'Em và Trịnh' như nồi lẩu thập cẩm

Đứa con tinh thần của Phan Gia Nhật Linh không thể gọi tên là phim âm nhạc và quá hư cấu cho một tác phẩm tiểu sử.

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-1

Bản nguyên Trịnh Công Sơn  vốn là một tam giác Bermuda- một huyền thoại bí ẩn, đầy mâu thuẫn, nuốt trọn tất cả và không nhả gì ra ngoài các bản tình ca bất hủ.

Phó bản điện ảnh Trịnh Công Sơn và phó bản của phó bản Em và Trịnh là một “kỳ quan thế giới thu nhỏ ở Sa Pa” - phiên bản cuộc đời được làm bé đi, sản xuất bằng xốp phủ sơn, có tất cả sự hào nhoáng và rất thích hợp để trở thành một điểm check-in thời thượng.

Bản nguyên Trịnh Công Sơn là khối nguyên liệu khổng lồ - những mối tình của ông, sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và phong phú của ông, bạn bè của ông… đặt trên bối cảnh của một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử.

Trong những năm tháng chiến tranh và cả những năm dài của thời hậu chiến, ở cả hai bên bờ đại dương, hàng triệu người đã nương tựa vào âm nhạc của ông, tạo ra vô vàn những phiên bản Trịnh Công Sơn khác nhau trong tâm tưởng.

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-2

Diễn xuất của nghệ sĩ Trần Lực trong Em và Trịnh còn nhiều hạn chế. Ảnh: ĐPCC.

Một nồi lẩu thập cẩm

Do đó, cuộc tranh cãi bất tận về việc “giống” hay “không giống” sẽ là vô nghĩa.

Hãy xem những người gần gũi nhất với ông, thân thuộc nhất với ông không ngừng mâu thuẫn, dị biệt và nhiều khi đối nghịch khi cố gắng mô tả Trịnh Công Sơn là đủ hiểu.

Câu hỏi ở đây sẽ là: “Đâu là Trịnh Công Sơn” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh? Và có vẻ, đạo diễn không có được Trịnh Công Sơn 'của mình'”.

Cái bối rối “tình đôi lận đận” phân vân giữa chọn góc nhìn của riêng mình hay làm dâu trăm họ, thỏa mãn vô vàn những ý kiến khác nhau (có thể) của người thân, bạn bè, những “chuyên gia Trịnh Công Sơn” đã đưa đạo diễn vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” ngay từ đầu và kéo dài đến tận cuối phim.

Vậy thì tóm lại Em và Trịnh là thể loại phim gì?

Nó quá nhiều “tài liệu” cho một câu chuyện tình, quá ít âm nhạc cho một bộ phim âm nhạc, quá hư cấu cho một bộ phim tiểu sử và vì không đủ dũng cảm lựa chọn Trịnh Công Sơn của mình.

Vì vậy, Em và Trịnh trở thành một nồi lẩu thập cẩm. Nó có mỗi thứ một ít, chút thời cuộc, chút âm nhạc, chút số phận và rất nhiều các mối tình nhàn nhạt thoáng qua.

Có một câu chuyện ngụ ngôn về con lừa chết đói giữa hai bó cỏ - nó không thể quyết định bó cỏ nào ngon hơn. Hãy hình dung như nhà biên kịch phải đứng giữa hàng trăm bó cỏ - những chi tiết đắt giá trong một quãng đời dài của người nghệ sĩ - và anh ta bị ''chết'' vì bội thực, vì bó cỏ nào anh ta cũng muốn nếm một chút.

Phương pháp truyền thống của người sáng tạo khi đứng trước một hiện thực quá ngồn ngộn, đó là lựa chọn “zoom out” (tạo một góc nhìn cao hơn hiện thực) hay “zoom in” (đi thật sâu vào một vài chi tiết của hiện thực).

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-3

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-4

Cả hai phương pháp này đều “dị ứng” với cách minh họa của tác giả kịch bản của Em và Trịnh, dẫn đến một hiện tượng hi hữu trong lịch sử điện ảnh Việt Nam: Nhà sản xuất cùng một lúc ra mắt hai phiên bản phim.

Do đó phiên bản thứ 2 Trịnh Công Sơn là phiên bản 1 được dũng cảm cắt tuột đi nhân vật dẫn chuyện thời hậu chiến và mối tình của ông với cô sinh viên người Nhật Michiko.

Và lạ lùng là sau khi cắt tuột hơn 40 phút phim của bản “lẩu thập cẩm”, bộ phim lại tập trung và tốt hơn hẳn.

Đoạn phim tài liệu ghép vô tội vạ

Có rất nhiều lời ca thán về việc Em và Trịnh giống một MV ca nhạc kéo dài. Thật ra, sự giống nhau đó xuất phát từ lựa chọn chung - minh họa trực tiếp. Cho nên nếu ca từ vang lên “mưa vẫn mưa bay” thì trời phải ướt sũng và người nhạc sĩ run rẩy sáng tác trong mưa, “đường phượng bay” thì hoa phượng phải nở đỏ phố, “nắng thủy tinh” thì trời phải bừng sáng, “đại bác ru đêm” thì màn ảnh phải ngập tràn tiếng nổ và đêm trong phim lúc nào cũng ngập ánh hỏa châu.

Và khi minh họa cho một hiện thực đã quá quen thuộc trên màn ảnh, thì việc bị ảnh hưởng bởi những bộ phim trước đó là điều dễ hiểu.

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-5

Khán giả khó tính sẽ phì cười khi luôn gặp hình ảnh dập khuôn đến không thể dập khuôn hơn.

Những đoạn phim tài liệu được lồng ghép vô tội vạ trong phim càng làm tính minh họa của nó rõ rệt hơn, nhưng có lẽ cũng không tệ bằng áp đặt khiên cưỡng trong hành trình trở về từ B’Lao của Trịnh Công Sơn - mọi thảm cảnh của chiến tranh nối đuôi nhau trình diễn trước mặt Sơn qua khung cửa chuyến xe.

Nhưng có những bó cỏ không dễ ăn như vậy, bởi nó không thuộc về hiện thực đời sống để có thể dễ dàng minh họa.

"Remake" cảm xúc Trịnh Công Sơn thất bại

Các mối tình của Trịnh Công Sơn là vậy. Bởi sự thực là “thực tại Trịnh Công Sơn” là một thực tại nhiều chiều. “Hoàng tử bé” của âm nhạc Việt Nam vốn không thuộc về thế giới này, ông ở đó mà cũng không ở đó, luôn luôn trìu mến và cũng luôn luôn xa cách, ông thuộc về hành tinh của ông, hành tinh ông tự tạo ra và sống thiết tha trong hành tinh đó.

Ông bị hút hồn không phải bởi vệt áo dài lướt qua mà là cảm xúc nó ngân mãi trong ông, ông say đắm một Dao Ánh trong hơn 300 bức thư tình tuyệt diệu ông viết hơn là một Dao Ánh trong đời thực, yêu thương một Mai của những cuộc điện thoại viễn liên và thấy trẻ lại trong những câu hỏi ngây thơ của Machiko…

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-6

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-7

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-8

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-9

Tình yêu của ông là tình yêu với cảm xúc của chính mình, và nỗi sợ hãi của ông là nỗi sợ hãi rằng: Đến lúc những xúc cảm đó rời khỏi ông và biến mất. Nỗi sợ hãi khi sự buồn bã trở nên bình thản, như một sự tất yếu của cảm xúc. Đó cũng là nỗi buồn hiện sinh của thế hệ ông, và điều khiến ông được nhiều người chia sẻ.

Trong khi cố gắng “remake” hiện thực, Em và Trịnh đã hoàn toàn thất bại trong việc “remake” cái cảm xúc đó, cái tinh thần đó của Trịnh Công Sơn.

Một trong những từ mà Trịnh Công Sơn yêu thích là “thiết tha” - có một sự trìu mến đầy tính nữ trong mối quan hệ của ông với những người xung quanh.

Không tìm thấy đâu ra sự “thiết tha” đó trong phim. Không tìm thấy đâu cái cảm giác “mà tôi yêu quá cuộc đời này” - đạo diễn trình bày trước mắt chúng ta hình ảnh một nhạc sĩ ngây ngây thơ thơ khi còn trẻ (“ngây ngây mà rầu, sầu sầu mà khóc”) và một ông già mất toàn bộ sức sống, niềm vui sống khi tuổi già, không có xót xa, chỉ có mệt mỏi.

Cảnh tệ hại nhất phim

Điểm đặc biệt của Em và Trịnh, đó là chúng ta sẽ rất khó để quyết định xem cảnh nào là cảnh tệ hại nhất của bộ phim - đoạn phi lộ dài dòng mở đầu phim hay cái nháy mắt “đểu giả” của Trần Lực ở kết phim.

Nhưng tôi sẽ bỏ phiếu cho cái kết.

Nếu sự thừa thãi của đoạn “phi lộ” đầu phim quá rõ ràng - bữa tiệc gia đình kiểu “cả nhà cùng ca” - có thể rất gợi nhớ không khí của gia đình nhạc sĩ, nhưng lại đầy nhàm chán với khán giả thì cái kết phim chính xác là một “coup de grace” cho hình tượng nhạc sĩ trong tâm tưởng khán giả - một con người vừa chao đảo đi qua các cuộc tình tha thiết lại trở nên rất “trai lơ” bước vào một cuộc tình mới, với nàng thơ mới.

Không thể không nói, góp phần vào sự thất bại điện ảnh của Em và Trịnh có phần đóng góp không nhỏ của các diễn viên.

Trần Lực là một thất bại toàn tập. Việc loại bỏ hoàn toàn các phân cảnh có anh trong phiên bản Trịnh Công Sơn khiến bản phim dễ chịu hơn nhiều. Cái khô cứng của anh, cái mệt mỏi của anh, cái thái độ “trai lơ” của anh ở cuối phim làm khán giả triệt để đánh mất cảm xúc.

Avin Lu, như đã nói ở trên, có sự “ngây ngây thơ thơ” chứ không phải sự ngây thơ thánh thiện của Trịnh Công Sơn. Đặc biệt ở đoạn đầu, khi nhìn thấy Bích Diễm, cái thể hiện của anh không phải sự rung động thảng thốt của nghệ sĩ với cái đẹp, mà là biểu cảm rất “lạ cho mặt sữa cũng ngây vì tình”.

Những đoạn sau anh đóng tốt hơn, nhưng cũng chỉ đủ tròn vai một cách miễn cưỡng. Trường đoạn anh đóng tốt nhất có lẽ lúc thẩm vấn với nhân viên quân cảnh, gương mặt chìm trong tối nên sâu hơn, quyết liệt hơn.

Mọi người dành nhiều lời khen cho Bùi Lan Hương, nhưng tôi tự hỏi: “Khánh Ly sẽ thô bạo vậy sao, dữ dằn vậy sao?”.

Cái thô bạo dữ dằn của Bùi Lan Hương (“Anh thó của ông Văn Cao đấy à”, “Em có hai con rồi đấy”) là cái thô bạo dữ của ngõ chợ Khâm Thiên sau bao cấp chứ không phải sự mạnh mẽ của cô Mai di cư từ Hà Nội vào miền Nam. Chỉ có một điểm sáng hiếm hoi là diễn xuất tự nhiên và hồn hậu của Hoàng Hà, lọt thỏm giữa những vai diễn vô vị khác.

Vậy chẳng lẽ không có điều gì đáng khen ở Em và Trịnh?

Âm nhạc của Đức Trí, và chắc chắn các tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn là thứ đã khiến cho khán giả không bị ngủ gục suốt 136 phút lê thê của một bộ phim không thể biết đạo diễn sẽ kết thúc như thế nào.

Sự kỹ lưỡng của bối cảnh, trang phục và hình ảnh chắc chắn là điểm cộng cho bộ phim. Nhưng ngay cả ở đây, xử lý màu sắc và ánh sáng cũng khiến cho bộ phim “mới” quá - màu sắc và những cảnh quay đậm chất MV khiến chúng ta không có cảm giác được quay về với quá khứ.

Những bối cảnh đẹp đẽ ở Đà Lạt, Huế, Sài Gòn cũng mang đầy màu sắc “remake” - phục dựng chứ không làm chúng ta có cảm giác cũ kỹ chân thực của một bộ phim truyện điện ảnh.

Vậy đâu là Trịnh Công Sơn của Phan Gia Nhật Linh?

Lựa chọn thỏa mãn nhóm khán giả tuổi teen với một Avin Lu rất “ a la Mắt biếc” (Hãy xem sự trở lại của hình ảnh diễn viên điển trai chở cây đàn sau lưng xe đạp của mình) hay nhóm khán giả tuổi ''sồn sồn'' với hình ảnh người hùng xế chiều Trần Lực, hay cả hai?

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-10

Em và Trịnh như nồi lẩu thập cẩm-11

Với một kịch bản dàn trải, một đạo diễn mang nặng tính minh họa và do dự, một dàn diễn viên mà nhân vật thiếu nhiều đất diễn vì thế rất ít đời sống nên người làm tốt nhất cũng chỉ ở mức tròn vai, nhưng cuối cùng Em và Trịnh vẫn sẽ thu hút được một lượng khán giả đến rạp xem phim?

Cái may mắn của bộ phim là ở chỗ, những khán giả trung thành của Trịnh Công Sơn vốn đã có sẵn “hành tinh Trịnh Công Sơn” trong mình và khi họ xem phim, tiềm thức của họ không ngừng làm đầy cho hình ảnh tẻ nhạt mà họ đang xem trên màn ảnh, và họ sống lại không phải với câu chuyện trên màn ảnh, mà là với câu chuyện về Trịnh Công Sơn trong tiềm thức của họ.

Nhưng lớp khán giả trẻ hơn sẽ không có được đặc ân ấy!

Không may cho họ? Hay là may cho họ?

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/em-va-trinh-nhu-noi-lau-thap-cam-post1327317.html

Trịnh Công Sơn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.