bạn mắt chữ O mồm chữ A phục sát đất”.

“Dùng ngoại mạng tốn kém lắm" – Hoa (Hải Dương) cho biết một tiện ích nữa của việc dùng hai máy - "Nhà mình đều dùng Vinaphone, làm một nhóm talk24, nhưng người yêu mình lại không dùng Vinaphone. Thế là mình mua máy khác, lắp sim Vietnam Mobil, suốt ngày mình và người yêu buôn chuyện mà tốn có 5 nghìn, còn khi liên lạc về nhà thì đã có cái máy này”- Hoa cười đắc ý giơ máy lên khoe với bạn bè.

Thiệt hại trước mắt

Hiện nay, cùng với sự xuất hiện thêm một nhà cung cấp dịch vụ mạng di động ở Việt Nam (Beeline) thì các chương trình khuyến mại của các mạng di động ngày càng trở nên phong phú và hấp dẫn. Cùng với đó, nhu cầu được sử dụng các khuyến mại hấp dẫn đó càng gia tăng. Thay vì thay sim liên tục, nhiều teen bây giờ có xu hướng dùng thêm chiếc di động thứ hai để tận dụng hết mọi khuyến mại hấp dẫn ấy. Càng nhiều khuyến mại hấp dẫn, nhu cầu dùng hai máy của teen càng nhiều.

Dùng hai máy, cũng đồng nghĩa với chi phí của teen cho chiếc di động sẽ tăng gấp hai lần. Với tâm lý tiền khuyến mại là “tiền chùa” nên các teen có tâm lý dùng... thả phanh. Hết khuyến mại này đến khuyến mại khác. Đến khi giật mình nhìn lại, số tiền các teen bỏ ra cho các chương trình khuyến mại cũng không nhỏ chút nào.

Loan (Hải Dương) cũng khẳng định nếu không tiết kiệm thì dùng hai máy tốn kém hơn rất nhiều. “Trước đây mình sợ tốn tiền, mỗi tháng hoang lắm cũng hết khoảng gần 100 nghìn thôi. Tháng đầu tiên dùng hai máy, chưa được nửa tháng đã hết 2 cái sim khuyến mại, vì sim khuyến mại chỉ gọi thôi, nhắn tin mọi người không biết là ai, nhắn tin mà giải thích qua lại thì mất công lắm. Cộng với tiền nạp vào cái sim cố định nữa thì cả tháng cũng hết hơn 200 nghìn. Nghĩ lại thấy lúc ấy mình hoang quá”.

Hầu hết các teen mua máy thứ hai đều giấu bố mẹ vì đó là nhu cầu xa xỉ vượt chỉ tiêu. Thế nên khi về nhà, teen thường phải giấu bớt một chiếc. Bình thường, khi về thăm nhà, Quân (Thái Bình) vẫn đặt chế độ yên tĩnh và giấu chiếc di động thứ hai trong ba lô. Một lần, do sơ ý Quân quên tắt chế độ hẹn giờ đi học ở chiếc máy thứ hai. Hơn 12 giờ trưa, khi cả gia đình có mặt đông đủ ở nhà thì chiếc điện thoại kêu inh ỏi.

Bất đắc dĩ, Quân phải lấy ra chiếc “súng” thứ hai trước sự chứng kiến của cả nhà. Cho rằng Quân quá dư dả mới có khả năng mua và nuôi hai máy, bố mẹ Quân đã cắt một phần viện trợ hàng tháng khiến cho Quân một phen chết dở.

Có hai máy, có nhiều tiền nhưng không có người trò chuyện, nhiều teen lao vào những cuộc nháy máy, nhắn tin làm phiền người khác. Có nhiều tiền nhưng không cần dùng vào việc gì nên teen lao vào những cuộc điện thoại vô bổ, buôn triền miên cho bõ công kích hoạt dịch vụ khuyến mại, làm phiền thời gian và sự nghỉ ngơi, làm việc của những người khác.

Điện thoại di động là một phương tiện thông tin liên lạc tiện dụng và có nhiều tiện ích. Vì nhu cầu, nhiều người phải dùng đến hai máy. Thế nhưng sử dụng máy thứ hai như để đánh bóng bản thân và làm phiền người khác thì thật không hay chút nào. Các teen nên cân nhắc khi sử dụng điện thoại di động, không nên lãng phí tiền khi không cần thiết.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.