Giải cơn khát hay uống nỗi lo?

Cùng với những đợt nắng nóng khắc nghiệt và bất thường, thị trường nước giải khát mùa hè năm nay đang "tăng nhiệt" cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Những "hung tin" về các "sự cố" liên tục xảy ra trên thị trường giải nhiệt này, đại loại như nước khoáng đóng chai có vi khuẩn gây mủ, sản phẩm nước tăng lực nhập ngoại có chất gây nghiện và một số loại nước trà thảo dược "quá đát" khiến cho người tiêu dùng mỗi khi muốn giải cơn khát lại phải "uống" thêm một ít lo lắng cho mình.

Trong bối cảnh như vậy, việc "định vị" lại một cách chính xác thị trường, định vị lại trách nhiệm của các nhà sản xuất, quản lý, phân phối... là cách tốt nhất để khôi phục lại niềm tin đang có phần mai một của các "thượng đế"...

Nội - ngoại đều... không sạch

Bị tác động bởi cơn bão hàng tiêu dùng Trung Quốc đang tràn ngập Việt Nam, dư luận người tiêu dùng hiện nay đều cho rằng hàng giải khát kém chất lượng hiện đang lưu hành trên thị trường có xuất xứ từ "Tàu" và đều nhập lậu qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Trong chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn gần đây, khi làm việc với lãnh đạo hải quan một số cửa khẩu cũng như lực lượng QLTT ở đây, chúng tôi được biết: so với các mặt hàng khác như quần áo, đồ gia dụng, thực phẩm... các mặt hàng nước giải khát đi qua các địa bàn này không nhiều. Thậm chí, tại một số nơi như ở Cốc Nam - một cửa khẩu tiểu ngạch - không hề có bất cứ một loại nước giải khát nào từ Trung Quốc đi qua cửa khẩu.

Theo nhận định chung, ngoài một lượng không nhiều nước giải khát kém chất lượng nhập vào Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau, thì có một lượng không nhỏ nước giải khát kém chất lượng lại được sản xuất, pha chế ngay trong nước. Ngày 20/5 vừa qua Lực Lượng kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã thu giữ 7.200 lon nước tăng lực và nước cam nhãn hiệu Ánh Dương tại Cơ sở sản xuất nước giải khát Ánh Dương (quận Hà Đông, Hà Nội).

Cơ sở này đã dùng đường cyclamate, một loại đường bị cấm sử dụng trong chế biến lương thực thực phẩm, để sản xuất nước tăng lực và nước cam. Đặc biệt, nước sản xuất được lấy từ giếng khoan rồi lọc rồi qua pha phẩm màu vào sau đó múc đổ vào chai bằng phễu, cuối cùng là đóng nút bằng... tay. Rồi mới đây, dư luận lại được phen... hốt hoảng khi 3 container chứa 26 tấn hương liệu nước giải khát bị nghi "có vấn đề" của Công ty Tân Hiệp Phát bị các cơ quan chức năng phát hiện. Sự việc rồi cũng đã được doanh nghiệp và các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.

Tuy nhiên, những sự kiện nóng này cũng cho thấy rằng để "cắt" được nguồn nước giải khát kém chất lượng, chúng ta không chỉ "rào" cho kín vùng biên ải, mà còn phải làm cho "sạch" thị trường nội...

Siết chặt quản lý

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc dùng hương liệu kém chất lượng để chế biến thực phẩm có thể dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, gây dị ứng, ngứa ngáy, lở loét. Thậm chí, một số loại cồn, kim loại nặng trong dung môi hoặc chất độc của hương liệu còn có thể gây ung thư vì chúng là dẫn xuất của các hợp chất benzen mạch vòng.

Tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có những cảnh báo chính thức về tác hại của hương liệu đối với người sử dụng, cũng như chưa có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng hương liệu. Trên thực tế, hiện nay, tại các chợ của các trung tâm như Hà Nội, TP. HCM... đang tồn tại những "chợ hương liệu" mà muốn mua để pha chế thành bất cứ thứ nước có mùi gì, màu gì, vị gì các "thượng đế" đều được đáp ứng tùy thích. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xuất xứ, nguồn gốc, thành phần hóa học của các hương liệu này thì chẳng có ai khẳng định được (và cũng chẳng mấy người muốn công bố!).

Nhưng nghi ngờ thì cứ nghi ngờ, nếu không bắt được quả tang nhà sản xuất pha chế hương liệu kém chất lượng vào sản phẩm, rồi khi sản phẩm đã đóng chai, vô hộp, tung ra thị trường, thì chuyện làm xét nghiệm để biết hương liệu đó là hương liệu gì, thuộc nhóm hữu cơ hay vô cơ cùng các chỉ tiêu hóa lý vi sinh, xem có đúng như đăng ký hay không... lại là chuyện vượt quá năng lực của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đang trong tình trạng "đông mà không mạnh". Rất nhiều cơ quan quản lý, nhưng chức năng nhiệm vụ không minh bạch, chồng chéo lên nhau nhưng khi xảy ra sự cố thì lại rất lúng túng trong xử lý.

Vì vậy, việc buộc các cơ sở sản xuất tự nguyện minh bạch hóa quy trình cũng như nguyên liệu đầu vào trong việc sản xuất ra các loại nước giải khát là một điều kiện tiên quyết để lấy lại niềm tin cho các "thượng đế".

Đứng về phía người tiêu dùng

Có một tín hiệu đáng mừng xuất hiện trong thời gian qua đó là những động thái tích cực bảo vệ người tiêu dùng của những nhà phân phối. Ví dụ như ngay sau khi có thông tin về "sự cố" Tân Hiệp Phát, một số nhà phân phối có tên tuổi như Saigon Co-op, Big C đã ngay lập tức "đóng cửa" với các sản phẩm của doanh nghiệp này. Và sau khi có những thông tin phản hồi minh bạch và tích cực từ phía doanh nghiệp, họ đã "mở cửa" trở lại ngay.

Đó là một cách hành xử văn minh và sòng phẳng trong thời buổi mở cửa và hội nhập hiện nay. Nó vừa bảo vệ được quyền lợi và niềm tin của người tiêu dùng, trong khi vẫn bảo vệ và khôi phục được uy tín của nhà sản xuất.

Ngoài ra, điều căn bản nhất là người tiêu dùng phải biết trang bị những kiến thức cơ bản để bảo vệ quyền lợi của riêng mình. Theo ông Hồ Tất Thắng - Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì nước giải khát nằm trong nhóm 10 mặt hàng sản xuất có điều kiện. Vì vậy, trên sản phẩm bắt buộc phải có thông tin đầy đủ theo quy định.

Một là thông tin về nhãn hàng hóa công bố tiêu chuẩn chất lượng, chỉ tiêu chất lượng về khoáng, hàm lượng dinh dưỡng, vitamin... Hai là, thông tin về chỉ tiêu an toàn vệ sinh không được thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia đã được công bố. Ba là, thông tin xuất xứ nhãn hàng bao gồm: địa chỉ, cơ sở, số "serie", đối với sản phẩm nhập khẩu phải có xuất xứ, nhãn phụ (tức nhãn bằng tiếng Việt bên cạnh nhãn tiếng nước sản xuất). Bốn là, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải có tên cơ quan y tế có chức năng cấp giấy phép để sản phẩm đảm bảo tính pháp lý khi lưu thông, lưu hành trên thị trường.

Và cuối cùng, người tiêu dùng nên mua sản phẩm của những doanh nghiệp, thương hiệu uy tín. Người tiêu dùng thực hiện được tác phong mua hàng văn minh này, chắc chắn không còn phải "uống" nỗi lo khi dùng hàng giải khát mỗi ngày.

Theo Thành Tâm



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.