Lấy chồng, sợ nhất là mẹ chồng đoảng

Nghe bạn bè, đồng nghiệp tâm sự nỗi sợ nhất là có mẹ chồng ghê gớm, điêu trác, ở bẩn… Mai chỉ im lặng. Với cô, nỗi sợ nhất đó là có mẹ chồng đoảng…

Nghe bạn bè, đồng nghiệp tâm sự nỗi sợ nhất là có mẹ chồng ghê gớm, điêu trác, ở bẩn… Mai chỉ im lặng. Với cô, nỗi sợ nhất đó là có mẹ chồng đoảng…

Ngày mới lấy Tuấn, Mai cảm thấy mình may mắn khi có mẹ chồng chân chất, quan tâm và thoải mái với con dâu. Bố mẹ Tuấn ở Bắc Giang trong khi vợ chồng Mai lại sống và làm việc trên Hà Nội nên chỉ thi thoảng cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ, Tết vợ chồng cô mới về thăm ông bà.

Cuộc sống vợ chồng cô thay đổi khi Mai sinh con trai đầu lòng, vì mẹ đẻ ở xa lại ốm yếu nên mẹ chồng Mai tình nguyện lên chăm con dâu. Từ đây, chuỗi ngày mệt mỏi của Mai bắt đầu. Tất cả là vì mẹ chồng đoảng và vụng quá. Đơn giản là vì dù ở quê nhưng nhà chồng Mai có điều kiện, mẹ chồng không phải lăn lộn vất vả chăm sóc chồng con.

Cứ nghĩ mẹ chồng có kinh nghiệm nuôi hai con trai lớn rồi, Mai không thuê người đến tắm, nào ngờ lúc hỏi mẹ, bà lắc đầu từ chối khiến cô vừa mới sinh mổ xong, bụng còn đau vẫn phải bế con tắm. Đã thế, tiếng là lên chăm cháu nhưng chẳng mấy khi bà bế cháu bởi: "Mẹ lâu không bế trẻ con mới sinh, sợ lọt tay".


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chồng Mai đi làm từ sáng đến tối mịt mới về. Tháng đầu ở cữ, mẹ chồng Mai hôm nào cũng cho cô ăn cơm với rau ngót, trứng luộc. Hôm nào đổi bữa thì có rau cải và vài miếng thịt cộng bát nước chấm. Nhiều hôm, nhìn mâm cơm mẹ chồng dọn ra cho mình, Mai ứa nước mắt nuốt không trôi. Lần đầu làm mẹ, thức đêm thức hôm cộng với mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, Mai bị mất sữa.

Đành vậy, sau mỗi lần nấu cơm cho con dâu, nhà và bếp của vợ chồng Mai như bãi chiến trường. Mùi mắm ớt sực nức cộng với khu bếp dầu ăn rây loang lổ, bát đĩa bày bừa, chậu rửa két bẩn khiến Mai lại phải ra dọn.

Nhưng điều Mai hoảng nhất ở mẹ chồng đó là việc giặt quần áo cho cháu. Nhiều hôm ra rút quần áo vào, Mai ngạc nhiên thấy tã và quần của con vẫn còn nguyên màu vàng. Thấy vậy, cô đem vào nhà tắm ngâm xà phòng để bà giặt lại. Hôm sau Mai thấy quần áo của con trắng hơn nhưng có các vệt loang lổ, ngửi mùi cô mới tá hỏa hình như là mùi của nước tẩy rửa bồn cầu. Vốn nhẹ nhàng, tính lại hay ngại, cô không dám nói lại với mẹ chồng mà âm thầm vứt bỏ chúng vào sọt rác.

Nhiều hôm mệt mỏi quá, Mai nhờ bà nội ngủ cùng để trông cháu. Vậy mà bà ngủ liền một mạch, thậm chí ngáy o o, cháu khóc đêm mấy lần mà không hề biết, làm Mai lại lật đật dậy pha sữa cho con. Đã thế, đi đâu, gặp ai bà cũng nói: “Trộm vía, thằng này ngoan ơi là ngoan, đêm chẳng quấy khóc gì, mẹ nó cũng nhàn” khiến Mai bực không thốt lên lời.

Hơn 5 tháng ở cùng mẹ chồng, Mai phải chịu nhiều khó chịu nhưng cô gắng bỏ qua. Vài lần góp ý nhẹ nhàng với mẹ thì bà giận dỗi ra mặt. Cô phản ánh với chồng, anh nói: “Mẹ thế là quá tốt rồi. Mẹ đã rất cố gắng, em đừng đòi hỏi thêm” hoặc “mẹ đoảng nhưng mẹ vẫn nuôi được hai anh em anh to cao, khỏe mạnh đấy thôi. Anh chỉ cần em được như mẹ là quá tốt”. Mai nghe mà ức phát khóc.

Mai cảm thấy bế tắc. Cô nghĩ đến việc tìm người giúp việc để đi làm trở lại nhưng Tuấn gạt ngay. Đã thế, mẹ chồng cô cũng không đồng ý bởi bà lo tốn kém, con trai phải vất vả kiếm thêm tiền. Vậy là Mai vẫn phải tiếp tục sống những ngày khó chịu, stress.

Cùng chung cảnh ngộ với Mai, mẹ chồng Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thuộc dạng đoảng và vụng. Không những vậy, bà còn rất thích lên mặt dạy dỗ, bảo ban con dâu.

Những ngày đầu về sống chung với nhà chồng, Hương rất ngạc nhiên khi bố chồng là người nấu ăn cho cả gia đình chứ không phải mẹ chồng. Sau này cô mới biết, mẹ chồng cô ngày trẻ rất xinh đẹp, tính cách tiểu thư, bố chồng cô rất chiều bà nên thường xuyên vào bếp nấu cơm cho vợ. Lâu dần thành quen. Hàng ngày, mẹ chồng cô đi chợ mua thức ăn về cho bố chồng nấu. Tuy nhiên bà thường xuyên mua thiếu đồ, gia vị, nhiều lần về đến nhà rồi lại phải quay lại chợ mua thêm, lần mua thịt lại để quên ở hàng rau, mua tỏi lại quên hành. Hôm nào mẹ chồng đột xuất vào bếp là cả nhà sẽ biết ngay vì không được ăn ngon, món thì mặn, món lại ngọt…,cùng đó là góc bếp cứ lanh ta bành cả lên.

Kể từ khi Hương về làm dâu, bữa tối cô thường xuyên vào bếp. Vốn nấu ăn ngon, các bữa cơm của gia đình vào tay Hương đều trở lên tươm tất, ngon miệng. Hôm nào mà Hương về muộn, không nấu cơm được, mọi người thất vọng ra mặt. Phải hôm mẹ chồng vào bếp nấu món thịt kho Tàu cùng canh cá lóc, cả nhà uể oải ăn, bố chồng buột miệng nói: “Bà lần sau hỏi con Hương công thức nấu” khiến mẹ chồng cô bĩu môi khó chịu, bảo là "Em thấy con Hương nấu ngọt quá, khó ăn”.

Hương làm bất cứ cái gì, nấu món gì, lau dọn nhà cửa ra sao, mẹ chồng cô cũng đứng cạnh, theo sau chỉ đạo. Nếu cô có phản ứng gì bà lại kêu là con dâu bướng, khó bảo, cậy chồng bênh. Nhiều lần như vậy, nếu không có bố chồng và chồng can thiệp thì Hương ức phát khóc.

Mỗi khi nhà có khách, dịp giỗ, Tết, Hương lại vào bếp làm. Một tay cô làm 3-4 mâm cỗ, thi thoảng mới có sự trợ giúp của bố và chồng. Thế mà mặc khách khứa, họ hàng khen cỗ ngon, con dâu thật đảm, mẹ chồng Hương cười trừ nói: “May mà món này tôi góp ý trộn gia vị mới được ngon như thế, lúc trước cái Hương nó cho mặn/nhạt, thiếu đường…” khiến Hương á khẩu.

Nếu chỉ có thế thì Hương cũng không cảm thấy phiền và khó chịu bởi cô nhận được sự cảm thông của chồng và bố chồng. Ức nhất là bà cứ sang nhà hàng xóm và ra ngoài chê con dâu “vụng thối vụng nát”, bảo thủ, không nghe mẹ chồng khuyên bảo khiến Hương bị mang tiếng. Cô nghĩ mãi mà vẫn chưa ra cách “trị” mẹ chồng đã ghê gớm, hay đặt điều, xét nét lại còn đoảng nữa.

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.