Bác sĩ nhờ phóng viên phẫu thuật não cho nạn nhân động đất

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở thủ đô Kathmandu - Nepal buộc phải đề nghị phóng viên đài CNN (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật não cho nạn nhân động đất do thiếu nhân lực trầm trọng.

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở thủ đô Kathmandu - Nepal buộc phải đề nghị phóng viên đài CNN (Mỹ) thực hiện ca phẫu thuật não cho nạn nhân động đất do thiếu nhân lực trầm trọng.

May là ông Sanjay Gupta, phóng viên mảng y tế của đài CNN, là một bác sĩ có đủ trình độ chuyên môn và đã tiến hành ca phẫu thuật thành công trong điều kiện không được lý tưởng cho lắm.

TS Sanjay Gupta thực hiện ca phẫu thuật. Ảnh: CNN

Phóng viên Sanjay Gupta thực hiện ca phẫu thuật. Ảnh: CNN

Ông Gupta đã sử dụng nước vô trùng và dung dịch iốt rửa vết thương. Sau đó, ông dùng một chiếc cưa để thực hiện ca phẫu thuật mở hộp sọ cho bé Selena Dohal, 8 tuổi, để lấy máu tụ trong não. Ông của bé gái cho biết cháu mình gặp nạn khi đi lấy nước và bị mái nhà rơi trúng đầu. Ông đã đưa Dohal đến bệnh viện Bir ở thủ đô Kathmandu trong khi cha mẹ bé gái đang chăm sóc cho đứa con trai, người cũng bị thương trong trận động đất. Tình trạng sức khỏe của bé Dohal đã ổn định.

Đây không phải là lần đầu tiên phóng viên Gupta thực hiện ca phẫu thuật trong lúc tác nghiệp. Trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, ông này từng phẫu thuật não 5 lần cho bệnh nhân khi đang đi cùng với đơn vị hải quân Devil Docs.

Trong lúc này, hoạt động cứu hộ tiếp tục gặp khó khi nhiều người dân Nepal đã chặn các xe tải mang theo hàng viện trợ cho các nạn nhân trong thảm họa động đất vào khu vực trung tâm và yêu cầu chính phủ cần làm nhiều hơn để giúp đỡ họ.

Người dân chặn xe tải chở hàng cứu trợ. Ảnh: Reuters
Người dân chặn xe tải chở hàng cứu trợ. Ảnh: Reuters

Vụ động đất mạnh 7,8 độ Richter hôm 25-4 đã khiến hơn 5.200 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người vô gia cư sống trong cảnh thiếu thực phẩm và nguồn nước sạch. Những người dân ở các khu vực hẻo lánh còn khổ sở hơn nhiều.

Tại thủ đô Kathmandu, khoảng 200 người biểu tình bên ngoài quốc hội, yêu cầu chính phủ điều động thêm nhiều xe buýt đưa họ về nhà ở các vùng xa của Nepal và đẩy nhanh hoạt động cung cấp hàng viện trợ đến những người có nhu cầu ở khu vực này. Hôm 28-4, cảnh sát chống bạo động đã xô xát với những người biểu tình đòi thêm xe để rời Kathmandu.

Tuy nhiên, cũng tại Kathmandu, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhịp sống bình thường đang dần trở lại, theo đài BBC. Nhiều người quyết định trở về nhà sau 4 ngày ngủ ngoài trời. Các máy rút tiền hoạt động lại và một số người buôn bán trên đường phố mở lại hàng quán.

 

Dòng xe buýt đông nghẹt rời khỏi Kathmandu. Ảnh: AP
Dòng xe buýt đông nghẹt rời khỏi Kathmandu. Ảnh: AP

Trong khi đó, ở làng Sangachowk, nhiều người dân giận dữ đã dùng lốp xe chặn đường. Họ đã ngăn 2 chiếc xe tải đang tiến về thủ đô cùng với gạo, mì và bánh. Sau đó, những người này tiếp tục chặn 3 chiếc xe tải quân đội chở hàng cứu trợ khác. Một người dân tên Udhav Giri, 34 tuổi, nói: “Chúng tôi không nhận được thực phẩn từ chính phủ. Các xe tải mang gạo đi qua đây và không dừng lại. Trong khi đó, các khu vực ảnh hưởng ở trung tâm đã nhận đủ thực phẩm”.

Trong bối cảnh đó, Liên Hiệp Quốc hôm 29-4 đã kêu gọi khoản viện trợ 415 triệu USD để giúp đỡ người sống sót sau thảm họa động đất ở Nepal. Theo tổ chức này, 8 triệu người đang bị ảnh hưởng và khoảng 70.000 ngôi nhà bị sập ở Nepal.

Theo Xuân Mai
Người Lao Động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.