Bí ẩn "5B" của Tổng giám đốc Saigon Bank

Câu chuyện về cô giáo trở thành Tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở Sài Gòn đã khiến không ít người bất ngờ.

Mỗi sự vươn lên, mỗi một tấm gương về sự thành đạt tưởng như ẩn chứa trong nó những phép màu. Nhưng, chúng tôi muốn kể câu chuyện chân thực về người phụ nữ thành đạt, đã nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, chị là Trần Thị Việt Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank).

Từ giảng viên tới...Tổng giám đốc

Năm 1973, Việt Ánh thoát lý vào vùng kháng chiến khi đang là sinh viên ĐH Khoa học. Chị công tác tại Ban Kinh tài (Khu R TƯ cục miền Nam - thuộc huyện Tân Biên - tỉnh Tây Ninh). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chị được điều về làm tại vụ Phát hành ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước, rồi được cử đi học nâng cao tại Học viện Ngân hàng.

Tốt nghiệp đại học (năm 1982) Việt Ánh quyết định về giảng dạy tại Khoa Kế toán Ngân hàng - ĐH Ngân hàng TP. HCM, và trở thành Phó chủ nhiệm khoa không lâu sau đó. Chị Ánh chia sẻ: "Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao tôi có thể chuyển sang giảng dạy? Xin thưa, đó là vì khoảng thời gian thoát ly vào công tác tại Ban kinh tài R, mới làm quen với nghề tài chính kế toán, nhưng đồng thời cũng kiêm luôn việc giảng dạy bổ túc cho anh chị em trong ban với mọi trình độ từ vỡ lòng đến các lớp cao hơn. Nhờ đó, tôi có được nền tảng kinh nghiệm truyền đạt kiến thức và phương pháp sư phạm làm bước đệm trở thành giảng viên ở ĐH Ngân hàng TP. HCM".

Nhưng dường như những thành công ấy vẫn là chưa đủ với người phụ nữ luôn mang trong mình niềm đam mê kinh doanh. Tới năm 1994, Việt Ánh chuyển công tác về Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigon Bank) giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc. Sau mười năm phấn đấu không mệt mỏi, luôn tạo được uy tín với đồng nghiệp trong cơ quan và có tiếng nói quyết định đến những chiến lược đầu tư kinh doanh của Saigon Bank, Việt Ánh đã trở thành Tổng giám đốc Saigon Bank.

Saigon Bank thành công như ngày hôm nay thực sự là vun đắp từ biết bao tâm sức của rất nhiều cán bộ. Trong đó bà Việt Ánh là yếu tố vô cùng quan trọng: "Từ chỗ nắm bắt việc hạch toán kế toán chặt chẽ, khi vào tác nghiệp thực tế tại Saigon Bank, tôi nhanh chóng nhận ra việc cần làm là phải bảo toàn và nâng cao giá trị tài sản tích lũy. Từ mức vốn cố định 2 tỷ đồng (1994), phần lớn trụ sở làm việc phải thuê, chi phí cao và rất bị động, chúng tôi liên tục đầu tư trang bị cơ sở mở rộng mạng lưới hoạt động đến nay vốn cố định đã lên hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng mạnh dạn đổi mới phân cấp hạch toán , giao quyền tự chủ tài chính kèm với những yêu cầu cơ bản về hiệu quả hoạt động cho từng chi nhánh nếu hoàn thành tốt, vượt mức chi tiêu kế hoạch được giao thì chi nhánh sẽ được hưởng thành quả tương xứng", Tổng giám đốc Saigon Bank kể lại.

Không muốn là người "khổng lồ"

Trong một chuyến công tác gần đây, tôi thấy chị gầy đi, gương mặt vương lại nhiều dấu ấn của thời gian, nhưng nhiệt huyết làm việc thì lúc nào cũng rực lửa. Chị bảo: "Làm công việc này nó vậy, có khi ốm mà chẳng dám nghỉ, ngày cuối tuần cũng tới văn phòng là chuyện bình thường. Tôi quan niệm, chẳng có gì là thập toàn thập mỹ, cuộc đời thì dài nhưng thời gian lại ngắn ngủi, cho nên cần phải hết lòng dốc sức cho công việc mới mong đạt được thành công. Hơn nữa, mình cần phải cố gắng vì cuộc sống của hàng trăm anh chị em nhân viên, ngân hàng càng phát triển nghĩa là nhân sự càng nhiều lên, cho nên áp lực đó ngày càng lớn".

Với tất cả những thành công đạt được cùng Saigon Bank, chị là hình mẫu lý tưởng của rất nhiều phụ nữ Việt Nam. Vậy nhưng, Việt Ánh cho rằng, cuộc đời chẳng cho không ai cái gì, mà cũng chẳng lấy đi của ai tất cả, những gì được và mất chỉ là sự hoán đổi cho nhau mà thôi.

Vậy nên, khi người ta thành công rồi thì nên đọc sách của Khổng Tử để không ngủ quên trên chiến thắng, nhưng nếu chẳng may sa cơ lỡ vận thì nên đọc sách của Lão Tử để có ý chí mà vươn lên. Chị không muốn mình trở thành người "khổng lồ", mà chỉ muốn là một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng luôn giữ được nghị lực phi thường để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Có thể nói, mong ước đó của chị không xa vời, mà nó đã hiện lên sau tất cả những gì chị nếm trải. Mang trong mình ước mơ cháy bỏng được làm bác sĩ, nhưng khi ước mơ ấy đang dần trở thành hiện thực thì lại theo cha đi hoạt động cách mạng. Chị công tác tại Ban kinh tài trung ương rồi trở thành cô giáo nhưng sau cùng vẫn quay về với kinh doanh tài chính. Sự thay đổi ở các vị trí công việc cũng khiến con người ta phải bắt nhịp với môi trường mới, phải hòa mình vào dòng chảy ấy nhưng luôn giữ được bản lĩnh để phát huy khả năng của mình.

Việt Ánh là như vậy, cho nên bất cứ vị trí công tác nào trong quá khứ, chị cũng được đồng nghiệp tín nhiệm. Chị bảo rằng, đến với nghề giáo viên cũng là cơ duyên, chứ thực ra chị không có ý định lựa chọn. "Hồi đó, tôi ra học nâng cao tại Học viện Ngân hàng ngoài Hà Nội là chỉ thi thử thôi, ai dè đỗ thật và rồi cơ quan cử đi học. Vừa học xong thì hiệu trưởng của ĐH Ngân hàng TP. HCM xin tôi về trường. Lúc ấy, tôi không thích làm giáo viên đâu, nhưng lên lớp rồi thấy quen và thấy yêu nghề thực sự. Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn thích được đi giảng dạy như hồi nào, bởi cách làm việc của tôi là thầy chỉ đứng ở vai trò của người hướng dẫn còn học trò chính là trung tâm, phải tự tìm tòi nghiên cứu để phát triển", Việt Ánh nhớ lại.

Điều khiến cho nhiều người trong giới tài chính tỏ ra ngạc nhiên là không hiểu vì sao một giảng viên có thể trở thành Tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP. HCM? Ai cũng bảo, từ lý thuyết tới thực tiến là cả một quãng đường khá dài, vì sao Việt Ánh lại làm được điều đó? Chị kể: "Khi tôi quyết định tạm chia tay với việc giảng dạy thì có rất nhiều nơi đã đề nghị tôi về giúp sức với những điều kiện tương đối tốt, nhưng cuối cùng tôi chọn Saigon Bank, mặc dù lúc ấy nơi đây điều kiện còn yếu lắm. Đúng là giữa lý thuyết với thực hành khác nhau nhiều, nhưng phải nghĩ mà làm cho được. Mình nắm vững lý thuyết, nên áp dụng vào thực tế cũng nhanh...Mọi người cũng không ngờ tôi lại quen việc nhanh đến thế, cứ khen tôi giỏi, nhưng tôi bảo giảng thì được chứ làm chưa có giỏi (cười)".

Ẩn số "5B" để cân bằng cuộc sống

Trong truyền thuyết ngũ hành, số 5 ẩn chứa trong nó sự huyền bí của tạo hóa. Số 5 được coi là con số may mắn, bởi nó ứng với chữ Sinh - đem lại sự sống, sự trường tồn cho vạn vật. Như một sự sắp đặt của định mệnh, những suy nghĩ sâu sắc của Việt Ánh về cuộc sống lại ứng với con số ấy, đó là : Bình tĩnh - Bình tâm - Bình thản - Bình thường - Bình an.

Chị bảo rằng, Bình tĩnh là điều quan trọng nhất, bởi nó là điểm xuất phát để tới được những cái mốc sau đó, nhất là với lãnh đạo trong ngành tài chính, phải liên tục đối mặt với nhiều rủi ro có thể trả giá bằng cả sự nghiệp. Nếu không Bĩnh tĩnh thì khó lòng mà tiến tới Bình an. Và ngay trong chuyến đi đầu tiên vào Ban kinh tài trung ương, cô nữ sinh bé nhỏ Việt Ánh đã làm được điều đó khi phải đối diện với họng súng của kẻ thù.

Việt Ánh nhớ lại: "Tôi cùng với em gái đã vượt qua 28 chốt, nhưng tới chốt thứ 29 thì mình tôi bị giữ lại. Chúng thấy tôi mảnh khảnh, lại mặc áo dài trắng nên dọa, rồi đánh, bắt khai vô trong đó làm chi? Nhưng chúng lầm, tôi nhìn yếu vậy nhưng lì lắm, đừng hòng moi móc được gì. Đánh một hồi, chúng thả tôi ra và cho người theo dõi. Tôi tìm tới một gia đình cách mạng thay bộ đồ, rồi nhanh chân ra phía sau chạy một mạch.

Quân địch đuổi theo sau lưng bắn như vãi đạn, tôi tưởng mình không sống nổi. Chạy được chừng gần một cây số thì có cán bộ ra đón, tôi thoát chết trong gang tấc. Những ngày tháng ấy tuy gian khổ, nhưng đối với tôi nó thật đáng quý, chính nhờ thế mà tôi vững tin trong suốt mười mấy năm lăn lộn với Saigon Bank".

Một bữa ăn no hay một chiếc áo đẹp luôn là mơ ước xa xỉ của Việt Ánh ngày ấy, bởi vậy khi trở thành người điều hành số một ở Saigon Bank, chị luôn thấu hiểu và lo lắng cho cuộc sống của anh chị em nhân viên. Chị cho rằng, người giữ vai trò lãnh đạo, điều hành bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có chuyên môn giỏi, có năng lực quản lý đáp ứng theo tầm phát triển của thời đại.

Nhưng đó mới là điều kiện cần, còn cái tâm của người lãnh đạo mới là điều kiện đủ, nhất là trong ngành ngân hàng, nếu người lãnh đạo thiếu tâm đức, với quyền hạn trong tay, họ có nhiều cơ hội chiếm lợi bất chính, gây tổn thất không nhỏ đến nhiều người, ảnh hưởng xấu đến hệ thống tài chính.

"Những gì diễn ra trong ngành tài chính rất căng thẳng, ví von không ngoa thì nó như một chiến trường không tiếng súng. Tôi bước vào ngành tài chính ngân hàng với thuận lợi rất cơ bản là được hưởng từ cha tôi niềm đam mê tâm huyết với nghề. Dù tình hình hoạt động ngân hàng ngày nay diễn biến phức tạp khác hẳn thời xưa, ông cũng nghỉ hưu từ lâu, nhưng vẫn luôn có những nhận xét hết sức tinh tường. Gia đình tôi có ba thế hệ sống với nhau mấy chục năm nay rất hòa thuận, hạnh phúc, nên tôi cảm thấy vững tâm mỗi khi gặp khó khăn. Gia đình cũng luôn là nơi tôi thấy mình có được cảm giác Bình an", chị Ánh chia sẻ.

Giữa đất Sài gòn hoa lệ, ngày ấy và bây giờ vẫn vậy, có một người phụ nữ vẫn đang ngày đêm miệt mài vì sự phát triển của Saigon Bank.

Theo Diệu Linh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.