Logo và những bí ẩn thú vị

Đằng sau mỗi biểu tượng logo là cả một quá trình sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên biểu tượng Apple là quả táo cắn dở, hay Adobe là chữ A cách điệu, hoặc Motorola là chữ M trong vòng tròn…

Apple - Quả táo cắn dở

Logo đầu tiên của Apple được Ronald Wayne thiết kế năm 1976, nhưng hình dáng của nó không giống với logo hiện nay của hãng.

Logo đầu tiên của Apple thể hiện hình ảnh nhà bác học Isaac Newton ngồi dưới tán cây với một quả táo đang đu đưa trên cành chờ rụng xuống đầu ông. Logo này quá rườm rà và rối mắt.

Trải qua thời gian dài cải tiến, tới nay logo của Apple chỉ là một quả táo cắn dở màu trắng bạc. Với một logo “không thể đơn giản hơn”, Apple dần trở thành một tên tuổi sáng tạo nhất trong thế giới công nghệ.

Hình quả táo cắn dở được phần lớn mọi người nhận xét là ấn tượng nhất trong số những logo công nghệ hiện nay. Một quả táo được cắn dở mang lại cho người ta cảm giác độc đáo, khác lạ, đơn giản nhưng không hề đơn điệu.

Tuy nhiên, nhà sản xuất đã phải qua nhiều giai đoạn cải tiến mới có thể có được logo độc đáo này. Có người cho rằng từ logo quá rườm rà đầu tiên, các chuyên gia đã cắt bớt các chi tiết, chỉ để lại mỗi hình quả táo. Có người nói rằng ban đầu Steve Jobs thấy quả táo nguyên vẹn giống quả cam nên đã tạo ra một miếng cắn.

Về ý nghĩa, trái táo được coi là sức mạnh của sự khám phá (cũng nhờ trái táo mà nhà bác học Newton đã khám phá ra lực hút Trái Đất).

Với biểu tượng này, Apple muốn nhấn mạnh rằng họ sẽ mang lại sự hoàn hảo hơn cho thế giới công nghệ toàn cầu. Những sản phẩm mà Apple ra mắt người dùng (Macbook, iMac, iPod, iPhone…) đều được coi là những kiệt tác công nghệ được người dùng đánh giá cao.

Microsoft - Đơn giản nhưng đầy uy lực

Khác với Apple, Microsoft không có logo mang tính biểu trưng, thay vào đó hãng sử dụng luôn tên của tập đoàn để làm logo. Chính vì thế mà ngay từ đầu, kiểu chữ dùng cho logo đã được Microsoft nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Microsoft đã sử dụng kiểu chữ “typography” (dùng để khắc trên bản in) để khắc họa tinh thần cũng như ý nghĩa thương hiệu.

Logo đầu tiên của Microsoft ra đời năm 1975, lúc đầu được tách biệt làm 2 phần trên dưới: Micro (biểu trưng cho các thiết bị vi mạch, phần cứng máy tính) và Soft (phần mềm).

Năm 1982, Microsoft lại thay đổi logo, và lần này các chữ được nối với nhau chứ không nằm tách biệt như logo đầu tiên. Có thể với biểu tượng này, Microsoft muốn nói rằng họ là một thể thống nhất, không thể tách rời. Năm 1987, một lần nữa logo của Microsoft lại được thiết kế lại và nó được sử dụng cho tới ngày hôm nay.

Google - Sáng tạo không giới hạn

Năm 1996, hai sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Stanford - Larry Page và Sergey Brin đã tạo nên một công cụ tìm kiếm web mà sau này gọi là Google. Mới đầu, tên của Google là BackRub, ám chỉ khả năng có thể phân tích các “đường link đằng sau” (back link) liên quan tới một website cụ thể.

Sau đó, Larry và Sergey đã đổi tên công cụ tìm kiếm thành Google như một cách chơi chữ từ Googol. Logo đầu tiên của Google được Sergey Brin tạo ra bằng phần mềm đồ họa miễn phí GIMP. Đến năm 1999, Ruth Kedar - giáo sư tư vấn nghệ thuật cho trường Stanford đã thiết kế logo Google sử dụng cho tới ngày hôm nay.

Về mặt thiết kế và biến tấu logo, có thể nói Google là số 1 hiện nay. Tùy thuộc vào từng sự kiện trong năm (chẳng hạn như Giáng Sinh, năm mới, Halloween…), Google có thể biến tấu logo của mình theo nhiều cách khác nhau.

Có thể nói, logo Google là biểu tượng cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ của những bộ óc làm nên sự khác biệt của thế giới Internet hiện nay.

IBM - Đơn giản là sự cổ điển

Tính tới nay, IBM đã có tổng cộng 7 mẫu logo tất cả. Logo đầu tiên của IBM ra đời năm … 1888, và cho tới năm 1924, hãng này đã thay đổi logo tổng cộng 4 lần. Tất cả các logo này đều có một đặc điểm chung là rắc rối, phức tạp, và không mang nhiều ý nghĩa.

Cuối những năm 40, IBM bắt đầu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi từ hệ thống lập bảng bằng thẻ sang máy tính. Để biểu thị cho quá trình chuyển đổi quan trọng này, năm 1947, IBM đã lần đầu tiên thay đổi logo sau 2 thập kỷ, hướng tới sự đơn giản.

Đến 1972, với quyết tâm thay đổi hình ảnh, IBM đã nhờ đến nhà thiết kế thương hiệu nổi tiếng Paul Rand với mục đích tạo ra hình ảnh mới sang trọng và đơn giản hơn.

Trong thiết kế của hãng Paul Rand, logo là những đường ngang chạy song song tạo nên chữ IBM, ám chỉ đến tốc độ và tính năng động. Logo mới đã phát huy hiệu quả hình ảnh và được hãng IBM sử dụng từ đó đến nay.

Nokia - Sức mạnh của sự kết nối

Tiền thân của Nokia trước đây lại là những mặt hàng chả liên quan gì tới điện thoại di động. Năm 1865, Knut Fredrik Idestam đã lập nên nhà máy gỗ ở Tampere, tây nam Phần Lan.

Nhà máy gỗ này lấy tên Nokia sau khi nó được chuyển tới gần bờ sông Nokianvirta thuộc thị trấn có tên là Nokia. Cái tên “Nokia” trong tiếng Phần Lan lại có nghĩa là “đen tối”.

Trước khi sản xuất điện thoại và các thiết bị viễn thông, Nokia sản xuất giấy, xe đạp, giầy, TV, máy phát điện và nhiều thứ linh tinh khác.

Ngay dưới logo của Nokia là khẩu hiệu “Connecting people” (kết nối mọi người), biểu thị sự kết nối thông suốt cho những chiếc điện thoại và thiết bị di động Nokia.

Theo Gia Nguyễn



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.