Nỗi khổ đứng tên thay

Sở hữu nhiều tài sản khổng lồ trên giấy tờ, họ không ngờ lại rước vào mình hàng đống rắc rối. Nỗi lòng biết tỏ cùng ai?

Chuyện đứng tên thay không còn xa lạ trong xã hội ngày nay, thậm chí được xem là bình thường. Vì nhiều lý do, một số người không thể đứng tên tài sản của mình nên lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên thay.

Khóc, cười với hữu danh vô thực

Nhỏ thì đứng tên giấy tờ xe máy, lớn thì đứng tên xe hơi, đất đai, nhà cửa, thậm chí đứng tên làm chủ cả một công ty. Sở hữu trên danh nghĩa các tài sản mình chẳng biết "mặt mũi" khiến những người đứng tên thay gặp đủ chuyện dở khóc dở cười.

Chị Nguyễn Thanh Bình, 52 tuổi, nhà ở Q. Bình Thạnh, TP. HCM, là một trường hợp điển hình. Vốn quê gốc Quảng Ngãi, trải qua bao chật vật, chị mới có được một hộ khẩu thành phố. Cũng từ đó, đoạn trường đứng tên thay bắt đầu.

Cách đây 16 năm, lần đầu tiên chị đứng tên thay cho chiếc xe máy của anh họ. Nghỉ một buổi làm, chị xếp hàng lấy số mướt cả mồ hôi, chạy đi chạy lại như con thoi để hoàn tất giấy tờ cho ông anh.

Từ lần đầu tiên ấy, bà con, họ hàng, thậm chí người cùng làng cũng đến nhờ vả chị. Có khi trong một tháng, chị làm giấy tờ xe đến bốn lần.

Những khi bận quá, chị giao phó cho ông xã. Đến khi hai con chị đủ 18 tuổi, chúng cũng bước vào "sự nghiệp" đứng tên thay.

Có 1.001 hình thức đứng tên thay thì cũng có chừng ấy rắc rối và những rủi ro không thể lường trước

Tính sơ sơ, cả nhà chị Bình "sở hữu" khoảng 60 chiếc xe máy, từ xe số vài triệu đồng như xe Trung Quốc đến xe tay ga Nhật cả trăm triệu đồng.

"Sang trọng" hơn, vợ chồng chị Quế Mai, 49 tuổi, nhà ở Q. Tân Bình, TP. HCM, đứng tên hai chiếc xe hơi và ba miếng đất ở Q. 2, TP. HCM vì anh chị vốn có một người cháu ruột làm nghề kinh doanh địa ốc.

"Đầu tiên, nó nhờ vợ chồng tôi đứng tên hai miếng đất bên Q. 2 để tránh công ty dị nghị. Sau, nó nhờ chồng tôi đứng tên giùm chiếc xe hơi".

"Thoạt đầu, tưởng đứng tên xe hơi phải có giấy phép lái xe, ông xã tôi lóc cóc đi học lái xe. Học xong, bằng lái cũng xếp xó", chị Mai cho biết.

Xong thủ tục vẫn chưa hết chuyện

Theo luật sư Bùi Thái Giang, văn phòng luật sư An Việt Luật, ngoài các hình thức đứng tên thay ở trên, người ta còn có thể đứng tên vay tiền giùm thông qua các hợp đồng bảo lãnh tài sản cho bên thứ ba, đứng tên mua hàng trả góp, đứng tên để đăng ký mua sản phẩm mà người đứng tên được quyền ưu tiên...

Có 1.001 hình thức đứng tên thay thì cũng có chừng ấy rắc rối và những rủi ro không thể lường trước.

Điển hình như chuyện đứng tên xe máy, khi bán xe, người đứng tên thay cũng phải đứng ra lo giấy tờ. Tuy nhiên, như thế vẫn đỡ hơn nhiều so với việc người sở hữu thật tự ý bán xe mà không thông báo cho người đứng tên.

Chị Thanh Bình từng một phen rớt tim khi bị công an gõ cửa lúc ba giờ sáng vì chiếc xe máy chị sở hữu gây tai nạn và người lái xe đang bất tỉnh.

Cả nhà chị hốt hoảng chạy vào bệnh viện mới hay không phải người quen bị nạn. Hóa ra người nhờ chị đứng tên đã bán xe cho người khác nhưng không làm thủ tục sang tên. Thở phào nhẹ nhõm nhưng chị Bình cũng phải lên xuống cơ quan công an vài lượt để giải quyết xong việc.

Luật sư Bùi Thái Giang phân tích: "Việc đứng tên một chiếc xe rồi giao lại cho người khác không có nghĩa là xong trách nhiệm. Khi xe vi phạm luật giao thông, chính người đứng tên xe phải đi đóng tiền phạt hoặc lãnh xe".

"Nếu xe gây tai nạn trong tình trạng người điều khiển xe chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái, người đứng tên thay có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự".

Giám đốc danh nghĩa ký khống

Ngoài ra, theo luật sư Giang, những người muốn vay tiền nhưng không thể đáp ứng các điều kiện của ngân hàng cũng thường nhờ người đứng tên thay trong hợp đồng vay tài sản.

Khi đến hạn, nếu họ không trả được nợ, ngân hàng sẽ xuống làm việc với người đứng tên thay, xem xét tài sản để xử lý nợ...

Đứng tên thay mua hàng trả góp cũng rắc rối không kém. Nếu người chủ sở hữu thật sự mất khả năng trả góp, người đứng tên thay phải trả lại tài sản mình ký mua. Nếu không còn tài sản, chính họ phải bồi thường.

Nguy hiểm hơn cả là trường hợp đứng tên thay công ty. Nếu công ty làm ăn trái phép hoặc có điều khuất tất, người đứng tên phải chịu trách nhiệm liên đới, bất kể họ có tham gia hay không.

Nhìn chị Thu Hoài, thợ may ở chợ Bàn Cờ, Q. 3, TP. HCM, chẳng ai nghĩ chị đang là giám đốc của một công ty chuyên kinh doanh sắt thép. Giá trị mỗi hợp đồng từ vài tỉ trở lên nhưng trên thực tế, thu nhập bình quân của chị vào khoảng 60.000 đồng/ngày.

Việc đứng tên công ty là do anh trai chị nhờ. Anh của chị đã đứng ra làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty nên muốn nhờ chị đứng tên giám đốc.

Dăm bữa nửa tháng, cô thư ký của anh chị đến tận nhà, đưa một xấp giấy tờ cho chị ký tên. Cô thư ký chỉ tay chỗ nào, chị ký tên vào chỗ ấy chứ chẳng biết ất giáp gì.

Được hơn một năm, công ty vỡ nợ, anh chị ôm tiền tỷ bỏ trốn. "Tôi phải ra hầu tòa với chức danh giám đốc. Nhìn mớ giấy lộn đầy nghẹt chữ ký của mình, tôi chỉ biết khóc ròng. Tôi cố tìm cách liên lạc với anh trai nhưng vô ích", chị Hoài cay đắng nói.

Không chỉ tầng lớp lao động, ít hiểu biết về luật mới lâm vào cảnh chịu tội thay người. Ngay cả người trí thức, nếu không cẩn thận và quá tin người, vẫn sập bẫy như chơi.

Chị Nguyễn Minh Anh, ngụ Q. 8, TP. HCM vốn là dân Hà Nội vào TP. HCM lập nghiệp. Vài năm trước một người bạn chị ở Hà Nội nhờ chị đứng tên vị trí giám đốc nhân sự cho công ty với lý do: "Công ty mình mới thành lập, muốn tiết kiệm chi phí nên không thuê giám đốc nhân sự".

"Cậu đứng tên hộ mình để công ty trông có vẻ quy mô. Cậu chỉ cần công chứng bản sao chứng minh nhân dân và gửi ra cho mình là được".

"Giám đốc nhân sự không tham gia trực tiếp vào quá trình làm ăn của công ty", nghĩ vậy, chị Minh Anh đồng ý giúp bạn. Thế nhưng, cách đây vài tháng, chị nhận được điện thoại của công an kinh tế Hà Nội gọi chị ra Hà Nội gấp vì liên quan đến vụ lừa đảo hàng chục tỉ đồng.

Hoang mang, chị Minh Anh bay ra Hà Nội mới té ngửa bạn chị nhờ một đường dây "ma" để sắp xếp cho chị đứng tên ở vị trí giám đốc điều hành và dùng chữ ký giả để làm việc trong suốt hai năm qua.

Sự việc vỡ lở, người bạn bỏ trốn, để lại cho Minh Anh một đống nợ. Hiện nay, chị phải xin nghỉ phép không lương ở công ty để thu thập bằng chứng minh oan.

Trường hợp đứng tên thay công ty mà nếu công ty làm ăn trái phép hoặc có điều khuất tất, người đứng tên phải chịu trách nhiệm liên đới, bất kể họ có tham gia hay không

Theo luật sư Ngô Hoài Ái, văn phòng luật sư Công Anh, dù là người đứng tên thay, khi đã trực tiếp ký tên vào chứng từ, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Chức danh giám đốc thường là người đại diện trực tiếp cho công ty trước pháp luật nên trách nhiệm càng nặng nề. Tùy mức độ tham gia vào công ty và quy mô lừa đảo, người đứng tên thay có thể bị phạt tiền, thậm chí lãnh án tù", luật sư Ái cho biết.

Cân nhắc khi đứng tên thay

Luật sự Bùi Thái Giang nhận định: "Pháp luật không thừa nhận việc đứng tên thay. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiện tượng này vẫn xảy ra. Việc đứng tên thay rất dễ phát sinh rắc rối vì chỉ dựa trên sự tin tưởng là chính".

Khi được nhờ đứng tên thay, người nhờ xem như giao tài sản cho người được nhờ. Mối quan hệ giữa họ thường là người thân hoặc bạn bè thân thiết. Người được nhờ thường cả nể nên khó từ chối.

Khi được nhờ đứng tên tài sản, bạn phải cân nhắc tư cách của người nhờ và tính minh bạch của vụ việc. Người nhờ có đáng tin không? Tài sản họ nhờ bạn đứng tên do đâu mà có? Giấy tờ đứng tên có hợp pháp không?

Bạn nên làm giấy cam đoan với người nhờ để chứng minh bạn chỉ đứng tên thay và không liên quan về mặt pháp lý.

Bạn cũng nên thỏa thuận trước với người nhờ về những điều khoản như: yêu cầu họ báo cho bạn biết và làm mọi thủ tục sang tên khi bán tài sản, không giao phương tiện giao thông cho người dưới 18 tuổi hoặc không có bằng lái...

Nếu được nhờ đứng tên công ty, giám đốc và trực tiếp ký chứng từ, bạn nên từ chối ngay. Dù người nhờ chứng minh được họ làm ăn chân chính nhưng bạn không đủ điều kiện để theo dõi sát sao. Hậu quả rất khó lường.

Khi sự cố xảy ra, hãy gặp luật sư càng sớm càng tốt để tìm cách chứng minh sự trong sạch của mình.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.