Giọt nước mắt của cô giáo dạy trẻ tự kỷ

Dạy trẻ tự kỷ là một hành trình nhiều nước mắt, đầy khó khăn và muôn vàn thử thách. Các cô giáo cần sự kiên nhẫn, nhiệt tình và trên cả là tình thương, lòng yêu nghề.

Cô Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1989, giáo viên tại trường chuyên biệt Ánh Sao (Hà Nội) chia sẻ, cô đã nhiều lần bật khóc khi học sinh của mình làm được những điều đơn giản như ngồi bô, chỉ tay, đọc số đếm, lăn đất nặn.

"Những điều tưởng như đơn giản ở đứa trẻ khác, đối với trẻ tự kỷ lại là điều thần kỳ" - cô Phương xúc động nói - "giáo viên dạy trẻ bình thường đã vất vả, còn các cô giáo dạy trẻ tự kỷ không chỉ có khó khăn mà còn muôn vàn áp lực".

Nghề giáo viên không giáo án

Đối với trẻ mắc chứng tự kỷ, cô giáo không thể quyết định hôm nay học cái này, làm cái kia. Phần lớn giờ học phải tùy vào tình trạng của trẻ. Cô sẽ vận dụng kinh nghiệm của bản thân để điều tiết cách dạy và tìm cách trị liệu riêng cho từng học sinh.

Giot nuoc mat cua co giao day tre tu ky hinh anh 1
Với mỗi học trò mắc chứng tự kỷ, cô giáo phải có những cách dạy khác nhau. Ảnh: NVCC.

Cô Phương kể: "Với trẻ tự kỷ, hướng dẫn 10 lần, 20 lần, thậm chí 100 lần, các con mới làm được những hành động đơn giản nhất như ngồi ghế, khoanh tay, nuốt cháo".

Tự kỷ đang là vấn đề được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới do sự gia tăng đáng lo ngại của số trẻ em mắc hội chứng này.

Tại Việt Nam, năm 2013, các nhà chuyên môn ước tính toàn quốc có 160.000 - 200.000 trẻ em mắc hội chứng này. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, số lượng trẻ tự kỷ có thể nhiều gấp 2 - 3 lần.

Giáo viên phải dạy tất cả mọi thứ, từ những động tác đơn giản như thè lưỡi, liếm môi, thổi, nhai, chỉ tay bằng một ngón; hoặc cầm, nắm đồ vật; thậm chí tập lăn, lộn, bò.

Cô Phương nhớ lại, cô từng dạy một bé không biết nuốt, không ăn bất kỳ thực phẩm gì ngoài uống sữa.

Ban đầu, cô giáo phải xay cháo loãng và dùng tay giúp cháu mở miệng ăn. Sau mỗi bữa ăn, cô và trò đều phải đi tắm vì cháo vung vãi khắp nơi, thậm chí bé còn phun cháo vào mặt cô.

"Tôi phải dẫn con ra công viên, vừa cho chơi vừa đút từng miếng thức ăn nhỏ. Ban đầu, bé chịu ăn do ham chơi, rồi thành thói quen, khoảng liên tục 3 tuần như vậy đã kích thích vị giác và 3 tuần tiếp theo bé có thể tự cầm đồ ăn. Lúc thấy con ngồi tự xúc bát cháo, tôi đã mừng rơi nước mắt", cô giáo chia sẻ.

Phần khó nhất thường là dạy trẻ nghe lời, gọi đi vệ sinh, phân biệt màu sắc, chữ cái, hình ảnh.

"Hầu hết trẻ mắc chứng tự kỷ đều tiểu tiện, đại tiện không đúng chỗ. Nhiều lúc đưa học sinh vào đến nhà vệ sinh, mở bồn cầu, nhưng con vẫn đi tiểu lên người cô giáo. Rút kinh nghiệm nên lúc nào tôi cũng mang sẵn vài bộ đồ để thay", cô Phương cười nói.

Đối với trẻ tự kỷ, mỗi em sẽ có một chứng bệnh. Em thì thu mình vào một thế giới riêng, không nói chuyện với ai, em lại nói quá nhiều, em lại mắc chứng không chịu tập trung. Có những bạn tiếp thu chậm, cũng nhiều bé thông minh, tiếp thu nhanh nhưng dễ quên.

Với mỗi bé, cô giáo sẽ có sự can thiệp khác nhau, không bé nào có chương trình hay giáo án giống nhau. Ngoài ra, điều cô giáo cần là sự nhẫn nại, không từ bỏ và tìm ra cách giáo dục riêng.

"Ngoài kỹ năng sư phạm, giáo viên cần có sự quan sát, yêu mến, cảm thông với số phận các em mắc bệnh", cô Phương cho hay.

Cô kể, chuyện cô vừa ôm trò vừa khóc là chuyện bình thường.

Năm 2014, cô từng dạy cho một bé 5 tuổi mà vẫn chưa nói được và chỉ phát ra những âm thanh vô nghĩa. Bố mẹ cháu phát hiện ra tình trạng tự kỷ từ khi 2 tuổi, nhưng không tìm phương pháp chữa trị ngay.

Cô còn nhớ như in những ngày đầu tiếp xúc với bé, cháu chỉ biết chạy quanh nhà và gào thét mỗi khi giận dỗi, hoảng sợ và trốn vào góc, nếu cô giáo đến gần sẽ cào, cắn cô, nhiều lúc con ném đồ chơi, nhảy đến mệt lả, tự đập đầu vào tường.

"Những lúc ấy, đến người cứng rắn nhất cũng sẽ chảy nước mắt vì thương con. Sau 2 năm học, bây giờ con đã đi học lớp hòa nhập, dù không được như các bạn, nhưng bé thật sự rất tiến bộ. Có lẽ chính vì những học sinh như vậy mà tôi thêm yêu và gắn bó với công việc này hơn".

Giot nuoc mat cua co giao day tre tu ky hinh anh 2
Học sinh mắc chứng tự kỷ được cô dạy từ những hành động đơn giản nhất. Ảnh: NVCC.

Không thành tích, chẳng giấy khen

Tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Đại học Sư phạm 1, cô Phương bắt đầu dạy cho các bé chậm phát triển và tự kỷ từ tháng 7/2012.

4 năm gắn bó với nghề, nhiều lúc cô cảm thấy mệt mỏi và stress vì công việc đầy áp lực, đòi hỏi tinh thần vững vàng, sức khỏe, sự nhẫn nại.

Giờ học của nữ giáo viên thường diễn ra trong 60 đến 90 phút. Đầu giờ học, cô dạy học trò chào, tắt mở đèn, đóng cửa phòng. Sau đó sẽ đến các trò chơi sức khỏe như xếp ghế chồng lên nhau, giơ tay trái phải, đứng lên ngồi xuống. Rồi cô dạy học trò tập tô màu, phân biệt các chữ cái.

Cô dạy học sinh nói vâng, dạ, chào cô, tạm biệt, xin lỗi, xin phép, những kỹ năng như đi vệ sinh, đi giày dép, chơi với chó mèo...

"Làm công việc này thì không có thành tích, không có giấy khen. Đến cả 20/11 cũng ít khi được hoa. Năm vừa rồi, phụ huynh đưa hoa cho học sinh tặng mình, con không biết liền ném toẹt xuống đất. Mình không buồn mà chỉ thấy thương học trò thắt lòng", nữ giáo viên nói.

Sự an ủi và niềm vui lớn nhất của cô giáo dạy trẻ tự kỷ là sự tiến bộ rõ rệt của các con mỗi ngày. Sự thay đổi tuy ít và chậm, nhưng đối với cô và trò đều rất giá trị. Ví dụ như cô từng dành tới 8 tháng để dạy một bé biết "ạ cô" khi cô cho kẹo, "chào cô" khi cô về, "xin lỗi" khi thấy cô không vui.

"Sự tiến bộ của từng trẻ tự kỷ không nhiều nhưng chỉ cần sự thay đổi ở từng hành vi nhỏ nhất, thói quen đơn giản nhất cũng là niềm vui lớn hơn so với dạy trẻ bình thường. Có hôm phụ huynh gọi điện đến khoe cô giáo hôm nay con mình nói được hai từ Đẹp quá! mà tôi khóc luôn trên điện thoại đấy", cô Phương kể.

Theo Zing


trẻ tự kỷ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.