Những cô nàng muốn ở riêng

Các bậc phụ huynh bắt đầu phải đối mặt với thực tế: các con trai, con gái bé bỏng của mình muốn sống độc lập ngay từ khi chưa lập gia đình.

Những “đứa trẻ người lớn” ấy có người sớm thích nghi được với cuộc sống tự lập, nhưng nhiều người chưa hình dung ra những phức tạp của nó. Vì vậy, đã đến lúc phải dạy chúng cách làm chủ cuộc sống, đồng thời, cũng phải dạy con cái ý thức được tầm quan trọng của gia đình cũng như những trách nhiệm với gia đình.

Vừa đi làm về, Linh đã nhào vào bếp kiếm mẹ “Mẹ ơi, con có điều quan trọng cần nói, con muốn ra ở riêng”. Chưa để mẹ định thần trước quyết định đột ngột của mình, Linh trình bày một loạt lí do và liên tục nói đến cụm từ “con muốn sống với chính mình” và “con lớn rồi, con có thể tự lập”. Thực tế là Linh đã 24 tuổi, hiện cô đang làm cho một công ty truyền thông với mức lương 5 triệu/ tháng. Điều này không hề tệ với một cô gái vừa ra trường như Linh. 5 triệu là tiền riêng, Linh có thể sử dụng tùy ý. Mọi khoản chi phí trong gia đình cô đều được ba mẹ bao bọc.

Ba mẹ chiều Linh đến mức cô không phải động tay chân vào bất cứ việc gì. Sáng đã có mẹ dậy nấu ăn sáng, chuẩn bị cả cơm cho Linh đi làm ăn vào buổi trưa. Ngoài việc đi làm, Linh chỉ có việc khác là chơi.

Khi hỏi lí do, mãi sau Linh mới thú nhận. Cô so sánh cuộc sống của mình với một cô bạn thân ngoại tỉnh là Ngọc. Linh thấy mình kém cỏi vì được bao bọc từ A đến Z. Là con gái lớn, đã đi làm nhưng Linh vẫn sống như hồi còn học Phổ thông với một lịch sinh hoạt mà mẹ cô cho là khoa học và cần thiết đối với con gái.

Dậy lúc 6h để tập thể dục và ngủ muộn nhất lúc 23h, đi chơi muộn nhất cũng chỉ đến 22h. Linh bảo sống như cô có vẻ sướng nhưng không hề thoải mái và nhiều khi chán ngắt... Hạnh phúc đối với cô là một căn nhà trọ (nghèo nàn cũng được), đó là một khung trời riêng cho cô tụ tập bạn bè vào cuối tuần, tự chi trả những khoản tiền sinh hoạt của mình và đặc biệt là được thoải mái mặc áo hai dây, quần soóc chạy khắp nhà mà không lo bố mẹ, anh chị kêu la.

Việt Hà, 27 tuổi, du học sinh Đức về nước lại chọn cho mình sống riêng bởi quá quen với cách sinh hoạt ở nước ngoài. Thời gian đầu, Hà về sống cùng gia đình. Nhưng nếp sống nguyên tắc, truyền thống làm cô thấy nhàm chán, bức bí và khó thích nghi trở lại. Bố mẹ Hà là cán bộ nghỉ hưu không chấp nhận việc đi chơi về khuya, cách ăn mặc hơi “thoáng” của Hà. Lại thêm, ông Hà ở quê mới lên lúc nào cũng “lên lớp” cô cháu gái sống quá Tây, lại còn “chưa chịu lấy chồng”. Trước những mâu thuẫn thế hệ ấy, Hà quyết định ra ở riêng.

Mặc gia đình phản đối, cô thuê một căn hộ chung cư bên Mỹ Đình, mỗi tuần cô về thăm gia đình một lần. Theo cô, ở riêng đi kèm với tự do, có thể đi sớm về khuya, có thể nghe thứ âm nhạc mình thích mà không sợ ai kêu ca. Để có được “sự tự do” như mong muốn, mỗi tháng Hà phải chi trả 6 triệu đồng tiền thuê nhà, chiếm tới 2/3 số tiền cô kiếm được hàng tháng, chưa kể chi phí sinh hoạt khác. Mặc dù được ở sang, được tự do thoải mái nhưng cô phải vô cùng tiết kiệm trong những khoản ăn uống, may mặc của mình.

Cả thèm chóng chán! Bố mẹ Linh đều là những công chức mẫn cán và sống khá nguyên tắc nên họ khó có thể đồng ý với ý định của Linh. Nhiều lý do mà Linh đưa ra đều bị bố mẹ bác bỏ, chỉ đến khi Linh lấy lí do thường xuyên ở lại công ty (cách nhà 10 km) để làm chương trình thì bố mẹ Linh mới đồng ý cho con gái ra... riêng. Cái chính là họ cũng muốn thấy cô con gái tiểu thư tự lập như thế nào. Họ ra điều kiện, một tháng Linh mới được về nhà một lần và tất nhiên là không có sự hỗ trợ nào hết.

Được bố mẹ đồng ý, Linh thuê một căn chung cư cũ ở trên phố với giá 1,5 triệu/ tháng để bắt đầu cuộc đời tự lập. Ngày đầu sống xa gia đình, Linh cảm thấy thoải mái. Cô sinh hoạt theo đúng ý mình. Linh phấn khởi sắm sửa đầy đủ gia dụng cần thiết để ở trọ... gần nhà. Và vẫn với cách chi tiêu như hồi ở nhà, không có kế hoạch cụ thể, cô không thể làm chủ được số tiền mình kiếm ra hàng tháng. Ngoài khoản tiền ăn, tiền nhà, những khoản mua sắm, may mặc và vui chơi... với những hóa đơn dài dằng dặc luôn làm cô đau đầu.

Sang tháng thứ 3, công ty của Linh gặp trục trặc về tài chính, thu nhập của Linh chỉ còn bằng một nửa những tháng trước. Cô chính thức nếm mùi “ra ở riêng” là như thế nào. Có sự việc cô không lường được trước, hàng xóm không những khó tính mà còn hay soi mói. Bận, không đi đổ rác được cũng bị nhắc nhở, đi làm về muộn cũng bị xì xèo sau lưng nào là: “Ăn mặc hớ hênh thế?”, “Làm gì mà làm tận giờ mới về?”...

Từ khi ở khu nhà này, Linh bị gán cho bao nhiêu tội... Hai tháng sống “co kéo”, cộng thêm việc ức chế từ những người xung quanh, cô đành phải “đầu hàng” bố mẹ, xin quay về. Sau vụ ở riêng, Linh lại có quan điểm khác, không đâu tốt bằng bố mẹ, gia đình mình. Bố mẹ Linh chỉ biết lắc đầu cười đứa con gái. 24 tuổi Linh vẫn là con nít.

Việt Hà từng trải và chững chạc hơn Linh, cô có đủ khả năng để chăm lo cho cuộc sống của mình. Nhưng nhiều khi cô tự hỏi: “Mình về nước là muốn sống cùng gia đình sao bây giờ lại tách ra để đi ở riêng?”. Ở Đức, cô nhớ bữa cơm gia đình sum họp, nhớ lúc cô phụ mẹ làm bếp, nhớ lúc cả nhà cùng coi tivi...

Về nhà cô lại thích giống như hồi ở Đức. Điều này làm cho cô rất băn khoăn. Và Hà quyết định “Mình sẽ cải thiện mối quan hệ gia đình bằng cách về nhà thường xuyên, tham gia hoạt động chung cùng gia đình hơn nhưng vẫn sống một mình như bây giờ”.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.