Thêm 2 triệu xe máy ra đường: Chính quyền muốn cấm, dân cần cứ mua

Xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và khó có thể thay thế, trong ít nhất 10 năm tới, vì tính kinh tế và sự tiện lợi của nó nhất là tại các thành phố.

Xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và khó có thể thay thế, trong ít nhất 10 năm tới, vì tính kinh tế và sự tiện lợi của nó nhất là tại các thành phố. Chủ trương cấm xe máy đã có, song, đến thời điểm này, lượng xe bán ra vẫn tăng mạnh.

Nhu cầu vẫn cao

Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) doanh số bán hàng của 5 DN thành viên, gồm Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki, trong quý 3/2017 đạt 845.604 chiếc, tăng 14% so với quý 2.

Như vậy, tính đến hết tháng 9/2017, tổng lượng xe máy mà các thành viên VAMM bán ra đạt gần 2.372.900 chiếc, với mức tăng trưởng khoảng 7% so với cùng kỳ 2016.

Xe máy bán chạy, thị trường xe máy, cấm xe máy, kinh doanh xe máy, hạ tầng giao thông, xe máy gây tắc đường, giao thông công cộng

Lượng xe máy bán ra vẫn tăng

Theo quy luật thị trường, quý 4 hàng năm thường là thời điểm tiêu thụ xe máy tăng mạnh nhất. Chỉ cần ước tính doanh số bán xe máy của 5 DN kể trên, trong quý 4 tương đương với quý 3 vừa qua, thì tổng số xe máy bán ra cả năm 2017 sẽ vượt 3,2 triệu chiếc. Con số này nhiều hơn mức 3,1 triệu chiếc của năm 2016. Nếu cộng cả số lượng xe máy sản xuất lắp ráp và nhập khẩu của các DN khác, ước hơn 200.000 chiếc, thì tổng doanh số bán sẽ đạt hơn 3,4 triệu chiếc và thị trường xe máy vẫn có mức tăng trưởng khoảng 7%.

Nhận xét từ VAMM cho thấy, nhu cầu về xe máy của người dân Việt Nam vẫn tăng, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển từ các loại xe số phổ thông, sang các dòng xe tay ga cao cấp và các dòng mô tô thể thao. Đó là nguyên nhân đóng góp cho mức tăng trưởng khá ổn định của thị trường xe máy Việt Nam trong năm 2017 cũng như thời gian tới.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội này, thực hiện năm 2016, thì xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu và khó có thể thay thế, trong ít nhất 10 năm tới, vì tính kinh tế và sự tiện lợi của nó, nhất là tại các thành phố.

Ông Hisaji Kurado, Hiệp hội sản xuất xe máy Nhật Bản, cho rằng: Cơ sở hạ tầng của Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam cũng có những đặc điểm giống Nhật Bản ở giai đoạn thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước, đường phố nhỏ hẹp, khu dân cư sinh sống nhiều ngóc ngách, quỹ đất trong nội đô bị hạn chế. Đó là những lý do khiến xe máy trở thành phương tiện đi lại được người dân ưa chuộng.

Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tính đến đầu năm 2017 số xe máy đăng ký trên toàn quốc đạt 49 triệu chiếc. Tập trung nhiều nhất tại TP.HCM với khoảng 8 triệu xe và Hà Nội gần 6 triệu xe.

Có cấm được xe máy?

Gần đây, có nhiều quan điểm cho rằng nên hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM vì đó là thủ phạm gây ra tai nạn giao thông và tắc đường, chưa kể còn đem lại sự nhếch nhác cho bộ mặt các đô thị.

Xe máy bán chạy, thị trường xe máy, cấm xe máy, kinh doanh xe máy, hạ tầng giao thông, xe máy gây tắc đường, giao thông công cộng

Xe máy - thủ phạm gây tắc đường ngày càng trầm trọng

Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một quốc gia công nghiệp. Đã là quốc gia công nghiệp, thì ô tô và các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng văn minh hiện đại sẽ là phương tiện giao thông phổ cập. Đó là quy luật tất yếu mà Việt Nam không thể chần chừ. Vì vậy, loại bỏ xe máy khỏi đời sống đô thị là cần thiết, bởi đây là sản phẩm đã lỗi thời của lịch sử, TS. Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông - ĐH Bách Khoa TP.HCM, nói.

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội mới đây đã thông qua nghị quyết về đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

Theo đó, từ 2017-2030, Hà Nội từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030. Nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các sở ban ngành và các địa phương.

Hà Nội cũng đề ra mục tiêu phát triển vận tải công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50-55%.

Từ nay đến năm 2030 còn 12 năm nữa, trong khoảng thời gian đó Hà Nội sẽ làm rất nhiều việc để thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, có thêm nhiều công trình, nhiều tuyến đường hay các tuyến đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, điều đó có trở thành hiện thực hay không, vẫn chưa thể khẳng định.

Một số chuyên gia về giao thông cho rằng, Hà Nội đề ra mục tiêu phát triển vận tải công cộng, đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30-35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50-55%, liệu có quá tham vọng? Hiện nay vận tải công cộng mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư cho hạ tầng, giao thông công cộng để thay thế xe máy đều đòi hỏi nguồn vốn lớn, lấy đâu để triển khai? Trong khi, các dự án đang triển khai đều chậm tiến độ kéo dài.

Ông Khuất Việt Hùng, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết, theo một nghiên cứu của cơ quan này năm 2004, trên một mặt cắt của đường Kim Mã với 2,5 làn, trong một giờ có 16.000 lượt xe máy lưu thông qua, vận chuyển khoảng 26.000 người. Nếu quy đổi ra thì phải cần đến 200 chuyến xe buýt (chở 130 người/chuyến) và 13 làn đường dành cho xe ô tô con mới có thể tải hết số người đó.

Đấy là tính vào thời điểm 2004, còn tới năm 2030, mật độ dân cư đông đúc hơn và để cấm xe máy trong nội đô, có hàng trăm tuyến đường cần đầu tư hạ tầng. Như vậy, chi phí đầu tư cho hạ tầng là rất lớn.

Theo Trần Thủy (VietNamNet)


xe máy

phương tiện giao thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.