Hoa quả nhập khẩu vẫn “nhập nhèm” xuất xứ

Hiện nay, người tiêu dùng thường có nhu cầu tìm mua các loại hoa quả nhập khẩu vì lo ngại rau củ quả ngoài chợ xuất xứ từ Trung Quốc.

Các mặt hàng rau củ quả được bày bán đầy rẫy trong các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch hay các shop bán hàng online. Trong số đó, khá nhiều hoa quả được người bán quảng cáo là nguồn gốc từ Úc, Newzealand, Mỹ...

Lập lờ “đánh lận con đen”

Theo khảo sát tại các quầy hàng hoa quả nhập khẩu, hoa quả Newzealand đang được bày bán phổ biến là kiwi vàng, kiwi xanh, cherry, táo Ambrosia… Các loại hoa quả Úc như na, cherry, cam, táo, nho… Dù giá bán của những loại hoa quả nhập khẩu này cao hơn hẳn so với mặt của thị trường trong nước nhưng có khá nhiều gia đình vẫn chọn mua những loại quả này do tin tưởng hoa quả nhập khẩu sẽ đảm bảo về chất lượng, không có hóa chất bảo quản, tồn dư thuốc trừ sâu.

Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị mà hiện nay, các loại hoa quả nhập khẩu còn có mặt tại các chợ cóc, thậm chí đến cả người bán hoa quả rong cũng kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, chính việc xuất hiện một cách ồ ạt, bất thường với giá rẻ khiến người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng của các loại hoa quả nhập khẩu hiện này.

 Không chỉ bày bán ở chợ, nhiều mặt hàng hoa quả nhập khẩu còn được quảng cáo tại các trang web mua bán trên mạng Internet. Do vậy, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm rất khó. Người bán mặc sức quảng cáo rầm rộ, bán giá thật rẻ để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, còn chất lượng sản phẩm thì lại bị bỏ ngỏ.

Hoa quả nhập khẩu bày bán tràn lan trên cả chợ “ảo”

Theo khảo sát tại một số chợ đầu mối về hoa quả như chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân... luôn có số lượng rất lớn các loại hoa quả nhập, chủ yếu là từ Trung Quốc có không ít những cửa hàng, người bán hàng tại các chợ đến đây nhập hoa quả có nguồn gốc Trung Quốc rồi đóng gói, bán với giá hàng nhập khẩu từ Australia, New Zealand, Mỹ...

Cách đây một tuần, nhiều phương tiện truyền thông đều đồng loạt đưa tin, theo số liệu được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cung cấp từ đầu năm đến nay, Việt Nam chưa nhập lô hàng hoa quả nào từ các nước Úc, New Zealand vào Việt Nam nhưng trên thị trường đang tràn ngập dán nhãn từ các nước trên. Thông tin này đã gây hoang mang dư luận, nhiều người tiêu dùng hoài nghi và đặt câu hỏi rằng các loại trái cây dán nhãn có nguồn gốc xuất xứ từ Úc và New Zealand như táo, kiwi, nho, cherry… tiêu thụ tràn lan trên thị trường thực chất có nguồn gốc từ đâu?

Tuy nhiên, ngay sau đó, Cục Bảo vệ thực vật lại khẳng định từ đầu năm đến nay, có 17.000 tấn táo Úc và 1.993 tấn táo New Zealand được nhập khẩu về Việt Nam. Sự trái ngược trong những thông tin được đưa ra giữa các kênh truyền thông khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang cả về sự an toàn thật sự của trái cây nhập khẩu.

Hoa quả siêu thị có chắc là hoa quả “xịn”?

Hầu hết các loại hoa quả bán tại các siêu thị hiện nay đều được gắn nhãn mác nhập khẩu, từ dưa hấu, măng cụt, táo, mận, dưa lê hay thậm chí cả chuối đều có xuất xứ từ các nước khác nhau, từ Anh, Pháp, Mỹ, thậm chí là... Nam Phi. Với tình hình hoa quả Trung Quốc tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng tỏ ra e ngại với việc mua hoa quả tại sạp bán hoa quả nhập khẩu trong các chợ, vì các loại hoa quả này không biết chắc được nguồn gốc, xuất xứ dù được người bán hàng giới thiệu thế nào đi nữa.

Xu hướng hiện nay, người tiêu dùng thường tin vào các loại hoa quả có nhãn mác nhập khẩu bày bán tại các siêu thị hoặc các cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu. Đa số người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn vì chắc rằng những loại hoa quả này đã được qua kiểm tra và kiểm định trước khi được đưa tới tay người tiêu dùng.

Để tạo lòng tin với người tiêu dùng, trên các bao gói hoặc trên từng trái cây, một con tem nhỏ hay một mẫu giấy trắng được dán lên ghi chú nơi xuất xứ của sản phẩm. Điều đáng nói, con tem này không có dấu chỉ đặc biệt (như tem dán lên rượu, mũ bảo hiểm, tem chống hàng giả…) nên ai cũng có thể in và dán lên được, điều này tạo nên sự hoài ghi về tính xác thực nguồn gốc của các loại trái cây nhập khẩu.

Các mẫu tem dùng cho các loại quả nhập ngoại đều được bóc gỡ dễ dàng là khe hở để người kinh doanh gán mác tràn lan cho những loại quả kém chất lượng, bán với giá ngất ngưởng. Thông thường tem, nhãn ghi xuất xứ của các loại trái cây nhập khẩu bán tại Việt Nam là do nhà cung cấp ở nước ngoài dán nhưng không ít trường hợp công đoạn này do công ty nhập khẩu trong nước hoặc siêu thị, người bán lẻ thực hiện. Như vậy khi một trái táo Trung Quốc được dán nhãn xuất xứ nguồn gốc từ Mỹ, người tiêu dùng ngoài mất tiền mua hàng đắt còn chuốc thêm khả năng mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc “gắn lộn mác” của người kinh doanh.

Mới đây, thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có quyết định sẽ thanh tra đột xuất toàn diện hoạt động kinh doanh, bảo quản và sơ chế đóng gói rau, quả và sản phẩm chè trên địa bàn TP. Đợt thanh tra đột xuất lần này sẽ kéo dài trong khoảng một tháng nhằm kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả tươi tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng kinh doanh và nơi sản xuất, nhằm siết chặt việc tuân thủ quy định về ATTP.

Kế hoạch thanh tra lần này tập trung trọng tâm vào hệ thống các điểm phân phối mặt hàng rau, củ, quả tươi. Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã quyết định thanh tra đột xuất hàng loạt điểm phân phối lớn, trọng tâm là các siêu thị và điểm sản xuất rau quả lớn. Đáng nói, chỉ qua một vài điểm kiểm tra cho thấy, hàng hóa Trung Quốc đã len lỏi vào tận các siêu thị lớn, có tiếng trên địa bàn.

Theo Tuổi trẻ thủ đô



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.