Bà bầu có được làm đẹp?

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của phụ nữ, cho dù ở hoàn cảnh nào. Người phụ nữ trong giai đoạn chuẩn bị làm mẹ càng cần làm đẹp cho chính mình, bởi đó là một phần không thể thiếu của sức khỏe.

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của phụ nữ, cho dù ở hoàn cảnh nào. Người phụ nữ trong giai đoạn chuẩn bị làm mẹ càng cần làm đẹp cho chính mình, bởi đó là một phần không thể thiếu của sức khỏe.

Làm đẹp bằng mỹ phẩm thời trang

Theo BS Lê Thái Vân Thanh, BV ĐH Y Dược TP.HCM, thành phần trong kem chống nắng phù hợp cho mọi đối tượng, vì vậy, khi có thai, bạn nên tiếp tục duy trì loại kem chống nắng thường dùng. Nếu đổi thì nên chuyển sang loại chống nắng làm dịu da. Bên cạnh đó, thai phụ cần bảo vệ da kỹ hơn bằng các phụ kiện như nón, khẩu trang và áo khoác.

Mỹ phẩm được chia làm hai dòng: dược mỹ phẩm và mỹ phẩm thời trang. Dòng dược mỹ phẩm dùng để điều trị chuyên sâu những vấn đề của da như nám, mụn… khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ và phải theo dõi chặt vì dễ có tác dụng phụ. Dòng mỹ phẩm thời trang thường có tính chất dưỡng da nên ai cũng có thể sử dụng.

Do vậy, thai phụ vẫn có thể dùng mỹ phẩm thời trang cũng như các dòng sản phẩm dưỡng thể, dưỡng da tay và dưỡng tóc trước đó thường sử dụng để trang điểm và dưỡng da hàng ngày. Chỉ nên lưu ý và tránh dùng những sản phẩm có thành phần gây dị ứng với cơ địa - BS Phạm Xuân Khiêm, Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện STO-Phương Đông, tư vấn.

Nhiều thai phụ vì lo sợ trong phấn có thành phần không tốt cho thai nhi nên chuyển sang dùng phấn rôm để trang điểm. Song, đối với một số loại da, phấn rôm lại dễ sinh mụn. Vì vậy, bạn vẫn có thể trang điểm với những loại phấn đã quen sử dụng trước đó.

BS Khiêm còn cho biết, với những sản phẩm như nước hoa, son môi, sơn móng tay, thai phụ cần lưu ý việc có tiền sử bị dị ứng hay nhạy cảm quá mức với thành phần nào trong đó không. Biểu hiện cụ thể là khi tiếp xúc trong cự ly gần với mùi từ các sản phẩm kể trên, bạn có bị khó chịu hoặc hắt hơi hay chảy mũi không. Nếu có thì phải ngưng sử dụng ngay. Để an toàn, thai phụ nên hạn chế sử dụng: son môi có màu đậm, sơn móng tay có màu, vì trong thành phần của nó có hàm lượng kim loại nặng nhất định. Nước hoa nên sử dụng dạng thoa hoặc bôi hơn là dạng xịt.

Các liệu trình massage thư giãn kết hợp với nghe nhạc (đặc biệt nhạc hòa tấu) được khuyến khích cho thai phụ, tuy nhiên, chỉ nên massage nhẹ ở tay và chân. Khi massage, bà bầu nên yêu cầu kỹ thuật viên tránh bấm huyệt vì có thể gây ra những cơn co thắt nội tạng. Một số thai phụ vẫn giữ thói quen xông tinh dầu trong phòng, điều này chưa khẳng định được tốt hay không. Tuy nhiên, tinh dầu hiện bán trên thị trường đa số là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc không ghi rõ thành phần.

Hơn nữa, ngọn lửa để đốt tinh dầu có thể làm giảm lượng ôxy và tăng lượng CO2 trong phòng, gây khó thở. Xông hơi cũng tương tự, tuy nhiên trong quá trình đó, khi cảm thấy khó thở, thai phụ nên ra ngoài ngay chứ không nên cố gắng ở lại trong phòng - BS Vân Thanh cho biết thêm.

Bà bầu vẫn có thể làm móng tay-chân nhưng phải bảo đảm khâu vệ sinh của dụng cụ cắt, tỉa, khăn lau để tránh bị nấm hoặc các bệnh ngoài da; cũng không nên khoét quá sâu vùng da quanh móng để không gây tổn thương móng.

Hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất

BS Phạm Xuân Khiêm lưu ý, trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ, thai phụ nên hạn chế (kiêng càng tốt) việc tiếp xúc với các hóa chất trong: son môi, nước hoa (có thành phần chính là phenol), sản phẩm nhuộm tóc và uốn tóc. Những bà mẹ khó khăn trong mang thai (thụ tinh trong ống nghiệm) hoặc đã bị sẩy thai nhiều lần cần hạn chế việc làm đẹp liên quan đến hóa mỹ phẩm; nên dành thời gian cho thư giãn, trò chuyện với đứa con vào ba tháng cuối, nghe nhạc và ăn trái cây.

Các loại thuốc uốn, ép tóc thường có chứa axit. Trong khi mang thai, da dễ ngấm nước, các loại thuốc này có thể ngấm qua da đầu, gây ra những tổn thương có thể ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí có thể gây sẩy thai. Vì vậy, thai phụ không nên thực hiện những dịch vụ này để tránh tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Một trong những quan điểm sai lầm của thai phụ khi mang thai là liên tục sử dụng kem chống rạn nứt da, đặc biệt cho cả vùng tuyến vú. Nguyên nhân của tình trạng bị rạn nứt da trong quá trình mang thai là do hoóc môn thai kỳ (beta HCG) tiết ra từ nhau thai khiến cho các mô dưới da ngấm nước, làm giãn các sợi collagen, dẫn đến đứt gãy theo tiến độ lớn lên của thai.

Một nguyên nhân phụ khác là do tình trạng thai nhi phát triển quá mức (thai trên 4kg hay gọi là thai to) khiến da của mẹ không kịp đàn hồi. Để tăng độ bền, độ đàn hồi của sợi collagen, chỉ có thể thực hiện bằng cách phòng ngừa thông qua việc cung cấp vitamin C, chất xơ từ rau, canxi từ xương động vật (cá, tôm, tép). Điều quan trọng là quá trình này phải được bắt đầu từ lúc bốn - năm tuổi và duy trì đến khi mang thai chứ không thể một sớm một chiều mà được. Do vậy, việc bị rạn nứt da hay không sẽ tùy thuộc nhiều vào cơ địa của từng thai phụ chứ không dựa vào việc thoa kem chống rạn sớm hay muộn, đều hay không đều.

Một sai lầm khác của nhiều thai phụ là uống những loại thuốc làm sáng da. Trong thai kỳ, dưới ảnh hưởng của hóc môn nhau thai, da mặt có thể bị sạm, tuy nhiên, triệu chứng này sẽ mất đi sau khi sinh. Vì vậy, việc uống thuốc hay dùng mỹ phẩm làm giảm nám vừa tốn chi phí mà lại có khả năng gây tổn thương cho da.

Theo Vĩnh Phúc
PNO



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.