Kỳ quặc thú chơi của giới trẻ

Làm cho cơ thể đau đớn, chảy máu là thú vui đáng báo động của không ít thanh thiếu niên hiện nay.

Cậu nhóc ngồi im lặng sau chiếc bàn con, mặc cho bạn bè hò hét trong tiếng nhạc rock chói tai dưới ánh đèn màu nhấp nháy. Cậu gần như tách biệt khỏi bạn bè, không hút thuốc lá, chỉ uống nước cam.

Những vết rạch trên tay

Một nhân viên phục vụ bê khay nước đi qua vô tình loạng choạng làm cốc nước cam đổ lênh láng trên mặt bàn, bắn xuống người cậu bé. Cậu ngước mắt lạnh lùng nhìn, mặc cho người nhân viên xin lỗi rối rít.

Cậu vuốt tóc, phủi nước cam dính trên áo, tiếp tục trạng thái im lặng ban đầu.

Tôi giật mình khi vô tình nhìn thấy cổ tay cậu. Trên cánh tay gầy, xanh xao nhằng nhịt sẹo. Những vết sẹo cứ nhỏ như đầu tăm, chồng chéo lên nhau, xếp thành những dòng chữ nguệch ngoạc.

Lân la làm quen, tôi không sao khiến cậu mở miệng. Chỉ đến khi tôi hỏi một cách bâng quơ về những vết sẹo trên tay: "Nhìn chúng lạ quá, em bị ngã xe à?", cậu bé mới mở miệng. Khác với dự đoán của tôi, cậu bé đáp lời với gọng pha chút tự hào: "Ngã xe gì đâu anh, em dùng dao lam tự rạch đấy. Anh nhìn kỹ đi, trên tay bạn em, đứa nào chẳng có".

Theo hướng tay cậu, tôi bắt đầu để ý đến những cậu bé đang gật gù theo nhạc. Nhìn kỹ một chút sẽ thấy dưới tay áo sơ-mi lấp ló những vết rạch cũ, mới. Trò rạch tay khắc chữ chỉ là một trong những thói chơi ngông của nhiều thanh thiếu niên hiện nay. Theo chân những cô bé, cậu bé tuổi teen, chúng tôi không khỏi kinh hoàng trước xu hhướng hành xác để khẳng định cái tôi của các bạn trẻ này.

Càng chảy máu, càng vui

Cậu bé tên Hoàng, học lớp 11 tại một trường trung học ở Hà Nội. Cậu để tóc dài, một bên mái che kín mắt để "như vậy mới bí ẩn". Hai móng tay cái được sơn đen một cách kỳ lạ.

Theo lời Hoàng, chỉ cần một lưỡi dao lam sắc ngọt, một chút bông gòn, Hoàng và đám bạn của cậu có thể thoải mái cắt lên da thịt mình những hình ảnh mà chúng đang nghĩ trong đầu. Đứa "thất tình" khắc tên người yêu, đứa đang yêu rạch thịt thành hình trái tim, thêm một chữ LOVE bên cạnh.

Để rạch một chữ EMO (chữ viết tắt của từ Emotion, nghĩa là cảm xúc), Hoàng mất gần hai tuần. Tối đến, Hoàng khóa trái cửa phòng lấy dao lam mới khía lên thịt rồi nặn máu ra, chờ máu se lại rồi bóc vảy.

"Mỗi ngày chỉ rạch được một nét thôi. Hơn một tuần sau vết khía thành sẹo, nhẵn thín trên cổ tay. Trông đẹp lắm", Hoàng tâm sự và khoe chiến tích trên cổ tay.

Đáng quan tâm hơn nữa là trường hợp của cô bé An Khánh, nhà ở phố Hoàng Cầu, Hà Nội.

Nhà Khánh có hai chị em gái. Chị gái Khánh nhận được học bổng, đi du học tại Úc từ khi vào cấp ba. Khánh học kém hơn nên mỗi lần đi họp phụ huynh ở trường về, mẹ em nói nửa đùa nửa thật: "Con không bằng nửa phần của chị". Mỗi lần như thế, Khánh cảm thấy mình bị tổn thương. Cô bé chỉ bỏ vào phòng, khóa trái cửa.

Cứ như thế, dần dần, Khánh trở nên lầm lì, chẳng nói năng gì. Dù ai chê bai, nhiếc móc, Khánh cũng không phản ứng lại.

Một lần lên mạng thấy bạn bè kháo nhau về trò rạch tay để "xả hơi", Khánh cũng tò mò lấy dao rạch thử.

Khi thấy máu chảy ra, trong người Khánh có cảm giác khoan khoái cực độ như thế mình vừa làm một việc gì to lớn lắm. Dần dần, cô bé tự huyễn hoặc rằng mình cũng có thể làm được nhiều điều mà bố mẹ và chị gái không bao giờ làm được.

Khánh nghiện trò tự hành xác kiểu man rợ ấy đã hơn ba năm nay. Em dùng bất cứ vật gì để rạch vào da thịt mình, từ con dao gọt hoa quả, đầu com-pa, hay mảnh chai vỡ. Những vết Khánh rạch lên tay chẳng có hình thù gì cả, chỉ là những đường chằng chịt.

Khánh kể: "Có lần, em hứng quá, lỡ tay rạch quá sâu, máu chảy ra ướt cả một chiếc khăn tay nhỏ".

Những trò hành xác của thiếu niên

Kinh dị không kém là trò "tự xẻ thịt mình". Một số bạn trẻ đã nghĩ ra trò "du lịch hành xác". Họ thường lập thành một nhóm khoảng năm người, chuẩn bị một ít lương thực, nước uống, đi bộ vào tận những vùng rừng sâu của tỉnh Hà Giang, Cao Bằng... để tìm cảm giác lạ.

Trên đường đi, ngã càng đau chúng càng thích thú. Chuyện đói đến lả người trong chuyến đi lại là một thứ khoái cảm khó cưỡng. Người nào trượt chân ngã vỡ đầu, chảy máu hay kiệt sức giữa đường được coi là chiến tích oai hùng.

Trần Hoàng Long, nhà ở Nam Thành Công, Hà Nội, người từng tham gia một chuyến đi như vậy, thú nhận: "Chẳng hiểu sao, nhiều đêm cắm trại ngủ trong rừng, em chỉ ước có một con hổ đến "làm thịt" cả bọn hoặc đá núi lở đè chết bọn em".

Được biết, khi trở về, có người đã được đưa ngay vào viện để cấp cứu vì những vết thương hoặc đói khát đến suy kiệt cơ thể.

Những trò kỳ quoặc không giống ai ấy ngày càng biến tướng thành muôn hình vạn trạng.

Với cô bé Lệ Hằng, ở đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, những trò trên đây chẳng ăn nhằm gì. Hằng đã từng thử qua và chán cái trò rạch tay.

Không còn thú vui, trong lúc buồn bã "tê tái người" cô bé nghĩ ra trò trộn tất cả loại thuốc kháng sinh trong tủ thuốc gia đình... để uống. Vừa uống xong "biệt dược" của mình, cô bé nôn thốc nôn tháo ra chăn, nệm vì phản ứng thuốc.

Bố mẹ Hằng vội vã đưa con gái đến bệnh viện súc ruột. Khi tỉnh lại, thấy mình không chết, Hằng cười thầm: "Phải công nhận cơ thể mình khỏe thật, đứa khác chơi kiểu này chắc chết từ lâu".

Cứ như thế, thỉnh thoảng buồn chán quá, Hằng lại uống tất cả các loại thuốc từ cảm cúm, đau bụng đến kháng sinh. Dần dần, Hằng nghiện "hội chứng pha trộn" ấy. Chán trộn thuốc, Hằng chuyển sang uống dầu gội, sữa tắm đến nước uống...

Cô bé khoe với bạn bè và thách xem ai làm được như mình. Thấy lũ bạn lè lưỡi, lắc đầu nhìn mình như "sinh vật lạ", cô bé càng thích chí.

Ngoài ra, chúng tôi còn biết không ít bạn trẻ kể về "khoái cảm trộm cắp".

Dù gia đình khá giả, chưa thiếu thốn một thứ gì nhưng nhiều cô bé, cậu bé chỉ cần có cơ hội lại ra tay làm đạo chích. Đồ đạc trộm cắp đôi khi chỉ là dăm ba gói mì tôm, một vài chiếc kẹp tóc, móc áo. Thoát khỏi lực lượng bảo vệ siêu thị, các em vứt luôn "chiến lợi phẩm" xuống vệ đường, hả hê cười thỏa mãn.

Chán những trò "tẹp nhẹp" trong siêu thị, các em lại rủ nhau phóng xe trên phố để giật điện thoại, túi xách của người đi đường, tìm khoái cảm. Nếu nạn nhân khiếp hãi quá, không đuổi theo, chúng quay xe lại, ném trả đồ. Còn những ai hô hoán, rú ga đuổi bắt, chúng quyết chạy thoát cho bằng được.

Nguyên nhân và cách giáo dục

Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga lý giải: "Tuổi mới lớn thường lâm vào tình trạng khủng hoảng tuổi dậy thì. Trong lứa tuổi này sự phát triển về thể chất từ trẻ con thành người lớn diễn ra mạnh mẽ. Tâm lý của các em không kịp phát triển theo".

Chính vì thế, thanh thiếu niên tuổi này thường hoang mang, khao khát muốn tìm hiểu bản thân, khám phá thế giới. Các em đặc biệt thích thú những điều mới mẻ, kỳ lạ, luôn muốn thử ngay mặc kệ hậu quả nặng nề để lại.

Chị Linh Nga nhấn mạnh thêm: "Ở tuổi này, chúng rất cần bố mẹ định hướng để tìm hiểu những điều mới mẻ nhưng tích cực. Với những trẻ hiếu động, bố mẹ phải chấp nhận cả những trường hợp gãy tay chân còn hơn là để các em tự ý đi tìm những trò chơi quái đản khác".

Hiện nay, nhiều phụ huynh có tâm lý bao bọc con quá kỹ, ngăn cấm, quản lý không cho tham gia những hoạt động xã hội vì sợ ảnh hưởng sức khỏe hay sợ con đua đòi... Kết quả, càng cấm các em càng tò mò và tìm đến những trò chơi bố mẹ không sao biết được. Khi những thú chơi kỳ quặc ấy đã đi quá giới hạn, ngoài chuyện nhận hậu quả về sức khỏe, các em còn có thể bị ảnh hưởng đến tính mạng, tương lai.

Đỉnh cao của những trò kỳ dị ấy thường là ý định tìm đến cái chết. Có em được bố mẹ đưa đến bác sĩ trong tình trạng lúc nào cũng nghĩ mình là siêu nhân, đấm vỡ cả cửa kính.

Khi bắt gặp nhưng hành động này, các phụ huynh thường la mắng hoặc cấm đoán để ngăn cản. Tuy nhiên, trẻ thường tỏ ra lì lợm và phản ứng mạnh mẽ hơn.

Bác sĩ Lã Thị Bưởi, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển cộng đồng cho biết: "Với những trẻ có dấu hiệu mất cân bằng tâm lý, phụ huynh nên tìm hiểu xem con mình đang gặp vấn đề gì. Bố mẹ phải gần gũi để giúp con giải tỏa những khúc mắc".

"Hãy để con trẻ phát triển tự nhiên, từ đó theo dõi và uốn nắn. Nên dạy cho con những kỹ năng sống để có thể đương đầu với những thay đổi đột ngột về thể chất, tâm lý. Khi phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ, không nên tự phỏng đoán rồi uốn nắn. Tốt nhất nên đưa con đến trung tâm chuyên môn để được giúp đỡ".

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.