Bí ẩn lạm phát

Nhiều loại hàng hóa đang kéo nhau tăng giá sau quyết định tăng giá xăng khiến dư luận e ngại tái bùng phát lạm phát.

>> Không để lạm phát vượt quá tầm kiểm soát

>> Mối lo lạm phát lại len lỏi

>> Lạm phát có thể tăng mạnh trở lại

>> “Nín thở” chờ... lạm phát

Thông báo chính thức của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá tháng vừa rồi khiến mọi người thở phào. Có vẻ như, lạm phát đang ở đâu đó xa xôi, không còn liên quan, không còn là vấn đề phải suy nghĩ. Nhưng lạm phát không phải chỉ là câu chuyện vĩ mô, khi nó lồ lộ hiện ra thì cũng là lúc người tiêu dùng sẽ phải cắn chặt hàm răng hơn mỗi khi phải chi tiêu khoản gì đó. Chỉ số giá chỉ là điểm cuối cùng lộ diện, còn căn bản lạm phát lại thường bị ẩn hơn.

Xăng + lương = ?

Người ta có quyền mừng khi chỉ số giá tiêu dùng được thông báo không tăng đột biến. Điều đó có nghĩa là người dân không phải chi tiêu đắt đỏ, cuộc sống không khó khăn hơn. Và trên trán mỗi người đàn ông sẽ bớt đi nếp nhăn lo lắng về gánh nặng trách nhiệm gồng gánh gia đình đi qua mỗi đợt “mưa nắng” của nền kinh tế.

Nó còn có nghĩa là chính sách tiền tệ trong nước chưa “đổ bệnh”. Lạm phát không đến từ chỉ số giá tiêu dùng. Nó luôn luôn là căn bệnh của chính sách tiền tệ, khi lượng tiền lưu thông với lượng hàng hóa, dịch vụ tạo thành không cân xứng nhau. Khi lượng tiền đưa vào lưu thông quá lớn mà chỉ tạo ra lượng hàng hóa ít và dịch vụ kém hiệu quả thì căn bệnh này sẽ “bục” ra ở giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn bình thường.

Vì thế, chỉ số giá tiêu dùng chỉ là hệ quả sau cùng của chuỗi điều hành tiền tệ của tháng này sẽ bộc lộ ở tháng sau, thậm chí ở quý sau đúng như cách ném tiền ra đầu tư để kích cầu năm nay sẽ bộc lộ ở năm sau 2010. Do đó, nhiều chuyên gia dù đã bày tỏ vui mừng với công bố của cơ quan thống kê cũng vẫn cảnh báo rằng, đó chỉ là kết quả của việc làm thời gian qua, còn tương lai lại phụ thuộc vào cách làm ngày hôm nay và ngày mai.

Vậy tình hình hôm nay có gì phải e ngại hay không? Khi tuyên bố tăng giá xăng, cơ quan quyết định tăng giá và vài chuyên gia đã trấn an dư luận rằng, họ đã tính toán kỹ và không ảnh hưởng gì đến giá cả hàng hóa. Tuyên bố có vẻ phi thị trường này lập tức được đáp trả bằng loạt tăng giá của sữa, thuốc tân dược, khí đốt gaz, cước taxi… Sẽ có nhiều loại hàng hóa cùng tăng giá trong thời gian tới và phải đến tháng sau chúng ta mới có báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của tháng này.

Trong thời gian ngắn nữa, vào tháng 10, theo thông lệ, cả nước sẽ áp dụng mức lương mới tăng cao hơn so với năm ngoái. Một lượng tiền rất lớn sẽ được chi ra lưu thông. Và đã thành một thông lệ, chỉ đến tháng 9 là giá cả đã rục rịch tăng cao để “đón đầu” mức lương mới.

Chính phủ cho biết, nhiều cơ quan cấp bộ đang khẩn trương tính toán tác động sau khi lương tăng. Nếu không có thêm biến động gì lớn khác từ dịch bệnh, mùa màng, thiên tai hay tăng giá đột biến loại nguyên liệu nhập khẩu quan trọng nào khác thì chỉ số giá tiêu dùng sáu tháng cuối năm đã phải đối đầu với giá xăng và lương tăng không hề đơn giản. Và đây mới chỉ là hai nhân tố gần gũi với túi tiền của người tiêu dùng.

Lạm phát không phải chỉ là câu chuyện vĩ mô, khi nó lồ lộ hiện ra thì cũng là lúc người tiêu dùng sẽ phải cắn chặt hàm răng hơn mỗi khi phải chi tiêu khoản gì đó. (Ảnh minh họa)

“Nóng bỏng” tín dụng

Một nhân tố quan trọng tác động mạnh đến lạm phát đến từ mức tăng trưởng “nóng” của tín dụng. Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 5 đã “vọt” tới 4,2%, cao hơn mức bình quân năm 2007. Năm 2007 là năm có mức tăng trưởng tín dụng kỷ lục (tăng tới hơn 51% dẫn đến lạm phát hoành hành năm 2008 (lạm phát cả năm 2008 là 22%) và đi liền với nó là hành động thắt chặt tiền tệ đột ngột làm hàng loạt doanh nghiệp trong nước lao đao.

Nếu không có giải pháp can thiệp nhằm giảm thiệt tăng trưởng cho vay tín dụng, một lượng tiền rất lớn sẽ tiếp tục được rót ra cho các doanh nghiệp. Với đà tăng trưởng hiện nay, đã có dự báo mức tăng trưởng cho vay tín dụng cả năm có thể đạt trên 30%, mức cao thứ ba chỉ sau năm 2007 và năm 2004. So với các nhân tố khác tác động đến lạm phát thì tăng trưởng cho vay tín dụng của hệ thống ngân hàng nhà nước có sức tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Trên bề nổi, các nhân tố gây tăng giá tiêu dùng hiện nay không có nhiều và không đáng quan ngại. Nhưng nhìn từ góc độ âm thầm hơn là tín dụng thì nguy cơ tái lạm phát đáng quan ngại.

Không phải là ngân hàng nhà nước không tính đến biện pháp “hãm” tăng trưởng cho vay vốn này. Đã có nhiều cuộc họp giữa ngân hàng nhà nước với hiệp hội ở ngân hàng nhằm chốt mức tăng này chỉ ở mức 25. Nếu hãm được ở mức trần đã chốt, tác động từ tăng trưởng cho vay tín dụng sang lạm phát không quá căng thẳng. Nhưng để hãm được lại quá khó. Hãm tăng trưởng cho vay tín dụng tức là đi ngược lại với chủ trương kích cầu, đi ngược lại với kế hoạch giải ngân gói giải pháp cứu trợ của chính phủ hiện nay. Theo kế hoạch cứu trợ ở nhóm kích cầu, từ nay đến cuối năm cần giải ngân thêm trên 300 ngàn tỷ đồng thông qua việc cho doanh nghiệp vay vốn. Một lượng tiền quá lớn và sẽ có tác động khó đoán đối với lạm phát.

Đã qua rồi giai đoạn thiểu phát năm 2008, khi mà các ngân hàng có tiền nhưng doanh nghiệp cũng không dám vay vì lãi suất cao và vì vay xong chẳng biết để làm gì. Đến nay, tốc độ vay tăng mạnh cũng là tín hiệu tốt cho thấy ở bộ phận nào đó, nhiều doanh nghiệp đang phục hồi, làm ăn trở lại nên cần tiền. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó. Khi tung tiền ra để chống thiểu phát thì sẽ rơi vào nguy cơ lạm phát. Vấn đề là lạm phát bao nhiêu và nền kinh tế thu được gì từ nguồn tiền cứu trợ khổng lồ đó.

Đây lại là câu chuyện mang tên hiệu quả đầu tư. Nếu phần lớn các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư cho những dự án, kế hoạch có hiệu quả cao thì lượng tiền đưa ra lưu thông sẽ sinh ra một lượng hàng hóa và dịch vụ tương ứng.

Mức độ lạm phát vì thế cũng thấp. Nhưng nếu phần lớn các khoản vay đầu tư kém hiệu quả hoặc đẩy vào những cuộc “đỏ đen” trên thị trường vốn khác nó sẽ tạo nên một lượng dư nợ xấu từ các khoản vay tín dụng, đe dọa khả năng thanh khoản của ngân hàng và nền kinh tế. Và đằng sau những câu chuyện tưởng như xa xôi này thì đến lượt hàng hóa tiêu dùng sẽ gõ hầu bao của người dân.

Nguy cơ lạm phát còn ở phía trước, nhưng nó phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý, đầu tư chính xác và hiệu quả ngay từ hôm nay.

Theo Hoàng Đình



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.