Mạo hiểm cùng… sự miễn phí

Bước vào trung tâm Việt nguồn Tourism (TIC), dễ bắt gặp hình ảnh những du khách nước ngoài với nhiều hành lý cồng kềnh đang thả mình trên ghế nghỉ ngơi hay tham khảo những tờ thông tin Tour tuyến hoặc lướt NET gửi thư từ về cho người thân.

Andy Tùng Vũ – Giám đốc Việt nguồn Tourism

Xong việc, họ bước ra với tâm trạng vui vẻ. Tất cả mọi thứ đều miễn phí và những người sử dụng xem ra cũng đã quen với dịch vụ này. Người tạo dựng nên trung tâm dịch vụ miễn phí ấy cho du khách là một chàng trai Việt kiều tên là Andy Tùng Vũ. Anh đã chấp nhận bỏ tiền tỉ để kinh doanh theo kiểu “vừa làm vừa chơi” như vậy.

Từ một nhu cầu cá nhân…

Với Andy Tùng Vũ, người sang Canada sinh sống và học tập từ năm 15 tuổi, việc dồn toàn bộ vốn liếng để mở Việt Nguồn Tourism như một mối duyên nợ. Khi đất nước vừa mở cửa, trong những chuyến đi về thăm quê hương, anh nhận thấy chính mình và nhiều Việt kiều khác thật sự khát thông tin về Việt Nam.

Ngày đầu tiên đặt chân về nước, lang thang khắp sân bay và khu vực trung tâm thành phố mong tìm được một nơi hướng dẫn thông tin cho du khách – thường là sự trợ giúp miễn phí tại nhiều quốc gia khác – nhưng hoài công. Sau này, ấn tượng ban đầu ấy luôn ám ảnh và thôi thúc trong anh ý định mà nhiều người cho là “điên khùng”: mở một trung tâm thông tin du lịch miễn phí cho khách du lịch.

Năm 2005, một vị trí tuyệt đẹp ngay trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh là 4G – 4H Lê Lợi, quận 1, trước là trụ sở của Aeroflot – hãng hàng không Liên Xô (cũ) được cho thuê lại làm văn phòng. Nắm lấy cơ hội này, Andy quyết định bỏ ngang công việc thu nhập cao tại một công ty nước ngoài để chuyển sang kinh doanh và Trung tâm Việt nguồn Tourism (TIC) đã ra đời.

Ở nhiều nước, hình thức hỗ trợ miễn phí thông tin cho du khách thường do chính quyền bảo trợ và rót vốn thực hiện nhằm quảng bá du lịch. Nhưng ở Việt Nam, trung tâm của anh hoạt động gần như “thân cô thế cô”. Thời gian đầu, do khách nước ngoài chưa biết đến nhiều, khách Việt Nam thì hoàn toàn vắng bóng nên TIC hoạt động không hiệu quả. Đó là chưa kể sự e dè của các đối tác và cả chính quyền địa phương trước một trung tâm hoành tráng lại hoàn toàn miễn phí.

Andy Tùng Vũ phải như con thoi đi lại khắp nơi để tạo mối quan hệ với các đối tác và mở thêm nhiều tiện ích cho du khách, từ quầy thông tin, sách báo, bản đồ du lịch, Internet miễn phí cho đến những chế độ đặt phòng khách sạn ưu đãi từ 25 đến 50% so với giá niêm yết, rút tiền, đổi ngoại tệ hay làm visa. Khi đã tạo được những mối quan hệ cần thiết, anh vẫn phải tiếp tục củng cố cách làm dịch vụ để thuyết phục những người xung quanh. Nhiều người thường cho rằng cuộc đời chẳng ai cho không ai điều gì nên việc đưa ra những ưu đãi hấp dẫn còn khiến TIC bị mang tiếng là “cò hiện đại”.

Thực ra, TIC chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin chân thực và tiện lợi nhất cho du khách để họ lựa chọn. Andy Tùng Vũ không ngại ngùng nói ra sự thật: “Chúng tôi chỉ kinh doanh trên một phần nhỏ chiết khấu từ phía đối tác, khoảng từ 3 đến 5%, chứ không vòi tiền từ phía du khách.

Nhiều vị khách nước ngoài còn xem TIC như một trung tâm… giải quyết các rắc rối, từ chuyện mất visa, passport hay bị giật túi trên đường. Trong những tình huống ấy, chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ đến tối đa về thủ tục”.

…đến tham vọng thay đổi quan niệm của người Việt về TIC

Dần dà, sự hiện diện của TIC giữa lòng thành phố đã được công nhận. Nhiều công ty lớn cũng là đối tác lâu năm của TIC như Ngân hàng HSBC, ICE (trao đổi tiền tệ quốc tế), TAM Asia Travel Mate, Sushi Express, Dragon Fly cùng nhiều resort, khách sạn, spa và các trung tâm giải trí khác. Tính trung bình, mỗi ngày Việt Nguồn đón từ 350 đến 500 khách. Ngay trong giai đoạn du lịch gặp khó khăn như hiện nay, lượng khách mỗi ngày cũng không dưới 200.

Tuy nhiên, điều đáng nói là lượng khách đến với trung tâm có tới 95% là người nước ngoài, phần ít ỏi còn lại là những khách Việt Nam… lầm tưởng đây là công ty du lịch hay đại lý bán vé máy bay! Đó là thách thức lớn nhất với Andy Tùng Vũ vì theo anh thì “Thay đổi thói quen và nếp nghĩ từ bao lâu nay của người Việt về một trung tâm thông tin miễn phí là điều quá khó khăn. Chúng tôi đã đầu tư hơn bốn năm nay, nhưng hầu như người dân trong nước lại chưa nhận diện và đón nhận dịch vụ miễn phí thực sự từ TIC. Tôi sẽ còn phải cố gắng để vượt qua thử thách đó”.

Từ trung tâm miễn phí tiền tỉ ban đầu, Andy Tùng Vũ lại đang tiếp tục thực hiện tham vọng “ngông” của mình khi muốn TIC “phủ sóng” tại khắp các tỉnh thành, như một cầu nối, một vị sứ giả của du lịch Việt Nam. Một phần của ý định này cũng xuất phát từ sự thấu hiểu mong mỏi của bà con Việt kiều về thăm quê ngày một nhiều.

Hiện tại, ngoài trung tâm bề thế tại Thành phố Hồ Chí Minh, TIC cũng đã có mặt tại số 7 Đinh Tiên Hoàng – một vị trí “đắc địa” bậc nhất của thủ đô Hà Nội – và còn một quầy thông tin tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Thời gian tới, khoảng 20 – 30 điểm dịch vụ khác của TIC theo kế hoạch sẽ ra đời tại nhiều địa phương thuộc tuyến du lịch dọc chiều dài đất nước, trước mắt là Sapa, Hạ Long, Huế, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết… thậm chí vươn sang cả Lào và Campuchia.

“Khó khăn lớn nhất của tôi không phải là vốn, mà là những mặt bằng đẹp, nằm ngay tại khu vực trung tâm các thành phố, thị xã, nơi hầu như du khách nào cũng có thể tự tìm đến được. Song điều này rất cần sự hỗ trợ của chính quyền các địa phương” – anh cho biết. Hiện nay, anh vẫn đang chờ đợi phản hồi từ những lá thư xin hỗ trợ cho thuê mặt bằng đã được gửi đến nhiều tỉnh thành, để hành trình “thông tin du lịch miễn phí” được kết nối rộng khắp.

Theo Hải Yến



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.