Phòng khám Maria đầy tiếng xấu vẫn hút khách?

Phòng khám Đa khoa Maria đã năm lần bảy lượt bị xử phạt vì vi phạm chuyên môn trong quá trình hành nghề. Vậy tại sao trong thời điểm có rất nhiều tiếng xấu vây quanh, phòng khám này vẫn hút khách?

Phòng khám Đa khoa Maria đã năm lần bảy lượt bị xử phạt vì vi phạm chuyên môn trong quá trình hành nghề. Ngoài ra, thông qua những thông tin tố cáo từ bệnh nhân, phòng khám này đang duy trì một hình ảnh “tệ hại” vì giá cắt cổ, bác sỹ đe dọa bệnh nhân. Vậy tại sao trong thời điểm có rất nhiều tiếng xấu vây quanh, phòng khám này vẫn hút khách?

Tin quảng cáo tuyệt đối

Hình ảnh quảng cáo của phòng khám Maria trên truyền hình (Ảnh: Internet)

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong (SN 1978, trú tại Hà Đông, Hà Nội) tử vong tại phòng khám Maria vào đêm 14/7 thì sáng 15/7, nhiều bệnh nhân khác vẫn tìm đến phòng khám này, hoặc là để tái khám, hoặc là để khám lần đầu.

Sự đông đúc của các bệnh nhân (khoảng vài chục người) khiến nhiều người khá bất ngờ, bởi trước đó, nhiều thông tin về sai phạm của phòng khám này đã được báo chí đưa liên tục. Cứ ngỡ rằng sau những lần như thế, phòng khám sẽ mất khách, nhưng không phải.

Vậy tại sao một phòng khám đầy tai tiếng như Maria vẫn hút khách?

Theo tìm hiểu của phóng viên, có khá nhiều người trong số bệnh nhân đến khám lần đầu (hoặc tái khám) tại phòng khám Maria sáng 15/7 (sau khi xảy ra vụ tử vong) là những người ngoại tỉnh, có điều kiện kinh tế tốt.

Người Việt Nam rất tin quảng cáo

Năm 2007, Công ty Nielsen công bố kết quả nghiên cứu về độ tin cậy vào quảng cáo, trong đó Việt Nam đứng thứ 8 trong 10 quốc gia tin vào quảng cáo nhất.

Theo đó, tại Việt Nam, 60% số người được phỏng vấn cho biết họ rất tin vào các hình thức quảng cáo.

Các kênh quảng cáo truyền thống như truyền miệng, ti vi và báo chí lần lượt chiếm 3 vị trí dẫn đầu, tương ứng với 79%, 73% và 72%. Các kênh quảng cáo hiện đại gồm như ý kiến khách hàng trên mạng khiến 58% khách hàng tin tưởng, email quảng cáo (38%), công cụ tìm kiếm trên mạng (52%).

Họ cho biết họ tìm đến phòng khám Maria sau khi xem thông tin quảng cáo trên đài truyền hình của tỉnh, hoặc nghe phát thanh. Thấy phòng khám “quảng cáo hay quá” nên đã lặn lội tìm đến thay vì phải vào viện công lập rất đông đúc, mệt mỏi.

Ngay tại Hà Nội cũng có những bệnh nhân tìm đến phòng khám này sau khi xem quảng cáo trên truyền hình và phát thanh.

Chị Vân, người có mặt tại phòng khám này sáng 15/7 và đã từng can ngăn mẹ mình khi bà muốn đến đây khám, thuật lại rằng: “Tôi hay đọc báo, lên mạng nên biết phòng khám này làm việc thế nào. Nhưng bà cụ nhà tôi thì khăng khăng cho rằng “phải thế nào” thì “người ta” mới đến khám, chẳng nhẽ xấu mà lại nói là tốt? Hơn nữa, cụ còn cho rằng đã được đài truyền hình đăng là yên tâm, nếu “làm sai nói tốt” thì Nhà nước không thể cho quảng cáo!”.

Vì lý lẽ này, bà cụ đã nhất quyết bắt con cháu đưa đến. Khi thấy cơ sở vật chất, bà càng tin rằng mình đã lựa chọn đúng và sau đó cụ cùng con cháu đã trả giá đắt!

Tuy nhiên, có một nhóm đối tượng đến tái khám vào sáng 15/7 cho biết trước đây khi chưa đến phòng khám thì họ chưa biết thông tin và cách chữa trị, song đến khi biết phòng khám làm ăn thế nào thì đã rơi vào cảnh “trót đến rồi thì cố phải theo đến cùng”.

Mặt khác, có những bệnh nhân vì xấu hổ, sợ người khác biết mình “ngu dại, mất tiền oan” nên nhắm mắt “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Do đó, có tình trạng có bệnh nhân đã điều trị phụ khoa mất mấy chục triệu trong 1 tuần nay vẫn tiếp tục tìm đến chữa cho xong mới thôi!

Chỉ biết tin tốt, không biết tin xấu?

Các cơ quan thông tin đại chúng một mặt vẫn đưa quảng cáo nhưng một mặt vẫn đưa những thông tin về sai phạm tại phòng khám này. Vậy tại sao bệnh nhân chỉ tiếp nhận được “tin tốt” mà không tiếp nhận được tin xấu?

Người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong và những người bệnh khác nháo nhác trước cửa phòng khám Maria sau khi sự việc xảy ra (Ảnh: VietNamNet)

Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, thông tin sai phạm được báo chí (báo in, báo điện tử) đưa nhiều chứ ít khi được các đài truyền hình, phát thanh đưa.

Người dân, đặc biệt là những người ở các tỉnh lân cận, không có điều kiện tiếp xúc với báo điện tử, mạng internet hoặc mua báo giấy để đọc nên không thể biết thông tin thực sự về các phòng khám này. Do đó, họ vẫn ùn ùn kéo đến vì nội dung quảng cáo trên truyền hình đúng là quá “nuột nà”, thu hút.

Ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế HN: "Mình bỏ tiền ra, sức khỏe là của mình, mình được quyền yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh cho biết mình mắc bệnh gì, quá trình điều trị như thế nào, kinh phí chi trả là bao nhiêu để xem kinh tế mình có phù hợp trước khi điều trị ở đấy hay không"

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, bên cạnh các biện pháp của cơ quan chức năng (như kiểm tra, xử phạt) thì người bệnh nâng cao nhận thức nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

“Hiện đã có Luật khám chữa bệnh rồi, người bệnh phải bảo vệ quyền của mình. Mình bỏ tiền ra, sức khỏe là của mình, mình được quyền yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh cho biết mình mắc bệnh gì, quá trình điều trị như thế nào, kinh phí chi trả là bao nhiêu để xem kinh tế mình có phù hợp trước khi điều trị ở đấy hay không”, ông Cường nói.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố bao nhiêu bệnh viện, phòng khám, do đó người bệnh có nhiều quyền lựa chọn để khám.

"Trong quá trình khám ở phòng khám, nếu có vấn đề băn khoăn cần phản ánh về cơ quan quản lý là sở y tế để xem xét xử lý", ông Cường nhấn mạnh.

Phát sóng quảng cáo sai tràn lan: Chưa rõ ai chịu trách nhiệm

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết trong thời gian qua có hiện tượng các phòng khám Trung Quốc trình hồ sơ quảng cáo một đằng nhưng nội dung quảng cáo khi phát trên truyền hình, đăng trên báo chí lại khác.

Thực tế, ngay khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, các phòng khám lại chấn chỉnh một thời gian rồi sau đó lại “ngựa quen đường cũ”. Thậm chí, việc quảng cáo không còn dừng ở các đài truyền hình trung ương hay các thành phố lớn mà còn mở rộng về các đài địa phương rồi “oanh tạc” cả ngày trên sóng phát thanh, truyền hình khiến việc kiểm soát càng khó khăn, lỏng lẻo.

Cho đến nay, việc phát sóng quảng cáo về các phòng khám Trung Quốc theo kiểu tràn lan, vào đúng “giờ vàng” khiến nhiều khán giả, bạn đọc rất bức xúc. Tuy đã gây ra nhiều hậu quả nhưng đến giờ chưa rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho những sai phạm này.

Theo VNN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.