Việt Nam không sợ Trung Quốc kiện ngược

"Chúng ta vững về mặt pháp lý, phù hợp với đạo lý lại được sự ủng hộ của quốc tế. Nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng", Phó chủ tịch Hội Luật gia chia sẻ.

Trong cuộc họp báo chiều 25/6, vấn đề khởi kiện Trung Quốc được mổ xẻ với các chuyên gia của Hội Luật gia Việt Nam.

- Có ý kiến nêu khả năng nếu Việt Nam kiện Trung Quốc thì Trung Quốc cũng có thể kiện lại Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về việc cạnh tranh giữa hai nước, kể cả về vấn đề pháp lý lẫn phi pháp lý?

- Ông Lê Minh Tâm (Phó chủ tịch Hội): Công lý là giá trị lớn mà tất cả quốc gia tiến bộ và nhân dân các nước đều hướng tới. Trong trường hợp này, đó là lời cảnh báo, còn chúng ta luôn vững vàng một niềm tin chúng ta có công lý. Không những chúng ta, mà Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế là đại diện của hơn 100 nước thành viên cũng đã lên tiếng ủng hộ việc này.

Chúng ta vững về mặt pháp lý, phù hợp với đạo lý lại được sự ủng hộ của quốc tế. Vì thế, chúng tôi tin rằng, nếu kiện nhất định chúng ta sẽ thắng.

Phó chủ tịch Hội Luật gia Lê Minh Tâm.

 
- Sau vụ đâm chìm tàu cá ngư dân Đà Nẵng cuối tháng 5, ngư dân có nguyện vọng muốn chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện. Hội Luật gia đã có hỗ trợ gì?

- Ông Nguyễn Văn Quyền (Phó chủ tịch Hội): Hiện, Hội nghề cá Đà Nẵng đã chuyển cho cơ quan ủy quyền khởi kiện về việc này. Về mặt pháp lý, nếu nhận được yêu cầu từ các ngư dân, Hội Luật gia sẽ hỗ trợ. Cái khó nhất trong việc kiện là xác định chủ thể vi phạm trong việc đâm chìm tàu cá.

Nếu chúng ta khởi kiện theo tư cách cá nhân của chủ tàu thì quy trình cũng khác với việc kiện giữa hai quốc gia khác nhau. Vì việc này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì có thể kiện lên tòa án của Việt Nam. Các cơ quan tư pháp của Việt Nam hoàn toàn có quyền xử lý việc này.

- Liên quan đến những chuẩn bị của Việt Nam về pháp lý khi khởi kiện ra tòa án quốc tế, cách đây ít ngày Việt Nam đã ký hiệp định hợp tác với Tòa trọng tài thường trực (PCA).Ý nghĩa và hiệu quả của việc hợp tác này?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc kiện ra tòa trọng tài quốc tế ở phạm vi giải quyết tranh chấp về kinh tế, còn việc vi phạm chủ quyền biển đảo thì phải kiện ra các tổ chức quốc tế giải quyết về tranh chấp lãnh thổ và quyền con người.

- PCA thụ lý vụ kiện của Philipines, Việt Nam cũng tham gia PCA. Ông có thể nói rõ cơ hội để khởi kiện tại tòa này?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Tòa trọng tài thường trực quốc tế là một thiết chế để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà Philipines đang sử dụng. Việt Nam đã gia nhập thành viên của PCA và đây chính là bước chuẩn bị từ rất sớm nên nếu thấy cần thiết thì ta cũng có thể mang ra tòa trọng tài này để kiện theo cách của nhiều nước đã làm.

Hội Luật gia với hơn 46.000 hội viên yêu nước sẵn sàng cùng nhà nước thực hiện mọi biện pháp để đòi lại chủ quyền. Với tư cách là những người chuyên môn, Hội sẵn sàng dùng hết chức trách làm hết sức mình để chuẩn bị hồ sơ pháp lý, đó cũng là cống hiến chuyên môn của Hội cho đất nước.

Tàu cá Đà Nẵng bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 26/5. Ảnh: VOV.
 
- Giả sử Việt Nam kiện Trung Quốc, thì dưới góc độ pháp lý, Hội luật gia, Việt Nam nên kiện những hành động cụ thể nào, kiện "đường lưỡi bò", kiện hành vi hạ đặt giàn khoan trái phép hay hành vi Trung Quốc dùng vũ lực… ?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước hết kiện việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kiện việc Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn nếu kiện về đường lưỡi bò thì phải thông qua các cơ quan trọng tài quốc tế, phải thông qua đàm phán đa phương.

- Nếu tham mưu cho Chính phủ thì theo ông nên chọn cách nào: Đưa ra cùng vụ kiện của Philippines hay độc lập?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Mỗi cách làm đều có lợi thế và khó khăn riêng, cho đến lúc cần thiết thì chúng tôi sẽ đưa ra tham mưu cho chính phủ phương án thiết thực nhất. Hiện, chúng ta đang áp dụng biện pháp đàm phán hòa bình, đến thời điểm bất đắc dĩ không thể đàm phán thì chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế.

Theo Zing

Bình luận