Mở "lối thoát nạn thứ 2" nhằm tăng cường phòng cháy, chữa cháy

Sáng 9/8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn năm 2023. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an và Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận

Hơn 40 vụ cháy sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng

Trong thời gian vừa qua, Thành phố đã triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kế hoạch chuyên đề chuyên sâu về công tác PCCC và CNCH, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thủ đô đã được kiểm soát, kiềm chế, giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ 2022. Hơn 70% vụ việc đã được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh. Đặc biệt, kể từ khi triển khai xây dựng mô hình Tổ liên gia và Điểm chữa cháy công cộng, riêng trong 03 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7), đã có hơn 40 vụ việc được người dân sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng, Tổ liên gia dập tắt đám cháy…

Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Công an Thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, đã vận động, hướng dẫn đến 108.422 hộ, đạt 100% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh và, tính đến nay, đã có 102.034 hộ, đạt 94,1% hộ mở "lối thoát nạn thứ 2". Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chắn, bịt bởi "chuồng cọp", "lồng sắt" kiên cố, đã vận động và có 1.496.239/1.628.346 hộ, đạt 91,3% đã mở "lối thoát nạn thứ 2". Đã có 620.938 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay (trong đó, có 512.516 nhà chỉ để ở và 108.422 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh) với tổng số gần 1 triệu bình chữa cháy.

Đến nay, 30 đơn vị quận, huyện, thị xã đã thành lập 5.362 Đội dân phòng tại 5.362 thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố (đạt 100%); 100% đội viên đội dân phòng đã được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo quy định. Đội dân phòng đã được trang bị phương tiện PCCC theo quy định. Một số đơn vị đã quan tâm đầu tư, trang bị máy bơm chữa cháy, xe chữa cháy cho lực lượng dân phòng để phù hợp với điều kiện thực tế như huyện: Thạch Thất, Hoài Đức.

Trên địa bàn Thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 3.164/3.164 Tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 11.422/11.422 điểm chữa cháy công cộng (đạt 100% chỉ tiêu đã đăng ký)… Đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các Tổ liên gia trên địa bàn 579 phường xã thị trấn. Phấn đấu hết quý III/2023, 100% Tổ liên gia được thực tập phương án chữa cháy.

Rút kinh nghiệm từ 3 vụ cháy tại huyện Hoài Đức, quận Đống Đa và quận Hà Đông

Báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy đối với 3 vụ cháy gần đây tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa), số 24A Thành Công (quận Hà Đông), Thượng Tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và CNCH, Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, các các vụ cháy đều gây thiệt hại nghiêm trọng về người, hầu hết tài sản đều ám khói, hư hỏng… Trong đó, 2 vụ cháy tại huyện Hoài Đức và quận Đống Đa đều là hộ nhà ở kết hợp kinh doanh với vật liệu kinh doanh dễ bắt cháy và cháy nổ.

Mặc dù cả 3 công trình đều có lối thoát nạn thứ 2 tại các tầng ra ban công hoặc có cửa ra tum; các nạn nhân trong vụ cháy đều đã có tham gia tập huấn PCCC, song, thời điểm xảy ra cháy đều từ nửa đêm về sáng - thời điểm người dân đều đang ngủ, nên không phát hiện từ ban đầu. Khi phát hiện đã cháy lớn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.

Theo lãnh đạo phòng PCCC và CNCH, ngay khi xảy ra các vụ cháy, cùng với công an PCCC và CNCH, các lực lượng tại chỗ từ người dân, dân phòng, công an địa phương đã được huy động. Công an Thành phố cũng kịp thời điều động xe chỉ huy, xe chữa cháy và phân công cán bộ cảnh sát tới hiện trường triển khai chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Qua 3 vụ việc trên, liên quan đến giải pháp phòng ngừa, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và CNCH đề xuất Công an các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ, bởi, thực tế 3 vụ việc nêu trên, phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp… Đồng thời, cần có việc tuyên truyền, vận động lâu dài trong các quy định về PCCC; khuyên khích lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…

Tại Hội nghị, đại diện Công an xã An Khánh (huyện Hoài Đức), công an quận Đống Đa cho biết, sau các vụ cháy trên địa bàn, công an địa phương đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm công tác phòng ngừa PCCC; xây dựng mô hình PCCC theo kế hoạch 53/KH-UBND của Thành phố…

Tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong PCCC

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố, các Sở, ngành trên địa bàn đã có nhiều chủ trương quan trọng trong công tác PCCC. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ cháy, thiệt hại do cháy so với trước kia… Theo chỉ đạo, Công an Nhân dân đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác PCCC và bước đầu đạt được kết quả tích cực. Công an Thành phố, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phát huy được vai trò trong công tác PCCC…

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Công an cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại và hạn chế. Mặc dù tình hình cháy nổ đã giảm về các tiêu chí, song, vẫn còn xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Các công trình chưa nghiệm thu PCCC, chưa đạt tiêu chí PCCC, công trình vi phạm hành lang PCCC, vi phạm lưới điện còn cao. Công tác liên ngành PCCC vẫn còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Chất lượng mô hình Tổ liên gia chưa thực chất, chưa phát huy hiệu quả; các địa phương chưa thực sự vào cuộc…

Từ những hạn chế trên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Thành phố tiếp tục thống nhất đúng và đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về PCCC và CNCH với phương châm đặt an ninh con người lên trên hết. Theo Thứ trưởng Bộ Công an, Hà Nội có đặc thù "ngõ nhỏ, phố nhỏ", do đó, cần có đánh giá cụ thể để triển khai thực hiện công tác PCCC phù hợp với thực tế. Tập trung thực hiện "4 tại chỗ" trong PCCC, trong đó, đề cao vai trò của người dân (chỉ đạo trong dân, lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân)…

Đặc biệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó, nhấn mạnh: 100% các hộ gia đình có bình chữa cháy, lối thoát hiểm, xử lý nghiêm các công trình vi phạm về PCCC, tập huấn kỹ năng PCCC trong trường học…; Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… "Thành phố quan tâm dành nguồn kinh phí để hiện đại hóa trong công tác PCCC, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo cuộc sống yên vui, hạnh phúc cho người dân trên địa bàn Thủ đô", Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long nêu rõ.

Triển khai các kế hoạch PCCC theo đúng chỉ đạo

Quang cảnh Hội nghị

Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị xây dựng triển khai các kế hoạch theo các nhiệm vụ, giải pháp của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nêu tại hội nghị. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác PCCC và CNCH trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Thành phố đề nghị các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nội dung nhiệm vụ  trọng tâm để nâng cao hiệu quả PCCC trên địa bàn Hà Nội.

Về chỉ đạo tăng cường "4 tại chỗ" của đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị lãnh đạo các quận, huyện, thị xã rà soát theo Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Công an, từ đó, rà soát các Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, tăng cường tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng, quy trình, bố trí trang thiết bị phải đầy đủ. Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở liên quan và các địa phương thống kê lại tổng kinh phí trang bị cho cơ sở để có phân bổ hỗ trợ cho các địa bàn còn khó khăn.

Đối với việc nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, để bảo đảm 100% có bình chữa cháy và được tập huấn PCCC, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền theo kế hoạch đã được giao. Về xử lý công trình vi phạm, đề nghị HĐND tăng cường giám sát, tăng cường chất vấn; các quận huyện thị xã báo cáo khó khăn, vướng mắc…

Về hoàn thiện quy chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn thống nhất ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch phối hợp Công an Thành phố để có quy chế phối hợp hai bên; Tổng Công ty Điện lực chủ động đề xuất để có các cuộc họp chuyên đề riêng, báo cáo UBND Thành phố, Thành ủy để có chỉ đạo thực hiện. Công an Thành phố chủ động tham mưu Thành phố ban hành Chỉ thị tập trung vào các vấn đề cấp bách…

Theo Hanoi.gov.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2858871/mo-loi-thoat-nan-thu-2-nham-tang-cuong-phong-chay-chua-chay.html;jsessionid=0i-idjKIBppGwf08R2WExDzz.app2?fbclid=IwAR0Ew-cX6NzxC3265lkX0IEJ1kUMsypJIyIOcsBclkTh5qBFv_BtPx4Agak


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.