Hà Nội: Vợ trẻ sợ chuyện ấy vì bị dị ứng... tinh trùng

Kết hôn được 3 năm, vợ chồng trẻ vẫn chưa có con vì tình trạng dị ứng tinh trùng.

Sợ làm chuyện ấy vì dị ứng tinh trùng

Cứ mỗi lần quan hệ tình dục với chồng, chị Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Hà Nội lại bị ngứa, viêm đến vài tuần liền. Tình trạng này khiến chị dần sợ gần gũi chồng.

Do đó, dù đã kết hôn được 3 năm nhưng mong muốn có em bé của vợ chồng chị vẫn chưa trở thành hiện thực.

Chị Ngọc là một trường hợp được ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám mới đây.

Hà Nội: Vợ trẻ sợ chuyện ấy vì bị dị ứng... tinh trùng-1
Cứ mỗi lần quan hệ tình dục với chồng, bệnh nhân lại bị ngứa, viêm đến vài tuần liền (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Đáng chú ý, theo chia sẻ của bệnh nhân, tình trạng ngứa, viêm chỉ xuất hiện khi người chồng quan hệ mà không dùng bao cao su.

"Qua thăm khám, chúng tôi xác định bệnh nhân bị dị ứng với tinh trùng", BS Thành chia sẻ.

Bên cạnh tinh trùng, chị Ngọc còn bị dị ứng với băng vệ sinh. Mỗi khi đến ngày đèn đỏ phải sử dụng sản phẩm này, vùng kín của bệnh nhân lại đỏ ửng lên.

Theo BS Thành với người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ có tình trạng dị ứng với nhiều tác nhân khác nhau.

BS Thành lý giải, tinh dịch là một chất dịch có chứa nhiều thành phần như tinh trùng, các protein, enzyme… Khi tiếp xúc niêm mạc bộ phận sinh dục nữ, các thành phần trong tinh dịch có thể trở thành một dị nguyên (chất gây dị ứng) ở một số phụ nữ có cơ địa dị ứng.

Dị ứng tinh trùng có thể gây ra các phản ứng tại chỗ vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc. Hầu hết phụ nữ sẽ thấy các triệu chứng của viêm da tiếp xúc (phát ban đỏ, ngứa do tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng) bên trong ống âm đạo, bên ngoài môi âm hộ hoặc xung quanh hậu môn.

Các triệu chứng của dị ứng tinh trùng bao gồm: phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch (sưng mặt, cánh tay hoặc chân), mẩn đỏ.

"Cá biệt, với các trường hợp nặng, tình trạng dị ứng tinh trùng có thể gây ra các phản ứng toàn thân, thậm chí là sốc phản vệ", BS Thành nhấn mạnh.

Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn vì dị ứng tinh trùng

Đáng nói, với người mắc chứng bệnh này, tinh trùng có thể bị kháng thể của người phụ nữ ức chế, ngưng tụ hoặc bất hoạt, không thể di chuyển vào trong để thực hiện chức năng thụ tinh.

Vì vậy cho dù chị em có cố vượt qua cảm giác khó chịu để quan hệ không dùng bao cao su, vẫn có nguy cơ vô sinh - hiếm muộn.

Trong trường hợp của chị Ngọc, theo BS Thành, để thực hiện mục tiêu có con, phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) có thể là một giải pháp hiệu quả.

Hà Nội: Vợ trẻ sợ chuyện ấy vì bị dị ứng... tinh trùng-2
Bơm tinh trùng vào tử cung là một giải pháp cho bệnh nhân dị ứng tinh trùng (Ảnh: Đức Trịnh).

"Với phương pháp này, tinh trùng của người chồng sẽ được lọc rửa. Thay vì để tinh trùng tiếp xúc trực tiếp với âm đạo (chỗ xuất hiện tình trạng dị ứng) như quan hệ thông thường, các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung", BS Thành cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, bơm tinh trùng vào buồng tử cung cũng là phương pháp hay được áp dụng để điều trị vô sinh hiếm muộn do các nguyên nhân như: rối loạn xuất tinh, tinh trùng ít, kém di động, dị dạng…

Từ trường hợp của chị Ngọc, BS Thành khuyến cáo, chị em phụ nữ nếu thấy xuất hiện dấu hiệu bất thường sau khi quan hệ như: lưỡi hoặc cổ họng bị sưng, mẩn ngứa và rát ở vùng kín, phát ban trên da, buồn nôn, thở khò khè, chóng mặt… cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám.

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-noi-vo-tre-so-chuyen-ay-vi-bi-di-ung-tinh-trung-20230615065057365.htm?fbclid=IwAR0l8j0nBZCMKsThs3_x2aAtGLVZCd-AS3ozJDuWJAesTJJN6GpJlKtavlg

chuyện ấy


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.