Học sinh lớp 7 bị đánh rối loạn tâm thần: Cần truy trách nhiệm người lớn

Trong vụ việc học sinh lớp 7 bị bạn đánh hội đồng đến rối loạn tâm thần, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng cần truy trách nhiệm của người lớn bao gồm cha mẹ của trẻ đánh bạn và cơ sở giáo dục.

Luật sư đánh giá vụ việc "rất nghiêm trọng"

Như Dân trí đưa tin, em V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, bị nhóm bạn cùng lớp bạo lực học đường nhiều lần dẫn tới rối loạn tâm thần.

Sau hai tháng được chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, em K. vẫn chưa nhận ra bố mẹ, người thân, thường xuyên la hét, hoảng loạn, không có khả năng tự chủ trong sinh hoạt, chưa thể đi học lại.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đánh giá: "Với thông tin ban đầu của sự việc và kết luận của cơ sở y tế, hậu quả của hành vi bạo hành, bạo lực học đường đã xảy ra là rất nghiêm trọng.

Nếu kết quả điều trị không tốt, cháu bé có thể mất cả tương lai và nỗi đau của gia đình không biết đến khi nào mới có thể nguôi ngoai".

Học sinh lớp 7 bị đánh rối loạn tâm thần: Cần truy trách nhiệm người lớn - 1

Cháu V.V.T.K. được chị gái đút cho ăn vào bữa tối vì không có khả năng tự chủ sinh hoạt (Ảnh cắt từ clip).

Luật sư Cường nêu quan điểm, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, những người có liên quan khi để vụ việc xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Đối với hành vi của nhóm học sinh hành hung cháu K., dựa trên hình ảnh clip và thông tin ban đầu, luật sư Cường đánh giá là hành vi cố ý gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

Tuy nhiên những học sinh này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (chưa đủ 14 tuổi) nên vấn đề trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra.

"Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguyên nhân, điều kiện để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, xem xét các biện pháp hành chính để giáo dục các cháu bé, đồng thời xem xét trách nhiệm của người lớn khi để xảy ra sự việc như vậy.

Trong vụ việc này, cha mẹ của các cháu có hành vi đánh bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra với nạn nhân.

Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tiền công người chăm sóc và các thiệt hại khác phát sinh trong quá trình thăm khám, điều trị đối với cháu bé", luật sư Cường cho hay.

Học sinh lớp 7 bị đánh rối loạn tâm thần: Cần truy trách nhiệm người lớn - 2

Giấy ra viện của cháu V.V.T.K. (Ảnh: NVCC).

Nhà trường cũng cần bồi thường thiệt hại

Luật sư Cường cũng nêu quan điểm, theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, sự việc xảy ra ở nhà trường nên cơ sở giáo dục này cũng có một phần trách nhiệm và phải bồi thường một phần thiệt hại đối với gia đình nạn nhân.

Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào thiệt hại cụ thể và sự thỏa thuận giữa các bên.

Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét giải quyết theo quy định.

Ngoài vấn đề chung tay giúp sức để tạo điều kiện vật chất tinh thần, cùng có trách nhiệm giải quyết hậu quả là cứu chữa, thăm khám, điều trị cho nạn nhân, cần sớm làm rõ nguyên nhân điều kiện để xảy ra hành vi vi phạm, xác định hậu quả đã gây ra, xem xét trách nhiệm của các cơ quan đơn vị tổ chức cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Cường đánh giá, trong vụ việc này, tất cả các cháu bé đều là nạn nhân của nạn bạo hành nơi học đường.

Học sinh lớp 7 bị đánh rối loạn tâm thần: Cần truy trách nhiệm người lớn - 3

Hình ảnh cháu V.V.T.K. bị nhóm bạn đánh hội đồng (Ảnh cắt từ clip).

"Không chỉ có cháu bé bị đánh, bị tổn thương tâm lý là nạn nhân mà ngay chính các cháu thực hiện hành vi bạo lực đối với bạn của mình cũng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Các cháu bé này không nhận thức được hết tính chất nguy hiểm hành vi của mình, dẫn đến việc thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe của bạn và bản thân phải đối mặt với những thách thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí nếu đủ tuổi còn phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng các biện pháp tư pháp theo quy định của pháp luật.

Các cháu này chính là nạn nhân của sự việc thiếu giáo dục, thiếu quan tâm của cha mẹ, thiếu trách nhiệm của thầy cô, của cơ sở giáo dục.

Bởi vậy, vấn đề không phải là đổ lỗi, truy trách nhiệm các cháu bé này mà phải truy trách nhiệm với người lớn, với cha mẹ và cơ sở giáo dục", luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

"Theo quy định tại Điều 12, Bộ Luật Hình sự, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên.

Nếu các học sinh gây ra sự việc này chưa đủ 14 tuổi thì chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu hành vi là "đặc biệt nghiêm trọng" thì mới có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng.

Với sự việc nêu trên, hậu quả là "nghiêm trọng" hoặc "rất nghiêm trọng" nên chưa đủ điều kiện để đưa vào trường giáo dưỡng.

Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính thì: Đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng bao gồm:

- Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, trừ những tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự.

- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không phải là tội phạm và trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Cần phân hóa trẻ em để giáo dục, nhất là trẻ yếu thế

Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bạo lực học đường: cha mẹ thiếu trách nhiệm, giáo dục không đúng cách, thầy cô không để tâm quán xuyến công tác quản lý, giáo dục đạo đức không có hiệu quả...

Trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn thường bị các bạn coi thường, bắt nạt và dễ trở thành nạn nhân của bạo hành.

Trong khi đó, những đứa trẻ thường xuyên bắt nạt bạn là những đứa trẻ được nuông chiều hoặc gia đình giáo dục không đúng cách, hoặc thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực nên có những suy nghĩ hành động thiếu chuẩn mực, thậm chí còn được cha mẹ người thân cổ vũ cho những hành vi bạo lực.

Ngoài ra, với các cháu bé có phát triển thể chất tốt hơn, cao lớn hơn các bạn, tính tình hiếu động, thường xuyên tiếp xúc với bạo lực, bố mẹ ít quan tâm cũng là các cháu bé dễ thực hiện hành vi bắt nạt các bạn cùng lớp, cùng trường.

Cùng với đó, việc duy trì kỷ luật trong nhà trường không tốt, không nghiêm, giáo dục đạo đức không có hiệu quả, không quan tâm đúng mức đối với giáo dục kỹ năng sống cũng là yếu tố khiến bạo lực học đường dễ dàng xảy ra. 

Học sinh cấp hai thuộc lứa tuổi dậy thì, đang có sự biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý, muốn thể hiện mình. Bởi vậy việc giáo dục, bảo vệ, chăm sóc các em ở độ tuổi này đòi hỏi rất công phu và phải có phương pháp phù hợp.

Học sinh lớp 7 bị đánh rối loạn tâm thần: Cần truy trách nhiệm người lớn - 4

Cháu H., học sinh lớp 6 Trường THCS Minh Tân, huyện Thường Tín, Hà Nội, là nạn nhân của vụ bạo lực học đường xảy ra tại trường vào giữa tháng 11 (Ảnh: Minh Quang).

Luật sư Đặng Văn Cường tư vấn: "Để giảm thiểu những vụ việc bạo lực học đường đau lòng như thế này, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. 

Cần phải có sự phân loại, phân hóa đối với trẻ em, nhất là nhóm trẻ em yếu thế, để dành quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn từ phía cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương và đặc biệt là từ các thầy cô giáo, của cơ sở giáo dục nơi các em học tập.

Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc hoặc thiếu cha, thiếu mẹ, gia đình không hạnh phúc, các em cần được giáo dục tích cực để không tự ti, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở trường học, ngăn ngừa khả năng các em trở thành đối tượng bị bạo lực học đường hoặc gây ra bạo lực học đường.

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai. Để trẻ em được sống trong một môi trường an toàn, các quyền trẻ em theo quy định của pháp luật được tôn trọng bảo đảm, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo, chính quyền địa phương và các thiết chế xã hội cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình.

Vụ việc này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài việc xem xét trách nhiệm của phụ huynh, của cơ sở giáo dục và của các học sinh đã gây ra sự việc này thì cơ quan chức năng cũng làm rõ nguyên nhân điều kiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tích cực.

Các bậc phụ huynh cũng cần phải rút ra bài học trong việc quản lý, bảo vệ con em mình. Giáo viên và lãnh đạo nhà trường cũng cần phải rút kinh nghiệm từ vụ việc này.

Cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và giáo viên quản lý lớp khi để xảy ra trường hợp bạo lực học đường gây hậu quả nghiêm trọng như vậy".

 Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-lop-7-bi-danh-roi-loan-tam-than-can-truy-trach-nhiem-nguoi-lon-20231127234916255.htm?fbclid=IwAR2a_Yy6ciRnwzrA2dJClpYNY6R3jWSImJvwWHn_-Er0FXP9SiSLSC-QeGA

bạo lực học đường

rối loạn tâm thần


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.