Ung thư có thật sự đáng sợ?

Ung thư ảnh hưởng mọi người, là gánh nặng lớn cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Ung thư ảnh hưởng mọi người, là gánh nặng lớn cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Nhắc đến ung thư, ai cũng xem đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới và hiện vẫn chưa được chữa trị triệt để. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được bản chất thực sự của căn bệnh này và những giai đoạn phát triển của nó.

Ung thư là gì?

Khi nhắc đến ung thư, nhiều người hay hiểu đơn giản đó là một khối u ác tính hình thành trong cơ thể và phát triển theo nhiều giai đoạn, đến giai đoạn cuối sẽ di căn khiến người bệnh tử vong.

Khối u ác tính thực chất là do một gene trong cơ thể gặp lỗi trong quá trình sản xuất. Cơ thể chúng ta luôn tái tạo tế bào để phát triển, để thay thế, chữa trị cho những tế bào đã chết hoặc bị tổn thương. Quá trình này do một bộ gene kiểm soát và khi gene này gặp lỗi sẽ dẫn tới sự phát triển không bình thường của tế bào, nói cách khác là gây ra ung thư.

Tuy nhiên, không phải gene lỗi nào cũng phát triển thành ung thư. Có thể chia sự phát triển bất bình thường này thành 2 loại: U lành tính và u ác tính.

U lành tính là những khối u không xâm lấn vào cơ quan và các mô xung quanh cơ thể bởi vậy không gây ung thư.

Trong khi đó, u ác tính, như chúng ta vẫn gọi là ung thư, ban đầu có thể chỉ phát triển giới hạn trong một phạm vi nhất định. Nếu những tế bào này không được điều trị hay xử lý sớm, chúng sẽ xâm lấn ra bên ngoài, vào những bộ phận xung quanh trong cơ thể và gây tổn hại cho các mô, đây chính là giai đoạn di căn của khối u.

Ung thư có thật sự đáng sợ?-1
Tầm soát phát hiện sớm là yếu tố quyết định điều trị ung thư hiệu quả. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Nguyên nhân dẫn đến ung thư

Nguyên nhân dẫn đến ung thư được xác định chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể, gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền, những nguyên nhân này thường không thay đổi được.

Ngược lại, hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan yếu tố môi trường sống, bao gồm: Lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tật xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý dẫn đến thừa cân, béo phì, tim mạch, tiểu đường, huyết áp, quan hệ tình dục không an toàn…

Một số ung thư thường gặp

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, trên thế giới, 5 loại bệnh ung thư gây tử vong phổ biến nhất ở đàn ông là (theo thứ tự tần suất): Ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.

5 loại bệnh ung thư gây tử vong cao nhất ở phụ nữ là (theo thứ tự tần suất): Ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày.

Tuy nhiên, khoảng 30%-50% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Hút thuốc lá là nguyên nhân duy nhất gây bệnh ung thư có thể phòng ngừa được. Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra khoảng 22% số ca tử vong liên quan đến ung thư.

Phân biệt khối u lành tính và khối u ác tính

Ung thư là từ ngữ nói chung về loại bệnh gây ra sự biến đổi về sinh sản, tăng trưởng và tính năng của tế bào, các tế bào bình thường trở nên bất thường (đột biến) và tăng sinh một cách không kiểm soát.

Sau nhiều lần nhân lên, các tế bào ung thư hình thành một khối ung thư có khả năng xâm lấn, phá hủy chính tại mô, cơ quan mà nó sinh ra và cả xung quanh.

Khối u lành tính: Phát triển rất lâu, có thể mềm hoặc chắc, phân chia rõ ràng, chủ yếu là có vỏ xơ bao bọc, không lan rộng đến các mô, khu vực khác, thực hiện được việc bóc tách hoặc cắt bỏ, rất ít khi tái phát.

Khối u ác tính: Phát triển tốc độ nhanh, thường là khối rắn, ranh giới xung quanh thường rất mơ hồ, xâm lấn, lây lan sang các mô, bộ phận khác. Có thể thực hiện cắt bỏ nhưng vẫn dễ tái phát trở lại.

Thông thường, khối u lành tính không gây ảnh hưởng nhiều tới cơ thể, tuy nhiên nhiều người lo lắng rằng khối u lành tính vẫn có thể phát triển thành ung thư. Và thực tế có những trường hợp đi xét nghiệm kết quả lành tính nhưng một thời gian sau lại phát hiện ung thư nên cho rằng khối u lành tính có thể chuyển thành ác tính.

Khối u lành tính thường không nguy hiểm, tuy nhiên vẫn có thể dẫn đến khả năng biến chứng là di căn và trở nên nguy hiểm với người bệnh.

Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư tại Việt Nam

Hiện nay có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính. Các phương pháp điều trị này đang được ứng dụng và phát triển rộng rãi, cho hiệu quả điều trị cao:

Điều trị xạ trị: Là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là phương pháp căn bản và thiết yếu để điều trị ung thư, khoảng 50%-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị. Chỉ định xạ trị tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, tuýp mô bệnh học. Xạ trị có thể tiến hành điều trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa chất.

Điều trị hoá chất: Sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư (độc cho tế bào ung thư nhiều hơn độc cho tế bào lành của cơ thể). So với hiệu quả đem lại, các tác dụng phụ do hoá trị là có thể chấp nhận và kiểm soát được. Hoá trị chỉ định chủ yếu cho ung thư giai đoạn di căn, sau đó là vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn khu trú sau điều trị tại chỗ, có nguy cơ cao tái phát di căn.

Điều trị nhắm đích: Là sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của khối u.

Điều trị phẫu thuật: Chỉ định cho ung thư giai đoạn khối u khu trú. Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt căn ung thư giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tiến bộ của y học, việc thành công trong quá trình điều trị cho người bệnh còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác như nếu người bệnh được phát hiện bệnh sớm, tuân thủ tuyệt đối điều trị, tâm lý điều trị ổn định và có chế độ dinh dưỡng bổ sung hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ thì khả năng đáp ứng điều trị sẽ rất cao.

Ung thư có thật sự đáng sợ?-2
Hệ thống máy PET/CT có thể phát hiện các di căn xa và di căn hạch giai đoạn sớm. Ảnh: Sức Khỏe Đời Sống.

Lời khuyên thầy thuốc

Để dự phòng ung thư, biện pháp được khuyến nghị gồm: Dự phòng bệnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, thực hành dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục đều đặn, không sử dụng rượu bia, các chất kích thích, không hút thuốc lá.

Phát hiện sớm như cảnh giác với các triệu chứng u cục trên cơ thể, sút cân đột ngột, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, các bất thường ở bộ phận tiêu hóa, sinh dục nghi ngờ do ung thư… và tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện bệnh sớm được khuyến cáo mạnh mẽ trong công tác phòng chống bệnh ung thư hiện nay.

Hạn chế ăn các đồ lên men, ủ muối... vì chứa rất nhiều nitrosamin, là yếu tố đã được chứng minh có liên quan đến nguyên nhân mắc ung thư.

Người đã phát hiện mắc ung thư duy trì dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm thực phẩm gồm glucid, protid, lipid, các vitamin... một cách cân đối.

Tránh ăn kiêng hoặc sử dụng thực phẩm theo một tỷ lệ thái quá, đặc biệt là tâm lý “tránh ăn nhiều dinh dưỡng, đạm vì nuôi khối u” là không đúng.

Sức đề kháng của cơ thể để chống lại tế bào ung thư cần đến các globulin miễn dịch, có thành phần là các acid amin, được cung cấp từ nguồn thức ăn.

Vì vậy, dinh dưỡng lành mạnh hợp lý mang lại lợi ích cung cấp “nguyên liệu” để cơ thể sản xuất ra các yếu tố miễn dịch chống lại tế bào ung thư là rất cần thiết.

Ngoài ra, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, tin tưởng vào các biện pháp điều trị của bác sĩ. Người nhà bệnh nhân cần động viên, giúp đỡ người bệnh, có tinh thần thoải mái, thể trạng tốt để không bị gián đoạn điều trị.

Theo Sức khỏe Đời sống


ung thư

bệnh ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.