Tân cử nhân thất nghiệp: Học tiếp

Tốt nghiệp ngành Tâm lý học, T. Tâm (ĐHQG Hà Nội) mất hàng tháng ngồi nhà thất nghiệp. Sốt ruột và ngại với tình trạng ngồi nhà, cô đăng ký thi cao học, tiếp tục kéo dài thêm thời gian với ngành học khó xin việc này. Những cử nhân "giết" thời gian bằng học tiếp như Tâm không hiếm.

Sức ép tâm lý

Mang tâm lý tốt nghiệp đại học không bao giờ đi lao động chân tay, nhiều sinh viên ra trường không tìm thấy vận may trong công cuộc tìm việc “đầu óc” đã phải chọn giải pháp học tiếp – như một tấm lá chắn cho việc thất nghiệp.

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, khoa kiểm toán, P. Phượng không may mắn tìm được một công việc phù hợp. Sức ép tâm lý lúc nào cũng đè nặng, bạn bè cùng trang lứa đã hầu hết tìm được việc làm, mỗi lần gặp mặt, điện thoại hay chat chit, câu hỏi thường xuyên dành cho Phượng là “đi làm chưa”. Vốn không phải là sinh viên kém trong lớp lại phải nhìn cảnh những bạn “không bằng mình” đã có công ăn việc làm ổn định, Phượng không chịu nổi tình trạng thất nghiệp.

Để làm lá chắn cho tình trạng “ế việc”, Phượng quyết định theo học văn bằng 2 chuyên ngành ngoại ngữ mặc dù chưa xác định được việc học này sẽ giúp gì cho công việc tương lai. Tuy nhiên việc theo học một ngành mới là rất khó, việc đầu tiên là phải vượt qua được vòng thi loại khối D. Với một sinh viên khối A sau 4 năm học hầu như đã quên hết các kiến thức phổ thông, Phượng lại mò mẫm lại các lò luyện thi 4 năm trước– chỉ khác là bây giờ Phượng là người “dừ” nhất trong lớp.

Không giống Phượng vì cái “sĩ” với bạn bè, T. Ngọc (SV ĐH dân lập Thăng Long) lại tìm tới con đường học tiếp vì lý do muốn lấy chồng! Ngọc vốn có bạn trai lớn hơn 5 tuổi từ thời còn sinh viên và dự định sau khi tốt nghiệp sẽ cưới. Kế hoạch cưới hỏi đã lên sẵn nhưng cô dâu vẫn còn chần chừ chưa quyết định bởi lý do “chưa tìm được việc”.

Không muốn mang bộ dạng “ăn bám chồng” cũng như muốn giữ thể diện với gia đình nhà chồng, Ngọc quyết định học lên cao học để biện minh cho tình trạng thất nghiệp hiện nay. Ngọc nói: “Mình không muốn bố mẹ chồng nghĩ mình thất nghiệp phải nhờ chồng nuôi. Thà rằng có lý do chưa muốn đi làm vì muốn phấn đấu lên nữa còn dễ ăn nói!” Và Ngọc lại tiếp tục đi học mặc dù không hề hứng thú, học để giết thời gian, học để lấy chồng!

Giải pháp cho ngõ cụt

“Đi học” là lý do để tránh đi làm, với tâm lý ngại khó ngại khổ, nhiều tân cử nhân đã tiếp tục chọn cho mình con đường “học lên cao nữa” để tiếp tục sống trong chu cấp của cha mẹ.

Mới tốt nghiệp, cũng như bao bạn trẻ khác, Hồng Hoa (SV ĐH Hà Nội) cũng sốt sắng đi nộp hồ sơ ở vài cơ quan nhưng qua mấy vòng phỏng vấn bất thành, Hoa đã nhanh chóng nản chí. Kéo dài lê thê là chuỗi ngày thất nghiệp, bị bố mẹ giục giã, Hoa nảy ra ý định học cao học để trốn đi làm.

Lý do Hoa đưa ra nghe cũng rất hợp lý, tuổi trẻ tranh thủ học nhanh vào nhanh thành công, học để lấy thêm bằng cấp cho dễ xin việc. Vậy là cô cử nhân ngoại ngữ lại tiếp tục hàng ngày cắp sách lên giảng đường, kéo dài quãng đời sinh viên – dăm thì mười họa mới có mặt trên lớp điểm danh, đến kì thi thì qua qua quýt cho đạt điểm 5. Mục tiêu đi học thì không có, chỉ là một đòn đỡ cho tình trạng thất nghiệp, Hoa lại miên man với sách vở vì “chưa sẵn sàng tâm lý cho việc đi làm”

Vốn được chăm bẵm trong nhung lụa từ bé V. Nam (ĐH Văn Hóa) cũng khó chấp nhận được hiện thực “phải tự chịu trách nhiệm cho bản thân”. Mang tiếng là một cử nhân văn hóa 22 tuổi nhưng Nam vẫn được bố mẹ chu cấp từng đồng từ tiền ăn sáng tới nhu cầu mua sắm hàng tháng.

Tốt nghiệp, Nam lại ngồi chờ bố mẹ xin cho một công việc nhà nước. Trong thời gian chờ đợi, “ngứa mắt” với cảnh con trai suốt ngày nằm nhà ngủ ngày, lại mất cái oai với hàng xóm láng giềng, bố mẹ Nam giục con đi học thêm văn bằng hai tiếng Pháp. Với Nam lớp học này là nơi thích tới thì tới, thích nghỉ thì nghỉ, thỉnh thoảng tạt qua xem có “em” nào xinh xắn để cưa cẩm, nhắn tin giết thì giờ. Chưa biết bao giờ bố mẹ sẽ xin được việc cho mình, Nam vẫn tểnh tênhcắp sách đi học để chờ ngày làm cán bộ.

Khao khát kiếm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp là ao ước của tất cả các sinh viên. Tuy nhiên trong thời điểm cung thấp hơn cầu như hiện nay, tấm bằng đại học chưa phải là tấm vé tiến thẳng tới ước mơ. Nhìn nhận giải pháp cho vấn đề này, nhiều tân cử nhân lại chọn cách học tiếp mà không xác định được rõ mục đích của việc học.

Theo Ngọc Trang



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.