Đi xuất khẩu lao động, về nước mở... trung tâm tiếng Anh

Nhiều thầy cô dạy trong các trung tâm tiếng Anh sẵn sàng chỉnh sửa thông tin bằng cấp và thành tích nhằm thu hút học viên.

Nhiều thầy cô dạy trong các trung tâm tiếng Anh sẵn sàng chỉnh sửa thông tin bằng cấp và thành tích nhằm thu hút học viên.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở Thái Nguyên, từ nhỏ, Nguyễn Mạnh Hùng hai lần thi đại học, chỉ đủ điểm đỗ vào một trường dân lập ở Hà Nội. Tốt nghiệp không xin được việc ở thành phố, Hùng vay tiền đi xuất khẩu lao động.

Tại Qatar, Hùng thuê căn phòng nhỏ, sống cùng 3 thanh niên khác. Sau 3 năm, chàng trai tích góp một số tiền đủ để trả nợ và dư ra một khoản làm vốn. Trở về Việt Nam, nắm bắt nhu cầu học tiếng Anh "chuẩn giọng bản xứ" của nhiều bạn trẻ, chàng trai Thái Nguyên cùng một số người bạn thuở đại học mở một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội.

Thuê Tây dạy nhiều mới sang

Hùng thông tin một trung tâm tiếng Anh muốn thành công phải thuê giáo viên Tây về dạy. Thực tế, những người này không khó tìm, thậm chí như anh nói là “dễ vô cùng”. Bên cạnh đó, lương trả cho họ khá rẻ so với hiệu quả họ mang lại cho trung tâm.

“Ở những nước như Anh, Mỹ, Canada hay Australia, họ khó có thể sống thoải mái với mức lương 1.500 USD/tháng, tuy nhiên tại Việt Nam thì khác”, Hùng chia sẻ.

Người đàn ông này cho biết không chỉ thuê những người chuyển đến Việt Nam làm việc trong một thời gian dài, các trung tâm còn có thể thuê “Tây Ba lô”, những người đến Việt Nam du lịch trong vài ba tháng với mức lương 15-20 USD/giờ.

Theo thống kê của Vietnam Teaching Jobs, khoảng 70% giáo viên nước ngoài ở Việt Nam hiện nay chưa có đủ bằng cấp hoặc kinh nghiệm giảng dạy.

“Nhiều người bây giờ sính ngoại nên các trung tâm ngoại ngữ muốn hút học viên phải thuê Tây da trắng. Trung tâm càng có nhiều Tây dạy càng sang”, Hùng nói.

Ngoài thầy Tây, Hùng kể say sưa về những phương pháp giảng dạy độc quyền mang tính đột phá có thể "chữa bệnh" phát âm sai, phản xạ kém, tự ti và rụt rè khi nói tiếng Anh... Đây là những điều xuất hiện thường xuyên trên quảng cáo của các trung tâm ngoại ngữ.

Di xuat khau lao dong, ve nuoc mo... trung tam tieng Anh hinh anh 1
Mức lương đề nghị tại một số trường và trung tâm ngoại ngữ dành cho người nước ngoài. Ảnh chụp màn hình.

Trò chuyện cùng một thầy Tây để tìm hiểu thêm về quá trình tuyển dụng, cũng như phương pháp dạy học của một số trung tâm, John (người Mỹ gốc Mexico) cho biết ở đất nước của anh, muốn dạy học phải qua nhiều vòng sát hạch. Tuy nhiên, ở Việt Nam, muốn xin đi dạy ở trung tâm, người nước ngoài chỉ cần cầm bằng hoặc chứng chỉ có dấu đỏ đến các trung tâm là sẽ được nhận.

Người đàn ông này cho biết gần như không ai điều tra kỹ anh thực chất bao nhiêu tuổi, gia cảnh thế nào, nhân thân ra sao, mục đích nhập cảnh vào Việt Nam là gì. Khi lên lớp, anh chỉ cần dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cho học viên chơi nhiều và thường xuyên khen để khích lệ họ.

Hồ sơ không đẹp thì không có học viên

Trở lại câu chuyện của Hùng, anh chia sẻ ban đầu, khi trung tâm mới hoạt động, vì thiếu giáo viên người Việt nên anh cũng tham gia đứng lớp.

Khi đề cập đến vấn đề bằng cấp của Hùng khai trên Facebook cũng như trong trang giới thiệu của trung tâm khác với bằng cấp thật, người đàn ông này thú nhận bản thân “vạn bất đắc dĩ mới làm như vậy”.

“Xã hội mình trọng bằng cấp và thành tích. Bản thân là người đứng đầu trung tâm mà hồ sơ không đẹp thì còn lâu mới thuyết phục được học viên và phụ huynh”, anh nói.

Đồng quan điểm với Hùng, Việt Quang, tốt nghiệp ngành Giáo dục Công dân của một trường đại học ở Hà Nội, cũng “hô biến” tầm bằng của mình thành “Sư phạm tiếng Anh” để thuận đường dạy môn này trong trung tâm luyện thi tại một vùng thuộc Hà Tây cũ, do chính mình mở ra.

Quang tâm sự: “Xin việc khó trong khi lương giáo viên thấp, mở trung tâm dạy kiếm được và thoải mái hơn nhiều”. Quang cho hay nhu cầu ở những khu vực quanh Hà Nội và các tỉnh rất lớn. Anh quan niệm chỉ cần dạy tốt, chuyện khai man bằng cấp là "có thể chấp nhận được"(?).

Kể về chủ đề này, Nguyễn Thanh Vân, sinh viên năm thứ ba của một trường tài chính, cho biết cô từng đăng ký vào một lớp học tiếng Anh của trung tâm ngoại ngữ thuộc khu vực Từ Liêm, Hà Nội.

Theo giới thiệu của trung tâm, người đứng lớp là giảng viên trẻ của Đại học Hà Nội. Thậm chí, thầy giáo này còn nói sắp đi học nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc. Sau một thời gian theo học, nữ sinh này “ngã ngửa” khi người bạn ở Đại học Hà Nội thông tin không có giảng viên nào như Vân mô tả.

Thực tế, chuyện các thầy cô trong các trung tâm “nói nhầm” thành tích và bằng cấp không phải chuyện hiếm. 

Cuối năm ngoái, cộng đồng mạng xôn xao vụ “giáo sư nhảy lên bàn chửi bậy”. Theo giới thiệu trên website của Học viện Kinh tế Sáng tạo (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Phan Văn Hưng là tiến sĩ kinh doanh, cử nhân Hàn Quốc học.

Bản giới thiệu còn ghi ông là hiệu trưởng Học viện Kinh tế Sáng tạo, giáo sư danh dự ĐH Southwest America (Mỹ), chuyên viên nghiên cứu kinh tế thuộc ĐH Soongsil, Seoul, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, chức danh giáo sư danh dự của ông Phan Văn Hưng do ĐH Southwest America (Mỹ) cấp bị cho là không được công nhận, vì trường này có tên trong danh sách 21 đại học “ma” đang tuyển sinh toàn cầu (trong đó có Việt Nam) do Bộ GD&ĐT công bố.

Đại diện Bộ GD&ĐT xác nhận đã gửi văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội thẩm tra chức danh giáo sư và học vị tiến sĩ của người đàn ông này. Sau đó, Học viện Kinh tế Sáng tạo của ông đã đổi biển hiệu thành “Trung tâm Ngoại ngữ Kinh tế Sáng tạo”.

*Tên một số nhân vật trong bài đã thay đổi

Theo Zing

học tiếng Anh

dạy tiếng Anh

trung tâm tiếng anh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.