Tai nạn, thương tích xảy ra nhiều ở trẻ em nông thôn: Những con số bị... bỏ ngỏ?

Thời gian nghỉ hè, khi bố mẹ vẫn phải đi làm, việc quản lý con cái bị bỏ ngỏ. Trẻ em hiếu động, sẽ tự mày mò, nghịch ngợm, nguy cơ bị tai nạn, thương tích luôn rình rập.

 Thời gian nghỉ hè, khi bố mẹ vẫn phải đi làm, việc quản lý con cái bị bỏ ngỏ. Trẻ em hiếu động, sẽ tự mày mò, nghịch ngợm, nguy cơ bị tai nạn, thương tích luôn rình rập.
Tại các vùng nông thôn, do thiếu sân chơi, nguy cơ trẻ bị tai nạn giao thông, bị bỏng, hoặc đuối nước, cao gấp nhiều lần ở thành thị… 

Những con số giật mình


Theo thống kê từ UNICEF, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 7.000 trẻ tử vong, trong đó trẻ chết đuối chiếm khoảng 1/2, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước, mà đa số các tai nạn này đều xảy ra trong kỳ nghỉ hè. Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng đưa ra một con số giật mình, từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 trường hợp trẻ từ 3 đến 14 tuổi bị chết đuối, tập trung chủ yếu ở các huyện ngoại thành như Mê Linh, Thanh Oai, Gia Lâm, Ba Vì, Ứng Hòa...

Tại BV Nhi Nghệ An, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích như: bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, ngã gãy tay, gãy chân do leo trèo, súc vật cắn… Theo Sở LĐTB&XH và ngành Y tế tỉnh Đăk Lăk, năm 2012, toàn tỉnh có 1.310 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 15 trẻ em tử vong (11 trẻ em tử vong do đuối nước, 4 trường hợp tử vong còn lại do tai nạn giao thông…


Trẻ em nông thôn có nhiều nguy cơ tử vong do đuối nước.


Trẻ em nông thôn ít được quan tâm…

Chúng tôi tìm về xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, vào thời điểm học sinh toàn xã vừa nghỉ hè. Đây là một xã có kinh tế khá phát triển trong địa bàn tỉnh, ngoài công việc đồng ruộng, người dân xã Hải Minh còn có nghề gỗ mỹ nghệ, làm cây cảnh hay buôn đồ cổ… Khoảng 4 - 5 năm trước, xã Hải Minh có nhiều trường hợp trẻ chết đuối rất thương tâm, chưa kể còn nhiều tai nạn, thương tích như ngã do trèo cây, chạy nhảy hay bị bỏng. Những năm gần đây, tai nạn này đã giảm, nhưng nguy cơ trẻ bị đuối nước vẫn luôn rình rập.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ vừa xây, chị Nguyễn Thị Sáng, trú tại xã Hải Minh, vẫn chưa hết đau buồn khi kể lại cái chết thương tâm của con gái chị là Phạm Thị Thu Hiền, chưa được tuổi rưỡi. Theo lời chị Sáng, chị ngồi may, chỉ nhãng đi khoảng 5 phút đã không thấy con, chạy quanh nhà bà con hàng xóm cũng không thấy, đến lúc gạt bèo ở mặt ao thì phát hiện con đã nổi trên mặt ao từ bao giờ. Do ngạt nước, nên mọi sơ cứu đều vô hiệu, dẫn đến cái chết oan uổng của cháu Hiền. Đáng nói là sau đó, cái ao vẫn không có hàng rào để đề phòng, chính quyền xã cũng không biết đến trường hợp tai nạn này.

Bà Vũ Thị Bình, tuyên truyền viên dân số, (cũng có con trai 3 tuổi bị chết đuối vào năm 1991) cho biết: “Từ xưa đến nay, trẻ bị tai nạn, thương tích hay bị chết đuối, đều được coi là do sơ xảy, thiếu sót của gia đình, vì vậy, nếu không báo lên xã, không xin ủng hộ thì xã cũng không xuống hỏi thăm. Nhà nào có con bị tai nạn, sợ thì lấp ao, rào giậu, tự bảo vệ con mình…”.



Thiếu quan tâm vì… chưa có quỹ

Gặp ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng CA xã Hải Minh, ông “khoe” ngay một loạt thành tích của xã, theo lời ông thì xã Hải Minh là một trong những xã không có tội phạm trẻ vị thành niên ở mức gây án hình sự, chỉ có trộm cắp vặt, nhưng con số này cũng rất ít. Toàn địa bàn xã có một điểm internet công cộng, được quản lý chặt chẽ, và chỉ có một trường hợp nghiện ma túy đang được đưa đi cai.

Khi chúng tôi đề cập đến việc quản lý, giáo dục, tạo sân chơi cho trẻ em toàn xã trong dịp hè, ông Minh cho biết xã đã thực hiện rất tốt theo tinh thần Công văn số 325/SLĐTBXH-BVCSTE ngày 26-4-2013 của Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định và Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 2-5-2013 của UBND huyện Hải Hậu, về việc hướng dẫn tổ chức “Tháng hành động vì trẻ em năm 2013”, cụ thể mỗi thôn có 1 tuyên truyền viên, một CA viên, một cán bộ chi đoàn kết hợp để quản lý, thâu tóm tình hình sinh hoạt của trẻ em, cũng như người dân trong thôn. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về việc có tổ chức sân chơi cho trẻ em không, ông Minh nói xã chưa có điều kiện. Chúng tôi hỏi từ năm ngoái đến nay có trường hợp tử vong nào trên địa bàn xã không, ông Minh trả lời “chắc nịch” là không có.

Tương tự, ông Phạm Văn Phú – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Minh, phụ trách về Văn hóa – xã hội, cũng khẳng định là xã chúng tôi chẳng có trường hợp tai nạn nào, cũng không có người chết đuối trong nhiều năm qua. PV đưa ra trường hợp của gia đình chị Sáng, ông Phú trả lời, sở dĩ xã không nắm được tình hình là do cán bộ phụ trách dân số của xã không báo cáo, thống kê con số. Khi chúng tôi hỏi chị Vũ Thị Tuyết, cán bộ chuyên trách mảng dân số xã, chị Tuyết lập luận: “Người phụ trách dân số thôn không báo cáo lên, thì làm sao tôi biết được”… Lý giải về vấn đề này, ông Phú cho biết, xã chưa tổ chức các chương trình hoạt động, vui chơi mang tính tập thể nào cho trẻ em toàn xã, cũng không có kế hoạch quan tâm riêng đến trẻ em, mà chỉ nắm con số học sinh từ các trường trong xã bàn giao cho gia đình, thông qua các tuyên truyền viên, cán bộ đoàn đến các gia đình cách bảo vệ, chăm sóc quản lý con cái họ trong dịp hè. “Các công tác cho trẻ em không được đặt ra vì chúng tôi chưa có quỹ, mỗi năm chúng tôi trích ra khoảng 4-5 triệu đồng cho các công việc như thăm hỏi, động viên các gia đình có trẻ khuyết tật, trẻ tai nạn, ốm đau. Riêng các trường hợp trẻ bị tai nạn, phải có đơn của gia đình gửi lên, xã mới có chế độ hỗ trợ, mức hỗ trợ chung cho các trường hợp tối đa không quá 500.000 đồng/ trường hợp”, ông Phú cho biết thêm.  

Việc đổ lỗi quanh quẩn của chính quyền xã Hải Minh về trường hợp bé Hiền, xóm 37, tử vong do đuối nước, mà không được báo lên xã, sau khi tìm hiểu, PV được biết, một phần do cháu Hiền cho đến lúc mất vẫn chưa có giấy khai sinh, nên cũng không có giấy khai tử trên xã.

Từ thực tế xã Hải Minh, chứng tỏ, ở nhiều xã, huyện nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc chăm sóc, quản lý, giáo dục trẻ em, nhất là trong dịp hè còn đang bị bỏ ngỏ. Tại nhiều địa phương, công tác này mới chỉ là hình thức, chạy theo bệnh thành tích, còn thực tế, trẻ em trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mực. Thiết nghĩ, việc quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em không nên quan niệm “đèn nhà ai nấy rạng”, mà cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội, để gây dựng cho trẻ một cuộc sống lành mạnh, môi trường an toàn, không tệ nạn, không tai nạn, không chỉ trong dịp hè…

Theo PL&XH


Người đàn ông bị đánh hội đồng dã man tại cây xăng
Công an thành phố Lai Châu đang điều tra vụ việc người đàn ông bị đánh hội đồng dã man ở một cây xăng trên địa bàn. Người dân và cộng đồng mạng rất bất bình về tính côn đồ, hung hãn của nhóm người sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.