Thành Long: Sinh ra để trở thành ngôi sao

Với hơn 100 tác phẩm mà hầu hết đều đạt doanh thu thuộc hàng “khủng”, Thành Long trở thành một ngôi sao bảo chứng doanh thu phòng vé của Trung Hoa và thế giới.

Với hơn 100 tác phẩm mà hầu hết đều đạt doanh thu thuộc hàng “khủng”, Thành Long trở thành một ngôi sao bảo chứng doanh thu phòng vé của Trung Hoa và thế giới.

Những bộ phim Thành Long góp mặt luôn đem lại sự yêu thích cho khán giả bởi những pha võ thuật đẹp mắt cũng như sự hài hước trong chính cách diễn của anh.

Những cột mốc trong sự nghiệp của Thành Long


Thành Long tên thật là Trần Cảng Sanh, sinh ngày 4/7/1954 trong một gia đình nghèo, cha mẹ đều làm việc trong Lãnh sự quán Pháp tại Hong Kong. Thuở nhỏ, anh là một cậu bé hiếu động, mê phim võ hiệp và rất thích đánh nhau, không chịu học hành nên năm lớp một đã bị lưu ban. Do công việc đầu bếp ở Lãnh sự quán quá bận bịu, không có thời gian chỉ bảo cho cậu con trai tinh ngợm nên cha Thành Long quyết tâm đưa anh gửi vào lớp đào tạo diễn viên Kinh kịch của nghệ sĩ Vu Chiêm Nguyên. Tại đây, Thành Long bắt đầu những tháng ngày tập luyện vất vả nhưng lại là cánh cửa mở ra đưa anh bước vào thế giới nghệ thuật đầy màu sắc. Lớp học có 7 cậu bé, khi lên sân khấu biểu diễn được giới thiệu là Thất tiểu phúc, với những nghệ danh do đích thân sư phụ đặt, gồm Nguyên Long (tức Hồng Kim Bảo), Nguyên Khuê, Nguyên Hoa, Nguyên Lâu (tức Thành Long), Nguyên Bân, Nguyên Đức và Nguyên Bưu.

Ngoài việc học hát Kinh kịch, học vũ đạo, Thất tiểu phúc còn được truyền dạy võ nghệ. Vì thế mà cả bảy sư huynh đệ đều giỏi võ, được mời làm diễn viên đóng thế các pha võ thuật trong một số phim võ thuật của điện ảnh Hong Kong những năm 1970-1975. Rất ít người biết rằng Thành Long từng đóng vai quần chúng, bị Lý Tiểu Long đánh te tua trong các phim "Long tranh hổ đấu", "Tinh võ môn".

Chính vì làm diễn viên đóng thế quá vất vả, lại chẳng kiếm được bao nhiều nên Thành Long – lúc ấy với nghệ danh Nguyên Long, ôm ấp giấc mơ, sẽ có lúc mình được đóng vai chính. Để thực hiện mục tiêu, anh ra sức trau dồi diễn xuất. Và cuối cùng, vị cứu tinh của Thành Long đã xuất hiện. Đó là đạo diễn La Duy.

Đạo diễn La Duy chính là người đã đặt lại nghệ danh Thành Long, thay cho cái tên Nguyên Long với mong muốn anh sẽ trở thành một con rồng. Chỉ trong ba năm 1976, 1977, và 1978, Thành Long đóng 12 phim, hầu hết là của đạo diễn La Duy. Tuy nhiên, người đưa cái tên Thành Long bước lên hàng diễn viên ngôi sao lại là đạo diễn Viên Hòa Bình với bộ phim "Túy quyền".

Cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 90, Thành Long tham gia hàng loạt phim và thu được thành công lớn cả về doanh thu lẫn giải thưởng điện ảnh ấn tượng đưa tên tuổi Thành Long trở thành một ngôi sao điện ảnh xuất sắc của châu Á.

Năm 1982, anh thực hiện bộ phim "Long thiếu gia" với vai trò đạo diễn kiêm diễn viên. Thành Long bắt đầu thử nghiệm vô số cảnh hành động mạo hiểm đa dạng khác nhau. Bộ phim có thể được xem như bước chuyển mình trong phong cách phim của anh, từ thể loại phim võ thuật hài chuyển sang phim hành động mạo hiểm hiện đại.

Năm 1983, bộ phim "Kế hoạch A" đánh dấu lần hợp tác đầu tiên của ba anh em Thành Long, Hồng Kim Bảo và Nguyên Bưu. Với một kịch bản phức tạp và lắc léo trong bối cảnh đậm tính lịch sử, cùng nét hài hước duyên dáng của Thành Long, và dĩ nhiên, rất nhiều cảnh hành động và đánh nhau nghẹt thở, "Kế hoạch A" là bộ phim khẳng định tài đạo diễn của Thành Long. Phim giành được giải Chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất, đồng thời đưa Thành Long vào danh mục đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Hong Kong (hay còn gọi là giải Kim Tượng) lần thứ 3.

Năm 1984, ba anh em Thành Long, Hồng Kim Bảo và Nguyên Bưu cùng xuất hiện trong "Quán ăn lưu động". Bộ phim đã kết hợp một cách vô cùng tuyệt vời giữa những màn vô thuật hài hước cùng các trò tếu vui nhộn. Phim đã thu về hơn 21,4 triệu HD$ (khoảng 58 tỷ VNĐ) cùng một đề cử dành cho Chỉ đạo võ thuật xuất sắc tại giải Kim Tượng 1985.

Năm 1985, Thành Long ra mắt bộ phim "Câu chuyện cảnh sát" đầu tiên, một bộ phim hài mang ảnh hưởng phong cách Mỹ. Trong phim này Thành Long kiêm vai trò đạo diễn và diễn viên chính. Phim đã thu về 26,6 triệu HK$ (khoảng 72 tỷ VNĐ) và hàng loạt đề cử trong giải Kim Tượng 1986 trong đó có giải Phim hay nhất và Diễn viên chính xuất sắc nhất.

Vào năm 1986, Thành Long đóng vai Á châu Phi Ưng, một nhân vật mang phong cách Indiana Jones, trong bộ phim "Kế hoạch Phi Ưng". Bộ phim là thành công lớn nhất tại các rạp chiếu phim trong nước của Thành Long cho đến nay, thu được lợi nhuận hơn 35 triệu HK$ (khoảng 94,5 tỷ VNĐ). "Kế hoạch Phi Ưng" có vô số cảnh hành động mạo hiểm thỏa mãn thị hiếu của khán giả. Bên cạnh số kinh phí khổng lồ, Thành Long còn chấp nhận đánh cuộc mạng sống của mình với mỗi cảnh nguy hiểm để có thể tạo ra một bộ phim hành động tiêu biểu của điện ảnh Hong Kong.

Năm 1994, Thành Long tái diễn vai diễn Hoàng Phi Hồng của anh trong "Túy quyền II", bộ phim được liệt vào một trong 100 phim hay nhất mọi thời đại của Tạp chí Time. Với kinh phí 2 triệu USD phim đạt tổng doanh thu vào khoảng 16,8 triệu USD trên toàn thế giới và thu về rất nhiều giải thưởng danh giá giúp nâng cao tầm ảnh hưởng của Thành Long ra quốc tế.

 

Những thành công tại Hollywood

Kể từ năm 1982, Thành Long bắt đầu tấn công thị trường Hollywood, nhưng giai đoạn đầu lại không được thuận lợi. Đến năm 1995, anh mới thành công trong việc đột phá thị trường Bắc Mỹ với bộ phim "Rumble in the Bronx" của đạo diễn Đường Quý Lễ.

Sự thành công của anh được tiếp nối bằng sự phát hành bộ phim "Câu chuyện cảnh sát 3" vào năm 1996 tại Hoa Kỳ dưới tên "Supercop", thu được khoản lợi nhuận là 16 triệu USD.

Năm 1998, Thành Long tiếp tục công phá thị trường Bắc Mỹ trong bộ phim hài hành động "Rush Hour" (Giờ cao điểm). Đạo diễn Brett Ratner đã không sai lầm chút nào khi bắt cặp cho Thành Long đóng cùng Chris Tucker, hai chàng cảnh sát quậy phá này đã khiến cho khán giả cười không ngớt từ đầu đến cuối. Bộ phim đã thu về 244 triệu USD cùng vô số giải thưởng và đề cử của Mỹ như giải Grammy 1999, giải MTV Movie 1999…

Cùng năm đó ở thị trường Hong Kong, Thành Long đã ra mắt bộ phim "Tôi là ai" do anh đồng đạo diễn với Trần Mộc Thắng. Bộ phim về chàng đặc nhiệm bị mất trí khi đang thi hành nhiệm vụ đã mang về cho Thành Long một giải Chỉ đạo võ thuật xuất sắc nhất và bốn đề cử khác trong các hạng mục Diễn viên chính xuất sắc nhất, Dựng phim xuất sắc nhất, Thiết kế âm thanh xuất sắc nhất và Phim hay nhất tại giải Kim Tượng 1999.

Kể từ đó, anh liên tục gặt hái thành công tại Hollywood với các bộ phim như "Shanghai Noon" (2000), "The Accidental Spy" (2001), "Rush Hour" 2, 3 (2001 và 2007), "Shanghai Knights" (2002), "The Spy Next Door" (2010)… và gần đây nhất là "The Karate Kid" – chỉ với 40 triệu USD kinh phí đã thu về gần 340 triệu USD.

Năm 2012, trong dịp tham dự Liên hoan phim quốc tế Cannes lần thứ 65, Thành Long đã tuyên bố "12 con giáp" – tác phẩm thứ 101, là bom tấn hành động hài cuối cùng trong sự nghiệp của anh. Với doanh thu gần ngưỡng 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 160 triệu USD) sau hơn một tháng công chiếu, Thành Long có thể hài lòng với "12 con giáp" và khán giả cũng cảm thấy mãn nguyện.
Theo ĐAVN


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.