Hệ thống ngân hàng Síp đối mặt phá sản, bài học nhãn tiền cho Việt Nam

Dù mới chỉ là đề xuất và đang chờ Quốc hội Síp thông qua, thế nhưng kế hoạch này đã tác động mạnh đến tâm lý người dân đảo Síp

Dù mới chỉ là đề xuất và đang chờ Quốc hội Síp thông qua, thế nhưng kế hoạch này đã tác động mạnh đến tâm lý người dân đảo Síp. Sự cố rút tiền hàng loạt diễn ra đã đẩy các ngân hàng ở đây trước nguy cơ phá sản.

Cách đây chưa đầy một tháng, dư luận trong nước không khỏi xôn xao về đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoRea) thì mấy hôm nay đã phải chứng kiến sự phản ứng gay gắt của cộng đồng quốc tế với kế hoạch tương tự tại Cộng hòa Síp.

Cả hai trường hợp đều nhằm giải quyết khủng hoảng. Ở Việt Nam, người đề xuất cho rằng, việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên là cần thiết để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, mà thực chất là mong muốn dòng tiền này đi vào bất động sản – một lĩnh vực nhiều rủi ro và đang “đóng băng” sau nhiều năm tăng trưởng nóng.

Người dân đảo Síp nói Không với kế hoạch đánh thuế tiết kiệm (Ảnh: Bloomberg).
Người dân đảo Síp nói "Không" với kế hoạch đánh thuế tiết kiệm (Ảnh: Bloomberg).

Đánh đổi quyền lợi công dân vì chìm ngập nợ nần

Tại Cộng hòa Síp, đây được coi như sựa lựa chọn bất đắc dĩ của quốc gia nợ nần này theo yêu cầu của các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để được nhận gói cứu trợ trị giá 10 tỷ EUR. 

10 tỷ EUR so với quy mô của những gói cứu trợ khẩn cấp trước đó là không lớn nhưng nó lại tương đương hơn một nửa GDP Cộng hòa Síp (trị giá 18 tỷ EUR). Trong khi đó, tỷ lệ nợ/GDP của nước này đã ở mức 87% và có nguy cơ sẽ tăng lên 100% vào 2020.

Kế hoạch đúng như tuyên bố của một nhà kinh tế khi xảy ra khủng hoảng nợ châu Âu, rằng “những người gửi tiền sẽ phải chi trả cho đống đổ nát ở châu Âu, bởi họ là những người duy nhất còn tiền”.

Theo kế hoạch này, bên cạnh việc nâng thuế suất doanh nghiệp từ 10% lên 12,5% thì Chính phủ Síp còn phải đặt mức thuế suất 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 EUR và 6,75% đối với các khoản tiền gửi nhỏ hơn tại các ngân hàng trong nước này.

Sau đó, cũng có những nguồn tin không chính thức đề cập đến việc, nước này đang cân nhắc miễn thuế đối với những khoản tiền gửi có giá trị tới 20.000 EUR. Hay mức thuế suất sẽ điều chỉnh theo phương án: các khoản tiết kiệm từ 100.000-500.000 EUR phải chịu thuế 10%, trên 500.000 EUR chịu thuế 15% và những khoản dưới 100.000 EUR chỉ chịu thuế 3%. 

Một nguồn tin khác cho biết, các Bộ trưởng tài chính Eurozone đã đồng ý miễn thuế với những khoản tiền gửi giá trị dưới 100.000 EUR trong khi chờ Quốc hội nước này bỏ phiếu trưa 19/3.

Dù bằng cách này hay cách khác, nếu vẫn áp thuế tiền gửi với mục đích miễn làm sao thu về được 5,8 tỷ EUR thì người dân đảo Síp cũng sẽ bị “cuỗm” đi một phần lớn tài sản giữa bối cảnh lãi suất huy động ở quốc gia này là rất thấp.

Thị trường không ủng hộ

Biện pháp phòng vệ đầu tiên mà những người gửi tiền có thể làm là ngay lập tức đi rút tiền! Trong ngày 17/3, sau khi thông tin được ban bố, người dân Síp đã ồ ạt tới các ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Mặc dù, theo lời Tổng thống Nicos Anastasiades của nước ngày thì người dân sẽ được đền bù bằng cổ phiếu ngân hàng.

Hậu quả là chỉ trong vài giờ, các ngân hàng nước này bị cạn tiền, một số buộc phải đóng cửa và phải tạm ngừng giao dịch. Hai ngân hàng lớn nhất quốc gia này đứng trên bờ vực phá sản. Theo ước tính ban đầu, nếu thực hiện chính sách này, 2/3 số tiền gửi tại các ngân hàng Síp sẽ “bay” ra nước ngoài.

Dù chỉ là quốc gia nhỏ nhất châu Âu, đóng góp vỏn vẹn 0,2% GDP toàn khu vực nhưng quy mô hệ thống ngân hàng nước này là gấp nhiều lần kinh tế quốc gia. Trong khi đó, ngân hàng lại là lĩnh vực nhạy cảm, có tính “lây lan” lớn do hiệu ứng tâm lý của người gửi tiền.

Người ta lo ngại, không chỉ dòng tiền sẽ thất thoát khỏi đảo Síp mà những người gửi tiền ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia cũng sẽ đề phòng và rút tiền, tìm kiếm những nơi an toàn hơn. 

Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư vào Eurozone bị giáng một đòn mạnh. Người ta có quyền đặt câu hỏi, rằng với một quốc gia nhỏ bé như Cộng hòa Síp mà châu Âu còn không chi nổi tiền, phải lạm vào quyền lợi của người dân thì những “con nợ” khác trong khu vực khó lòng phục hồi nổi.

Như tin đã đưa, hôm qua, đồng EUR trượt giá thê thảm, chứng khoán toàn cầu lao dốc. Nối tiếp diễn biến tiêu cực ở các thị trường châu Á, đến lượt tại thị trường Mỹ, chỉ số Standard & Poor’s 500 tại thời điểm đóng cửa cũng đã bị mất 0,6%, xuống còn 1.552,10 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4%, xuống còn 14.452,06 điểm. 9 trong số 10 nhóm của chỉ số S&P 500 giảm điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính giảm điểm mạnh nhất.

Nếu kế hoạch được thông qua, dự kiến 2/3 số tiền gửi tại các ngân hàng Síp sẽ “bay” ra nước ngoài.
Nếu kế hoạch được thông qua, dự kiến 2/3 số tiền gửi tại các ngân hàng Síp sẽ “bay” ra nước ngoài.

“Tự bắn vào chân mình”

Hãng tin Reuters sáng nay dẫn lời phát ngôn viên điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc đánh thuế tiết kiệm là một hành động “không công bằng, không chuyên nghiệp”, và nếu nó được thực hiện thì sẽ trở thành “một tiền lệ nguy hiểm”.

Số liệu của Moody’s cho thấy, tính đến cuối năm ngoái, các ngân hàng của Síp đang giữ khoảng 19 tỷ USD của giới thượng lưu Nga.

Mowcos cho biết, đang xem xét cơ cấu lại khoản vay trị giá 2,5 tỷ EUR đã dành cho Síp trước đây và phối hợp với các biện pháp của EU nhằm hỗ trợ hòn đảo này.

Trong khi đó, phát ngôn viên quốc hội và là lãnh đạo của đảng xã hội EDEK, ông Yiannakis cho rằng, đây là một quyết định “cướp tiền của người gửi, chống lại mọi luật pháp cả thành văn cũng như bất thành văn”. Ông này khẳng định “chúng tôi phản đối đề xuất này”.

Người dân đảo Síp cũng đã đổ xuống đường phản đối yêu cầu mà các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra, đặc biệt là đối với nhà lãnh đạo Đức Angela Mergel. Họ cho rằng, “châu Âu dành cho tất cả mọi người dân chứ không phải chỉ riêng người Đức”.

Reuters dẫn lời một người biểu tình: “Chính phủ đã đánh mất tín nhiệm đối với nhân dân. Chúng tôi sẽ không còn theo đuổi đồng EUR mà sẽ trở về với đồng Bảng, chúng tôi không muốn một kết thúc tương tự như Hy Lạp”.

Nhiều nhà phân tích cũng đã cho rằng, quyết định của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone là một “quyết định khó hiểu”. Bởi điều này thậm chí sẽ dẫn đến những nguy cơ lớn hơn, làm sụp đổ hệ thống ngân hàng trên quy mô lớn. Điều đó chẳng khác nào là châu Âu đang tự bắn vào chân mình giữa lúc các quốc gia ở đây vẫn đang chìm ngập trong nợ nần, khủng hoảng.

Trở lại với đề xuất đánh thuế tiền gửi ở Việt Nam gần đây, ông Hoàng Văn Châu, Chủ tịch HoRea từng cho biết, “Hiệp hội đã hết sức nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu ý kiến nhiều phía”.

Tuy nhiên, ông này vẫn giữ lập luận cho rằng, với hàng chục tỷ đồng tiền lãi hàng năm mà người gửi tiền thu về hoàn toàn không phải đóng một đồng thuế nào là vô lý. Có lẽ là người đề xuất vẫn chưa tính đến những hệ quả đang diễn ra tại một quốc gia nhỏ bé ở châu Âu xa xôi?
Theo Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.