Những món ngon ngày Tết có thể gây hại cho sức khỏe

Những món ăn truyền thống trong ngày Tết nếu ăn không đúng cách sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.

Mứt, bánh chưng, canh măng, dưa cà muối, thức ăn nhanh... là những món ăn hầu như nhà nào cũng có vào những ngày lễ Tết. Đó là những món ăn truyền thống tuy nhiên, hãy lưu ý ăn sao cho đúng cách để không gây nguy hại cho sức khỏe.

1. Bánh chưng

Bánh chưng là một món ngon, đặc trưng trong ngày tết chứa nhiều chất dinh dưỡng và giàu năng lượng, nhưng không phải ai cũng có thể ăn bánh chưng thỏa thích. Nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến đầy hơi, khó tiêu. Nếu đã mắc bệnh béo phì thì không nên ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán vì món này rất giàu năng lượng, nhiều chất béo. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, cũng không thể ăn nhiều vì sẽ tăng đường huyết khiến bệnh thêm nặng. Đối với người mắc bệnh thận thường kèm theo các triệu chứng như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc tăng mỡ máu càng cần tránh xa bánh chưng vì nó rất nhiều chất béo.

Thành phần chính của bánh chưng là gạo nếp và đậu xanh – đây là 2 nguyên liệu sẽ tạo ra hơi khiến người bệnh đầy bụng, khó chịu, ợ chua, khó tiêu... Vì thế, người bị đau dạ dày, nếu ăn nhiều cũng rất hay đầy bụng, ậm ạch khó chịu.  Ngoài ra, người mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch cũng không nên ăn bánh chưng.

Nếu bánh chưng bị mốc dù có rán hay luộc lại thì độc tố trong bánh vẫn còn vì vậy không nên tiếc mà cố ăn để tránh bị đau bụng, tiêu chảy hoặc ngộ độc.

2. Các món muối chua

Dưa hành, dưa cải,.. là những món được yêu thích trong ngày Tết, có vị chua ngọt rất dễ ăn. Nó có tác dụng giảm ngấy, kích thích vị giác ngon miệng hơn khi ăn những món ăn béo ngậy như thịt mỡ, bánh chưng ngon… Chất xơ trong dưa muối , củ kiệu muối còn có khả năng chống béo phì, cải thiện sự bài tiết cholesterol. Tuy nhiên, dưa hành, củ kiệu nếu không biết sử dụng đúng cách, đúng đối tượng sẽ trở thành tác nhân gây bệnh cho sức khỏe bạn vì phần lớn các món muối chua đều được chế biến với rất nhiều muối. Bởi bạn sẽ đối mặt với nguy cơ tăng huyết áp, có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ và đau tim.

Ngoài ra, các loại thức ăn muối mặn như: Dưa chua, cà pháo, củ kiệu… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày do có chất nitrosamin.

Khi hành muối, kiệu muối để quá lâu bị nổi váng hoặc mốc đen thì tuyệt đối không nên dùng vì có thể gây bệnh ung thư gan, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tim, phổi và sản sinh ra một số chất độc hại khác. Đối với hành muối, kiệu muối bị mốc nổi váng trắng thì có thể hớt bỏ váng, dùng nước ấm rửa sạch để ăn.

Những trường hợp bị viêm loét dạ dày hoặc mắc các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa khi mang thai thì không nên ăn những món muối chua.

3. Thức ăn sẵn, xông khói

Trong ngày Tết, thức ăn sẵn như thịt xông khói, chân giò muối, xúc xích, lạp xưởng... khá thông dụng vì sự tiện lợi mà lại ngon miệng. Tuy nhiên, thực phẩm loại này phải dùng gỗ, than làm chất đốt để chế biến. Nhiên liệu đốt lên sẽ phát tán ra một loại chất độc có thể làm ô nhiễm các thức ăn được xông nướng, và có thể gây ra ung thư.

Ngoài ra, những thực phẩm này có chứa nhiều muối và một lượng lớn chất béo bão hòa có thể dẫn đến huyết áp cao, làm tăng nguy cơ bệnh tim và béo phì. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, chất bảo quản có trong thịt xông khói có thể gây nguy cơ ung thư. Vì vậy, tốt nhất nên hạn chế tối đa việc nạp các thực phẩm này vào cơ thể.

4. Các loại mứt

Mứt tết là thực phẩm không thể thiếu trong những ngày tết của gia đình người Việt, nhưng nó cũng có thể là mầm gây họa cho sức khỏe.

Mứt là các thực phẩm dinh dưỡng vì có chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể như đường bột, protein, axit hữu cơ, vitamin và khoáng chất, nhiều chất chống lão hóa tốt cho sức khỏe. Đặc biệt hơn là các nhóm hóa thực vật có tác dụng chống oxy hóa tế bào tăng cường lợi gan, thải độc cho cơ thể.

Tuy nhiên, mứt thường quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, người có đường máu cao, béo phì, hay người muốn ăn kiêng. Ăn nhiều mứt dễ sinh đầy bụng và làm giảm mất cảm giác đói, do đó làm hạn chế cảm giác thèm ăn trong 2 bữa ăn chính hay có cảm giác mệt mỏi do cơ thể chỉ nhận năng lượng từ đường mà thiếu các chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất.

Đối với mứt tết, chỉ nên sử dụng như một loại gia vị cho cuộc sống, nghĩa là ăn rất ít để hương vị tết thêm ngọt ngào.

5. Canh măng

Vào ngày Tết, bát canh măng không thể thiếu trong mâm cỗ. Tuy nhiên, việc sử dụng măng không đúng cách sẽ hết sức nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây tử vong. Trong măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Khi người ăn phải măng có chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide ngay lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là một chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc. Để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng.

Để có cái Tết khỏe mạnh, cần ăn uống nhiều chất xơ, hạn chế đồ béo, chất ngọt, nước uống có gas và đặc biệt cần tăng cường rèn luyện thể thao. Ít nhất mỗi ngày, mỗi người nên bỏ ra 45- 60 phút chơi một môn thể thao nào đó để duy trì sức khỏe.

Hà Linh/VietNamNet (tổng hợp)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.