Học sinh tử vong vì đuối nước, điện giật: Mẹ run rẩy khi cô y tế gọi điện

Đang đi trên đường, chị Hương rụng rời, muốn ngã quỵ khi nghe tiếng đầu dây bên kia nói: "Cô Lan ở phòng y tế trường học đây....".

Nghe điện thoại từ trường, mẹ rụng rời

Chiều 7/9, khi đang chạy xe trên đường Phan Đăng Lưu, Phú Nhuận, TPHCM, chị Nguyễn Thị Hương không khỏi rụng rời khi nhận một cuộc gọi điện thoại từ trường học. 

Tiếng từ đầu dây bên kia: "Cho cô hỏi, có phải mẹ bạn L.S. không ạ? Cô là cô Lan ở phòng y tế của trường học...".

Chị Hương nhận ra giọng cô Lan, phụ trách phòng y tế trường con mình đang theo học ở TP Thủ Đức, TPHCM. Dù đã dừng xe trên vỉa hè, người mẹ vẫn không khỏi run rẩy lẩy bẩy, hai chân muốn quỵ xuống. Một cảm giác sợ hãi chạy dọc khắp cơ thể, cảm giác rất kinh khủng, rất khó tả.

Học sinh tử vong vì đuối nước, điện giật: Mẹ run rẩy khi cô y tế gọi điện-1
Học sinh bị bỏng vì nổ bóng bay ở Thanh Hóa được điều trị trong bệnh viện (Ảnh: Thạch Thành).

Cô nhân viên y tế nói tiếp: "Bé S. có dấu hiệu bị đau mắt đỏ vừa được cô giáo chủ nhiệm đưa xuống phòng y tế. Bé đang nằm nghỉ ngơi, có gì mẹ thu xếp đưa bé đi viện khám nha!". 

Đến lúc này, chị Hương mới như lấy lại được hơi, thở phào.

"Khi nhận cuộc gọi từ cô y tá cũng là khi tôi vừa đọc tin học sinh lớp 10 bị điện giật tử vong tại khu nội trú của ngôi trường gần nhà tôi. Nghĩ đến sự an toàn của con là tôi sợ lắm... Tôi sợ nhất những cuộc gọi đột ngột từ nhà trường", người mẹ chia sẻ .

Nỗi bất an của chị Hương, sợ những cuộc gọi bất ngờ từ trường, giáo viên cũng là tâm trạng của nhiều ông bố bà mẹ. Mỗi ngày đưa con đến trường, từ việc di chuyển trên đường cho đến khi con đặt chân vào trường, nhiều người vẫn chưa thể yên tâm cho sự an toàn của con. 

Đặc biệt, thời điểm gần đây xảy ra những vụ tai nạn đau lòng ở trường học thì sự căng thẳng, lo lắng đó của phụ huynh càng tăng lên gấp bội. 

Vừa bước vào năm học mới nhưng đã liên tiếp xảy ra những vụ việc đau lòng tại trường học. Trong đó, đã có hai em học trò tử vong trong trường học bắt nguồn từ những hoạt động giáo dục, sinh hoạt thông thường nhất. 

Tại Hà Nội, một học sinh lớp 9, Trường Phổ thông quốc tế Việt Nam mất mạng ngay trong giờ học bơi có giáo viên và các bạn bên cạnh vào ngày 22/8 vừa qua. 

Hay trường hợp đau lòng ở TPHCM, một học sinh lớp 10 trong lúc chơi thể thao, chạy tới lấy nước uống tại máy lọc nước nóng lạnh trong khu nội trú Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, cơ sở TP Thủ Đức bị điện giật tử vong. Sự việc xảy ra vào đúng ngày 5/9, khi học sinh cả nước khai giảng năm học mới. 

Học sinh tử vong vì đuối nước, điện giật: Mẹ run rẩy khi cô y tế gọi điện-2
Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, TP Thủ Đức, TPHCM (Ảnh: Website nhà trường).

Rồi cả sự việc nổ bóng bay ngay trong lễ khai giảng xảy ra tại Trường Tiểu học xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều học sinh bị bỏng phải nhập viện. 

Không ai thể ngờ học sinh có thể gặp tai nạn, thậm chí mất mạng ở ngay hồ bơi trường học, ngay khi các em đi rót nước uống hay xuất phát từ quả bóng bay phát nổ. 

Những sự việc đau lòng trong trường học nói trên xảy ra ngay thời điểm Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến dự thảo về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Dự thảo này được công bố vào tháng 6/2023 và kết thúc lấy ý kiến trong tháng 8 vừa qua. 

An toàn trường học, không có chỗ cho "sơ sẩy" 

Quản lý một trường học ở TPHCM chia sẻ, cuộc sống luôn có những tai nạn không thể lường trước. Nhưng nhiều vụ việc, nếu cứ quy cho "tai nạn" thì chúng ta rất khó nhìn thẳng rằng trường học có thể đang tồn tại nhiều vấn đề chưa đảm bảo an toàn cho học sinh vì phía sau đó có thể là quy trình lỏng lẻo hoặc là sự bất cẩn. 

Học sinh tử vong vì đuối nước, điện giật: Mẹ run rẩy khi cô y tế gọi điện-3
Một giờ học bơi của học sinh tại TPHCM do trường học tổ chức (Ảnh: Hoài Nam).

Người này phân tích, như vụ học sinh tử vong ở hồ bơi trường học được nhắc đến trách nhiệm của thầy dạy bơi "lo bấm điện thoại". Điều cần hơn là phải xem xét quy trình các trường tổ chức dạy bơi cho học sinh như thế nào, các yếu tố nào đảm bảo cho các em, điều kiện về cứu hộ ra sao... 

Còn vụ học sinh tử vong do điện giật ở khu nội trú trường học, theo bà rõ ràng hệ thống điện ở đây không đảm bảo an toàn, có kẽ hở trong việc kiểm tra đảm bảo an toàn toàn diện.

Bà cũng nhắc lại sự việc học sinh mất mạng khi bị bỏ quên trên xe đưa đón; trường hợp học trò tử vong do ngộ độc khi ăn thịt gà chưa được nấu kỹ hay do gốc cây bật gốc ở sân trường trước đây.

Người này nhấn mạnh, nói ra không phải để chê trách mà để những người đang làm giáo dục cùng nhìn lại, cần thật sự chú tâm, quan tâm, đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Nguy hiểm có thể ập đến với trẻ khi một quy trình vận hành, quản lý lỏng lẻo hay đến từ sự thiếu trách nhiệm, cẩu thả. 

Theo nhà quản lý này, an toàn cho học sinh phải từ xe đưa đón, từ cổng trường từ sân chơi cho đến từng viên gạch, cầu thang, cầu trượt rồi hệ thống điện, nước uống, bữa ăn, từng nhành cây...

Điều này đòi hỏi người làm giáo dục phải thật sự tỉ mỉ, quan tâm đến từng chi tiết, từng quy trình, không được bỏ sót bất cứ kẽ hở nào. 

Học sinh tử vong vì đuối nước, điện giật: Mẹ run rẩy khi cô y tế gọi điện-4
Bộ GD&ĐT vừa lấy ý kiến về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn (Ảnh minh họa: Nam Anh).

"Bất cứ ai, từ quản lý cho đến giáo viên, bảo mẫu, lao công, bảo vệ, nhân viên văn phòng... nếu ai cẩu thả, không thể chuyên tâm cho công việc, tôi luôn khuyên họ cân nhắc tìm công việc khác. Dẫu rằng tai nạn không thể tránh tuyệt đối nhưng tính mạng của học trò không có chỗ để chúng ta được phép sơ sẩy, cẩu thả", nhà quản lý này trải lòng. 

Theo dự thảo của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, tiêu chí đánh giá trường học an toàn được dựa trên những quy định sau:

Về cơ sở hạ tầng: Khuôn viên trường ngăn cách với bên ngoài, rào chắn kiên cố, có biển tên; đảm bảo diện tích các phòng học và đạt tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất theo quy định.

Phòng học: Bàn ghế chắc chắn, đảm bảo tiêu chuẩn, hệ thống cửa kiên cố, cửa sổ có chấn song chắc chắn cùng hệ thống điện, thiết bị phục vụ công tác dạy học lắp đặt đúng vị trí theo đúng quy định);

Lan can, hiên chơi, cầu thang: Xây dựng, lắp đặt theo đúng quy định; không để bàn ghế, đồ dùng ở khu vực lan can.

Nhà bếp nhà ăn, căng tin: Đảm bảo đặt độc lập với các phòng chức năng; đảm bảo quy trình bếp một chiều; lưu thông không khí, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Nhà vệ sinh: Bố trí thông thoáng, riêng biệt cho nam và nữ, hệ thống cấp thoát nước đảm bảo hoạt động liên tục... 

Ngoài ra, còn các tiêu chí an toàn về thiết bị, tài liệu, học liệu dạy học; phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông và các loại hình tai nạn thương tích. 

 

Theo Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/giao-duc/hoc-sinh-tu-vong-vi-duoi-nuoc-dien-giat-me-run-ray-khi-co-y-te-goi-dien-20230908125223098.htm

học sinh

tai nạn học đường


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.